03/08/2023 10:36 GMT+7

Liên kết vùng, giảm đi lại cho người bệnh

Lần đầu tiên ngành y tế TP.HCM lĩnh xướng vai trò "nhạc trưởng" trong liên kết vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long nhằm nâng cao năng lực y tế với kỳ vọng ngăn chuyển bệnh.

TP.HCM là nơi “gánh” các loại dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng. Trong ảnh: bệnh nhi nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 - Ảnh: DUYÊN PHAN

TP.HCM là nơi “gánh” các loại dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng. Trong ảnh: bệnh nhi nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Mục tiêu liên kết vùng này vừa được cụ thể hóa bằng một hội nghị ký kết hợp tác giữa ngành y tế TP.HCM và 13 tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ thỏa thuận này sẽ mở ra cơ chế phát triển mạng lưới các chuyên khoa theo quy mô vùng đối với các bệnh lý có nguy cơ tử vong cao như ung thư, đột quỵ, tim mạch, ngoại chấn thương, sản và nhi khoa...

TP.HCM đang là "trung tâm gánh bệnh"

Theo ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM, sự liên kết này là điều cần thiết, giúp ngành y tế các địa phương cùng phát triển chuyên môn kỹ thuật cao. Xa hơn là giải quyết bài toán căng thẳng bấy lâu nay khi giúp người bệnh không phải lên tuyến trên chữa trị, vừa tốn kém vừa gây lãng phí nguồn lực.

Để làm được điều này, ông Thượng cho rằng các lĩnh vực cần ưu tiên củng cố của các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là ngoại thần kinh, chấn thương chỉnh hình và phòng ngừa các loại dịch bệnh. Đặc biệt, tim mạch và ung thư đang nằm trong nhóm "báo động đỏ" cần được đầu tư sớm. Và đây cũng là thực tế để TP.HCM đưa ra đề xuất hình thành và phát triển mạng lưới chuyên khoa ung thư vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

TS.BS Phạm Xuân Dũng - giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết trung bình mỗi năm số lượt khám và số ca nhập viện điều trị tại đơn vị gia tăng từ 8 - 10%. Bệnh viện dù được đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại với hơn 1.300 giường vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu và thường rơi vào tình trạng quá tải. Nguyên nhân, theo bác sĩ Dũng, xuất phát từ thực tế có hơn 80% bệnh nhân khám chữa bệnh đến từ ngoài TP.HCM.

Ngoài ung thư, TP.HCM cũng là nơi "gánh" các loại dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng. Trong báo cáo được giám đốc Sở Y tế TP.HCM gửi Bộ Y tế dự báo số ca tay chân miệng nhập viện và chuyển nặng từ các tỉnh chuyển đến TP.HCM tiếp tục tăng, chiếm khoảng 80%. Sáu ca tử vong gần đây đều có hộ khẩu từ các tỉnh lân cận.

Điều này, theo ông Thượng, cũng là nguyên nhân đẩy TP.HCM rơi vào tình trạng thiếu các loại thuốc thiết yếu trong điều trị tay chân miệng như Immunoglobulin (IVIg), Phenobarbital truyền tĩnh mạch. "Nếu chỉ xem xét riêng ca bệnh có địa chỉ tại TP.HCM, chúng tôi vẫn đang ở tình huống dịch thứ 1, tức dưới 50 ca nhập viện/ngày, 200 ca điều trị nội trú, 20 ca nặng với quy mô 200 giường, vẫn đảm bảo nguồn lực cho tiếp nhận điều trị. Nhưng việc phải gánh từ 60 - 80% số ca nặng từ các tỉnh khiến TP.HCM rơi vào tình huống 2 khi cơ số thuốc dự trữ không còn đủ đáp ứng tình hình dịch bệnh tăng nhanh" - ông Thượng nói.

Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ là bệnh viện chuyên khoa nhi điều trị cho bệnh nhi đến từ các tỉnh miền Tây, tuy nhiên cơ sở vật chất còn khá nghèo nàn. Trong ảnh: thời điểm cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh nhi phải nằm ngoài hành lang - Ảnh: T.LŨY

Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ là bệnh viện chuyên khoa nhi điều trị cho bệnh nhi đến từ các tỉnh miền Tây, tuy nhiên cơ sở vật chất còn khá nghèo nàn. Trong ảnh: thời điểm cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh nhi phải nằm ngoài hành lang - Ảnh: T.LŨY

Ưu tiên đánh chặn từ xa

Từ thực tế nhức nhối này, TP.HCM đã lên kế hoạch "đánh chặn" bệnh từ xa bằng việc yêu cầu các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối có kế hoạch phát triển mạng lưới chuyên khoa theo quy mô vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, xác định thêm các bệnh viện tỉnh thành thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long tham gia ứng dụng các kỹ thuật chuyên sâu theo từng chuyên khoa gồm sản, nhi, ung thư, thần kinh - đột quỵ, can thiệp tim mạch, ngoại thần kinh - chấn thương chỉnh hình, ngoại niệu. Từ đó đảm bảo tránh trùng lắp giữa các địa phương có vị trí địa lý gần nhau gây lãng phí, vừa đảm bảo sự tiếp cận của người dân được thuận lợi hơn, qua đó cải thiện tỉ lệ tử vong.

Điều này được chứng minh từ việc Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau vừa cứu sống một bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng trong tình trạng nguy kịch nhờ áp dụng kỹ thuật lọc máu liên tục với sự hỗ trợ của các chuyên gia hồi sức nhi của Bệnh viện Nhi đồng 1. "Đó là cơ sở để Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp tục chuyển giao các kỹ thuật hồi sức nhi chuyên sâu cho các địa phương khi đã phát triển vững chắc rất nhiều kỹ thuật nhi khoa và đã hạn chế được thấp nhất chuyển viện trẻ em mắc bệnh nặng về TP.HCM" - ông Thượng khẳng định.

Một giải pháp được các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long thống nhất là sẽ sớm thành lập một trung tâm chuyên sâu tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng, với sự hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật toàn diện của Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM. Trung tâm này có các kỹ thuật chuyên khoa từ phẫu thuật tim hở cho đến thông tim can thiệp, điện sinh lý... Việc thành lập trung tâm này cũng dựa trên cơ sở đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật can thiệp tim mạch cho người dân địa phương không phải chuyển về TP.HCM như trước đây.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Đặng Minh Hiền - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng - cho biết bệnh viện đang khẩn trương xúc tiến các công việc, tham vấn ý kiến Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM. Trước mắt, đơn vị dự kiến tận dụng cơ sở vật chất, hạ tầng của bệnh viện để thành lập trung tâm này. "Đội ngũ bác sĩ cơ hữu và máy móc hiện tại của bệnh viện cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Tuy đề án "còn nhiều việc phải làm" nhưng ông Hiền khẳng định nếu thuận lợi, sau một năm có thể sẽ ra mắt trung tâm chuyên sâu tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng.

Còn về ung bướu, bác sĩ Phạm Xuân Dũng cam kết sẽ hỗ trợ toàn diện về đào tạo nhân lực chẩn đoán điều trị, tư vấn mua sắm trang thiết bị, hội chẩn từ xa, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật về đọc phân tích kết quả sinh hóa máu... cho các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long. "Thực tế năng lực tầm soát chẩn đoán sớm chính xác và năng lực điều trị ung thư ở các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long còn khá hạn chế, do đó rất cần thiết xây dựng mạng lưới điều trị ung thư nhằm giảm gánh nặng kinh tế - xã hội cho địa phương cũng như người bệnh" - bác sĩ Dũng nói. Đồng thời, ông cũng đề xuất các tỉnh cần chủ động duy trì, nâng cao năng lực và kỹ thuật sẵn có; song song việc địa phương cần có nguồn lực đầu tư phù hợp.

Liên kết vùng, giảm đi lại cho người bệnh - Ảnh 3.

Sẽ không chuyển bệnh, nếu...

Bác sĩ Hoàng Quốc Cường - giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ - chia sẻ ngành y tế TP hậu COVID-19 đang hết sức khó khăn, đặc biệt trong công tác đấu thầu mua sắm vật tư, hóa chất và thuốc. Theo ông, các bệnh viện không có nguồn kinh phí sửa chữa, mua sắm vật tư thiết bị phục vụ công tác khám điều trị bệnh.

Đặc biệt, các chương trình quốc gia về y tế hiện địa phương không có đủ kinh phí triển khai; các dự án đầu tư công trung hạn năm 2021-2025 trong lĩnh vực y tế đều bị cắt giảm. "Chúng tôi đang tìm nguồn đối tác vay để mua máy xạ trị cho Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ nhưng rất khó khăn" - ông Cường chia sẻ.

Về nguồn nhân lực, theo ông Cường, số lượng thì đạt nhưng về chất lượng cũng đang là câu hỏi lớn. Trong khi cơ chế chính sách giữ chân nguồn nhân lực này ngày càng khó, có người sau đào tạo chấp nhận bồi thường kinh phí rồi bỏ đi bệnh viện khác. Từ đó, ông cho rằng các địa phương cần cơ chế đặc thù và chính sách đột phá để giữ chân đội ngũ y tế.

Trong khi đó, bác sĩ Trần Văn Dũng - phó giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng - cho biết thời gian qua có nhiều trường hợp mắc tim mạch đã được Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng cứu sống, không phải chuyển lên TP.HCM nhờ được đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại. "Việc thành lập được trung tâm chuyên sâu tim mạch tại Sóc Trăng là điều rất vui, không chỉ điều trị cho người dân tỉnh Sóc Trăng mà còn phục vụ người dân các tỉnh lân cận" - ông Dũng nói.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng - giám đốc Sở Y tế Cà Mau, nhờ sự hỗ trợ của Sở Y tế TP.HCM, các bệnh viện Nhi đồng 1, Từ Dũ, Ung bướu, Chợ Rẫy... đã giúp cho ngành y tế Cà Mau phát triển hơn hẳn trên các lĩnh vực khám chữa bệnh và phòng bệnh. Một số kỹ thuật y tế tiên tiến, hiện đại như can thiệp tim mạch, ung bướu, phẫu thuật nội soi, nhi khoa, sản khoa đã và đang được triển khai có hiệu quả.

Từ sự thành công bước đầu thông qua sự hỗ trợ của Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ Võ Thành Lợi - giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau - cho hay sẽ tiếp tục ký kết hợp tác với Bệnh viện Từ Dũ, Nhi đồng 1 trong hỗ trợ các gói kỹ thuật như cấp cứu ngừng tuần hoàn, gây mê hồi sức cho sản phụ và trẻ sơ sinh; cấp cứu và xử trí các trường hợp tim bẩm sinh trẻ em; xử trí cấp cứu hồi sức các bệnh lý nguy hiểm, có sốc ở trẻ em, kỹ thuật EMO (tim phổi nhân tạo)...

Ông bày tỏ mong muốn phát triển hơn nữa việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em và khẳng định sẵn sàng cử người đi đào tạo cũng như mua sắm trang thiết bị. "Do ở đây điều kiện địa lý xa xôi nên khi phụ nữ sinh đẻ, rồi em bé sinh ra có vấn đề gì phải chuyển lên tuyến trên rất nguy hiểm. Nếu liên kết phát triển lĩnh vực hồi sức sản khoa, hồi sức nhi chuyên sâu sẽ thuận lợi cho người dân, cứu được nhiều hơn các bệnh lý trẻ em" - bác sĩ Lợi nói.

Nếu hợp tác và phát triển các kỹ thuật khó, chuyên sâu điều trị bệnh lý tim mạch, ung thư, các bệnh lý nhi chuyên sâu... bệnh nhân sẽ được điều trị tại địa phương, hạn chế chuyển lên TP.HCM - Ảnh: THÁI LŨY

Nếu hợp tác và phát triển các kỹ thuật khó, chuyên sâu điều trị bệnh lý tim mạch, ung thư, các bệnh lý nhi chuyên sâu... bệnh nhân sẽ được điều trị tại địa phương, hạn chế chuyển lên TP.HCM - Ảnh: THÁI LŨY

Bệnh nhân ung thư đổ dồn về TP.HCM

Năm 2022, bệnh nhân ung thư điều trị tại TP.HCM đến từ 13 tỉnh ĐBSCL là 173.766 lượt, chiếm 38%. Trong đó, các tỉnh như Long An, Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh... luôn nằm trong danh sách "đội sổ" về số lượt khám và nhập viện điều trị. Đặc biệt, số liệu khám và điều trị ung thư của hai tỉnh giáp ranh gồm Long An, Tiền Giang gần như xấp xỉ với TP.HCM.

Trong khi đó, ở các tỉnh miền Tây, chỉ có Cần Thơ và Kiên Giang có bệnh viện chuyên khoa ung bướu với quy mô tổng cộng chỉ 600 giường, các tỉnh còn lại chỉ có khoa ung bướu trong bệnh viện đa khoa với số giường rất hạn chế. Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ - vốn là trung tâm ung bướu của Đồng bằng sông Cửu Long - hiện rơi vào tình trạng thiếu máy PET/CT, các kỹ thuật như chụp MRI, DSA và xạ trị gia tốc vẫn chưa được trang bị do không có kinh phí đầu tư. Một số bệnh viện Trà Vinh, Cà Mau, Đồng Tháp, Bến Tre... đã ghi nhận tình trạng quá tải, đáng nói cả 13 tỉnh chỉ có ba đơn vị có máy xạ trị.

Sẽ hình thành "bệnh viện vùng"

Một trong các giải pháp ưu tiên của Bộ Y tế là đầu tư, nâng cấp các bệnh viện tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng.

Khi ấy, các bệnh viện này sẽ cung ứng các dịch vụ y tế tuyến cuối cho người dân trong vùng, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối cấp quốc gia.

Theo Bộ Y tế, hiện nay tỉ trọng sử dụng dịch vụ y tế tại tuyến trung ương chiếm khoảng 9,4%. Dự báo xu hướng này sẽ dịch chuyển xuống các "bệnh viện vùng" khi được nâng cấp cả về năng lực và cơ sở hạ tầng. Đến năm 2050, tỉ trọng sử dụng dịch vụ ở tuyến trung ương giảm xuống còn 5%, bệnh viện vùng chiếm khoảng 5% và 90% còn lại sử dụng dịch vụ ở các bệnh viện tuyến tỉnh.

Các tỉnh Đông Nam Bộ cần gì?

Đồng Nai đề nghị ngành y tế TP.HCM triển khai mô hình bệnh viện vệ tinh về ung bướu, sản, nhi, mắt - Ảnh: A LỘC

Đồng Nai đề nghị ngành y tế TP.HCM triển khai mô hình bệnh viện vệ tinh về ung bướu, sản, nhi, mắt - Ảnh: A LỘC

* Bà Rịa - Vũng Tàu:

Đề nghị phát triển mô hình bệnh viện vệ tinh về nhi, sơ sinh từ Bệnh viện Nhi đồng 2, về sản phụ khoa từ Bệnh viện Hùng Vương và ung thư từ Bệnh viện Ung bướu. Ngoài ra, mong muốn hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật các chuyên khoa về đột quỵ từ Bệnh viện Nhân dân 115, tiết niệu từ Bệnh viện Bình Dân, phẫu thuật phaco từ Bệnh viện Mắt. Đặc biệt, đề xuất Bệnh viện Quân y 175 và Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ tư vấn, hội chẩn từ xa cho Trung tâm Y tế quân dân y huyện Côn Đảo.

* Tây Ninh:

Đề nghị tái lập phòng khám vệ tinh của Bệnh viện Nhân dân 115; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho các chuyên khoa nhi, nhiễm, ngoại khoa, phổi và phục hồi chức năng từ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Nhi đồng 1, Chợ Rẫy, Phục hồi chức năng và Bệnh nghề nghiệp. Trong đó, đề xuất Khoa y (Đại học Quốc gia TP.HCM) hỗ trợ đào tạo bác sĩ theo đơn đặt hàng.

* Bình Dương:

Đề xuất hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu cho bệnh viện đa khoa mới quy mô 1.500 giường. Bệnh viện Tâm thần TP.HCM và Phạm Ngọc Thạch triển khai mô hình bệnh viện vệ tinh tại hai bệnh viện chuyên khoa về tâm thần và phổi vừa thành lập.

Ngoài ra, mong muốn các bệnh viện công lập và ngoài công lập tại TP.HCM nghiên cứu mở cơ sở tại tỉnh Bình Dương.

* Đồng Nai:

Đề nghị triển khai mô hình bệnh viện vệ tinh về ung bướu, sản, nhi, mắt; chuyển giao các kỹ thuật chuyên sâu về nhi, da liễu, phổi, y học cổ truyền. Ngoài ra, hỗ trợ các cơ sở y tế khám, chữa bệnh từ xa thông qua hội chẩn, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh. Đặc biệt chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước đối với các phòng khám tư nhân, trong đó đánh giá chất lượng phòng khám, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế.

* Bình Phước:

Là tỉnh gặp nhiều khó khăn nhất về nguồn nhân lực y tế, do đó mong các bệnh viện tuyến cuối ở TP.HCM hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật tại chỗ thay vì yêu cầu cử người đến các bệnh viện TP.HCM học tập và chuyển giao. Ngoài ra, đề xuất tăng cường hỗ trợ từ xa thông qua hội chẩn, tư vấn chuyên môn về hồi sức cấp cứu, ngoại khoa, chấn thương chỉnh hình, thận nhân tạo và tim mạch.

(Giám đốc sở y tế một số địa phương chia sẻ tại hội nghị "liên kết vùng" Đông Nam Bộ

vừa được tổ chức)

6 tỉnh Đông Nam Bộ họp bàn ‘liên kết vùng’ cải thiện sức khỏe người dân6 tỉnh Đông Nam Bộ họp bàn ‘liên kết vùng’ cải thiện sức khỏe người dân

Lần đầu tiên giám đốc y tế 6 tỉnh Đông Nam Bộ họp bàn 'liên kết vùng' cải thiện sức khỏe người dân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên