Liệu có thể "đóng băng" cuộc xung đột Ukraine?

TƯỜNG ANH 27/11/2023 09:53 GMT+7

TTCT - Mùa đông 2023 chứng kiến cục diện giằng co trên chiến trường đông nam Ukraine: quân Ukraine không đủ sức vượt qua tuyến phòng thủ kiên cố của quân Nga, nhưng quân Nga cũng không đủ mạnh để đột phá thêm những vị trí mới.

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Không ngạc nhiên khi đang xuất hiện các bàn luận về khả năng "đóng băng" cuộc xung đột.

Giằng co

Ukraine không thể "kết thúc xung đột bằng cuộc duyệt binh ở Matxcơva" là thừa nhận của Giám đốc cơ quan tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine Kirill Budanov hồi tháng 9-2023. Cho rằng quân đội Ukraine "sẽ không thể kết thúc xung đột với Nga bằng một cuộc duyệt binh ở Matxcơva", ông chỉ ra lý do: Ukraine phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các nước khác, trong khi Nga có thể dựa vào nguồn dự trữ của chính mình.

Nhiều chuyên gia phương Tây cho rằng chiến sự Ukraine đang bước vào giai đoạn kéo dài và ngày càng gợi nhớ đến Thế chiến I, khi vài km lãnh thổ được tái chiếm bằng cách sử dụng một lượng lớn trang thiết bị và pháo binh. 

Đến trung tuần tháng 11, có vẻ như quân đội Ukraine đã chấp nhận không thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Nga ở khu vực giáp biển Azov và quyết định thử vận may tại vùng Dnieper.

Theo The Wall Street Journal, để đạt được điều này, các nhóm nhỏ lính thủy đánh bộ Ukraine đang cố gắng vượt sông Dnieper vào ban đêm và giành được một số vị trí ở tả ngạn sông. 

WSJ gọi những nỗ lực này là "điểm sáng hiếm hoi", trong khi ở các khu vực khác của mặt trận, quân đội Ukraine phải đối mặt với "một loạt sự kiện u ám". Và mặc dù người Mỹ đánh giá "các nỗ lực đổ bộ đã thành công", WSJ vẫn nhìn nhận binh sĩ Ukraine liên tục hứng chịu hỏa lực mạnh từ pháo binh Nga. 

"Đây là cơ hội cuối cùng để chúng tôi đột phá cho đến khi chiến tranh hoàn toàn bế tắc", WSJ dẫn lời một trung sĩ Ukraine, nhấn mạnh rằng chiến dịch hiện tại ở vùng Kherson đã trở thành chiến dịch khó khăn nhất của ông kể từ tháng 2-2022.

Trong khi đó, trên báo Nga Vzglyad (vz.ru), thống đốc vùng Kherson (do Nga bổ nhiệm) Vladimir Saldo hôm 15-11 cho biết tình hình của quân Ukraine là đang trong "địa ngục rực lửa". 

Tả ngạn sông Dnieper là khu vực đầm lầy với thảm thực vật mọc um tùm. Quyết định tấn công vùng Dnieper, theo các chuyên gia Nga, là lựa chọn giữa phương án xấu và phương án rất xấu của Ukraine: tấn công các khu vực đầm lầy dẫu sao cũng đỡ hơn phải rà phá bom mìn ở các khu vực trống trải của mặt trận. 

Quân Ukraine đã đổ bộ được lên những bãi lầy ở một số ngôi làng và gọi đó là "đầu cầu" cho đến khi bị pháo binh và không quân Nga bao phủ.

Ông Saldo cho biết theo các dữ liệu tình báo quân Nga, chiến dịch diễn ra dưới sự chỉ đạo của các chỉ huy NATO, với các thiết bị quân sự và điện tử tốt nhất. 

Kế hoạch tác chiến như sau: chiếm Aleshki vào 1-11, Novaya Kakhovka vào 15-11, Chaplinka vào 1-12, Genichesk vào 15-12. Tuy nhiên, ông Saldo nói những kế hoạch này đã "đi vào địa ngục" và quân Ukraine đã nhận được "Bakhmut thứ hai".

Ảnh: WSJ

Ảnh: WSJ

Cuộc chiến có thể kéo dài bao lâu?

Một cuộc chiến kéo dài không có lợi cho Ukraine, khi việc Washington có tiếp tục viện trợ hay không vẫn còn là ẩn số. Hoa Kỳ đã cung cấp số vũ khí trị giá 43 tỉ USD cho Ukraine. Đứng thứ hai là Đức với 20 tỉ. 

Nhưng chính quyền Đức đã tuyên bố họ không thể đảm nhận vai trò dẫn đầu trong hỗ trợ Ukraine - cả Đức và châu Âu đều không có nhiều vũ khí và đạn pháo hiện đại như Hoa Kỳ.

Trong khi đó, dù bị phương Tây cấm vận gắt gao, "kinh tế Nga vẫn duy trì được sự ổn định, chuỗi sản xuất không bị phá vỡ", ông K. Budanov thừa nhận. Bộ Quốc phòng Anh cũng tin rằng Nga đang chuẩn bị cho một chiến dịch kéo dài. 

Tuần trước, Bộ Tài chính Nga báo cáo chi tiêu quốc phòng và an ninh sẽ lên tới 39% ngân sách năm 2024. Theo Forbes, 6,4 nghìn tỉ rúp đã được phân bổ cho quốc phòng Nga vào năm 2023 và hơn 10,9 nghìn tỉ rúp vào năm 2024. (So với năm 2021, chi tiêu quốc phòng là 3,57 nghìn tỉ rúp). 

Bộ Tài chính Nga dự kiến chi tiêu quốc phòng dự kiến là 8,5 nghìn tỉ rúp cho năm 2025, và 7,4 nghìn tỉ rúp cho năm 2026. WSJ 17-11 đăng bài bình luận: "Đã đến lúc ngừng suy nghĩ hoang đường về thất bại của quân Nga" nêu các lý do: kinh tế Nga không bị sụp đổ, sự ủng hộ của người dân cho ông Putin vẫn mạnh mẽ, các nhà máy quốc phòng đang tăng sản lượng, và sự giúp đỡ kinh tế Nga của Trung Quốc và Ấn Độ. 

Tuy nhiên, WSJ cũng dự báo: Các quan chức Mỹ và EU không tin rằng các cuộc đàm phán nghiêm túc giữa Ukraine và Nga có thể diễn ra trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024.

Đề tài đóng băng xung đột Ukraine không phải ngẫu nhiên mà nảy sinh.

Hồi tháng 9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với tạp chí The Economist rằng ông đã sẵn sàng chuyển sang một cuộc xung đột kéo dài và cuộc chiến tiêu hao. 

Ông hứa sẽ "nói chuyện với người dân" khi "điểm yếu của các đối tác phương Tây" trở nên rõ ràng. Ngân sách vừa được Rada - quốc hội Ukraine phê duyệt cho thấy chi tiêu sẽ cao gấp đôi thu nhập. 

Nói cách khác, Ukraine không thể tồn tại nếu không có sự giúp đỡ của phương Tây. Nhà kinh tế học Gleb Vyshlinsky ở Kiev cho biết tổng số tiền viện trợ của Mỹ năm ngoái là 100 tỉ USD và toàn bộ GDP của Ukraine năm 2022 là 160 tỉ USD.

Ảnh: The Hill Times

Ảnh: The Hill Times

Vì vậy, việc ông Budanov nói Matxcơva và Kiev có thể không ký hiệp ước hòa bình ngay cả sau khi chiến sự đã kết thúc trên thực tế, và lấy kịch bản Nga - Nhật trong vấn đề quần đảo Kuril ra làm ví dụ chính là khả năng "đóng băng" cuộc xung đột. 

Các bên chấm dứt chiến sự, nhưng vẫn có quan hệ thù địch. Có ít nhất hàng chục ví dụ lịch sử tương tự trên thế giới: Hàn Quốc và Triều Tiên, Argentina và Anh (tranh chấp quần đảo Falkland), Tây Ban Nha và Anh (tranh chấp eo đất Gibraltar), Trung Quốc và Ấn Độ (tranh chấp khu vực giáp ranh ở Himalaya), Pakistan và Ấn Độ...

Trên tạp chí Foreign Affairs, các chuyên gia về vấn đề quốc tế nổi tiếng người Mỹ Richard Haas và Charles Kapchan đề nghị Ukraine chuyển sang phòng thủ và đề xuất hòa đàm với Nga, mà theo họ, là "động thái cuối cùng sẽ có lợi cho Ukraine, vì ngoại giao đưa ra cách thức thực tế nhất để chấm dứt không chỉ chiến tranh mà còn về lâu dài việc Nga chiếm đóng lãnh thổ Ukraine". 

Hai tác giả cho rằng thực tế chiến cuộc ở Ukraine hiện không còn là "cuộc chiến sống còn" đối với Kiev, mà đã trở thành "cuộc chiến của lựa chọn: lấy lại Crimea và các phần lãnh thổ đã mất ở Donbass và phía đông". Để thuyết phục Kiev, phương Tây cần đề nghị Ukraine một mối quan hệ đặc biệt với NATO và EU, hai tác giả nhận định.

Tổng thống Zelensky đến nay vẫn khẳng định không cho phép đóng băng cuộc xung đột, mà phải kết thúc nó theo các điều kiện của Ukraine. Tuyên bố gần nhất được ông Zelensky đưa ra tại cuộc gặp với đại diện truyền thông châu Phi hôm 16-11. Ông nói Ukraine sẽ tiếp tục chiến đấu để giành lại những lãnh thổ bị chiếm đóng, "dù có khó khăn đến đâu". ■

Cổng thông tin Ukraine New Voice (NV) ngày 15-11 đã đăng phân tích của các chuyên gia phương Tây thừa nhận cuộc chiến Ukraine đang chuyển sang giai đoạn "kéo dài". Agil Rustamzade, nhà phân tích quân sự người Azerbaijan, nói tình hình đã rơi vào một cuộc chiến tranh đối xứng cổ điển, dựa vào pháo binh và xe bọc thép.

Người đứng đầu cơ quan tình báo Ukraine Budanov cũng thừa nhận trong 4 tháng qua, quân Ukraine không chỉ phải đối mặt với các cuộc phản công liên tục của Nga, mà cả những bãi mìn khổng lồ và các chướng ngại vật khác, làm chậm đáng kể bước tiến theo hướng từ Zaporozhye đến Melitopol và Berdyansk.

Hơn nữa, Ukraine không có lợi thế trên không. Vì vậy, tiến bộ "được đo bằng km". Budanov đề cập một lối thoát khỏi tình hình trong bài báo trên NV:

"Có những tiền lệ lịch sử khi các cuộc chiến tranh kéo dài giữa các quốc gia vẫn chưa được giải quyết một cách hợp pháp. Ví dụ Liên bang Nga và Nhật Bản, sau năm 1945 chưa bao giờ ký hiệp ước hòa bình về quần đảo phía Bắc (mà Nga gọi là quần đảo Kuril), và vấn đề lãnh thổ này đã được 70 năm tuổi".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận