28/08/2021 08:15 GMT+7

Lo Afghanistan trở lại vòng xoáy bạo lực

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Đúng như những gì Tổng thống Mỹ Joe Biden từng lo ngại trong một phát biểu gần đây, đã xảy ra thảm họa tấn công khủng bố tại sân bay Kabul khi chiến dịch sơ tán gấp rút triển khai.

Lo Afghanistan trở lại vòng xoáy bạo lực - Ảnh 1.

Nguồn: WSJ, CNN, CSIS... - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: T.ĐẠT

Chúng tôi sẽ không tha thứ. Chúng tôi sẽ không quên. Chúng tôi sẽ săn lùng và buộc chúng phải trả giá.

Tổng thống Mỹ JOE BIDEN tuyên bố với những kẻ đã gây ra vụ tấn công,
nhưng tiếp tục bác bỏ việc kéo dài thời hạn rút quân ở Afghanistan

Điều Mỹ và các đồng minh lo ngại nhất đã xảy ra ngày 26-8 với 2 vụ đánh bom liều chết và một vụ tấn công bằng súng xảy ra bên ngoài sân bay Hamid Karzai ở thủ đô Kabul (Afghanistan). 

Sự việc xảy ra chỉ vài giờ sau khi các nước phương Tây cảnh báo nguy cơ tấn công của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Rút ngắn chiến dịch sơ tán

Hãng tin Reuters đưa tin 72 người Afghanistan thiệt mạng, còn Mỹ xác nhận 13 quân nhân của họ tử vong. Taliban ban đầu cho biết trong số các nạn nhân có 28 thành viên của họ, nhưng người phát ngôn Zabihullah Mujahid sau đó phủ nhận. 

ISIS-K, hay còn gọi là Nhà nước Hồi giáo Khorasan hoặc IS-K, một nhánh của tổ chức IS ở Afghanistan, đã nhận trách nhiệm vụ tấn công này.

"Tôi thấy thi thể phụ nữ, trẻ em và đàn ông la liệt khắp nơi sau vụ nổ" - một nhân chứng kể lại. Anh cho biết tất cả mọi người, gồm các tay súng Taliban, đều tháo chạy sau vụ nổ đầu tiên. 

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết một tên khủng bố đã cố vượt qua hàng rào an ninh ở cổng Abbey của sân bay, xông vào nhóm các gia đình chờ di tản và kích nổ.

Vụ nổ còn lại xảy ra ngay giữa đám đông gần khách sạn Baron bên ngoài sân bay. Từ hôm trước, hàng rào an ninh đã được đẩy ra xa hơn, cách khách sạn 300m. 

"Nếu các lực lượng vũ trang không đẩy rào chắn ra xa hơn, tôi nghĩ hiện trường có thể còn thảm khốc hơn" - ông Wallace nói, cảnh báo nguy cơ chưa kết thúc.

Trước đó, tướng Frank McKenzie - tư lệnh Bộ Chỉ huy trung tâm của Mỹ - cũng dự báo sẽ có thêm các vụ tấn công, có thể là bom xe hoặc rocket. "Chúng tôi đã sẵn sàng ứng phó" - ông McKenzie nói, cho biết Mỹ đang chia sẻ thông tin tình báo với Taliban để ngăn chặn các vụ tấn công khác.

Sau vụ đánh bom, nhiều nước đã lên án những kẻ khủng bố song cũng khẩn trương kết thúc chiến dịch di tản. Đài Al Jazzera đưa tin các chuyến bay sơ tán đã nối lại trong sáng 27-8 nhưng dường như các nước đã quyết định rút ngắn hoạt động này. 

"Quá trình di tản đã khép lại và chúng ta chỉ còn vài giờ" - Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói ngày 27-8. 

Tương tự Tây Ban Nha thông báo 2 chuyến bay cuối sẽ cất cánh vào sáng 27-8, còn Úc cho rằng tình hình ở Kabul không còn an toàn để tiếp tục sơ tán.

Các nước phương Tây đã di tản hơn 100.000 người khỏi Afghanistan trong 12 ngày qua nhưng thừa nhận có thể hàng ngàn người sẽ bị kẹt lại.

Nguy cơ nội chiến

Các vụ đánh bom ngày 26-8 không chỉ gây ra một trong những tổn thất nghiêm trọng đối với quân đội Mỹ, mà còn là một kết thúc quá đau lòng sau 20 năm tham chiến ở Afghanistan.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đã lệnh cho Lầu Năm Góc lên kế hoạch tấn công tài sản, cơ sở và lãnh đạo của IS-K. 

"Chúng ta sẽ đáp trả bằng vũ lực và sự chuẩn xác về thời gian, tại vị trí và thời điểm chúng ta chọn" - ông nói, song loại trừ khả năng triển khai chiến dịch quân sự lớn. 

Dù thế nào khung cảnh đẫm máu ở Kabul trong ngày 26-8 chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới sự nghiệp chính trị của ông Biden. Nó cũng cho thấy nguy cơ Afghanistan sẽ lại rơi vào cơn ác mộng bạo lực khi Taliban đã và sẽ còn đối mặt nhiều thách thức từ các nhóm cực đoan khác đang hoạt động ở nước này.

Tại Kabul, phóng viên Charles Stratford của Đài Al Jazeera mô tả nỗi lo ngày càng lớn khi Taliban huy động hàng ngàn chiến binh từ các tỉnh đổ về Kabul để tăng cường an ninh. 

"Tôi cảm giác tình hình đang trở lại như cũ với nhiều vụ đánh bom và tấn công, chỉ khác là chúng tôi lo sẽ đối mặt với điều đó dưới chế độ Taliban" - ông Saad Mohseni, chủ Đài truyền hình Tolo của Afghanistan, lo lắng.

Taliban nhờ Thổ Nhĩ Kỳ

Sau vụ đánh bom, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết Taliban nhờ Ankara điều hành sân bay Kabul sau khi phương Tây rút đi, song ông chưa quyết định việc này. Theo Hãng tin Reuters, ông Erdogan lo ngại bị cuốn vào các vấn đề an ninh và bất ổn.

"Taliban nói họ sẽ đảm bảo an ninh để chúng tôi có thể điều hành sân bay. Nhưng chúng tôi chưa quyết định vì luôn có khả năng thiệt mạng hoặc những việc kiểu như vậy ở đó" - ông Erdogan nói.

Mỹ chia sẻ tin tình báo với Taliban để chống khủng bố Mỹ chia sẻ tin tình báo với Taliban để chống khủng bố

TTO - Tướng Kenneth McKenzie - tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) - cho biết Mỹ đang chia sẻ thông tin tình báo với Taliban để đề phòng nguy cơ tiếp diễn các cuộc đánh bom liều chết tại sân bay Kabul, Afghanistan.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên