30/11/2017 20:19 GMT+7

Lở chân mố neo cầu Thuận Phước: Không đáng lo ngại

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Việc xói lở ở mố neo cầu dây võng Thuận Phước (bắc qua sông Hàn, nối quận Hải Châu và quận Sơn Trà của TP. Đà Nẵng) được nhận định là "không đáng lo ngại".

Lở chân mố neo cầu Thuận Phước: Không đáng lo ngại - Ảnh 1.

Vết lở dưới chân cầu Thuận Phước - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Sau khi nhận được thông tin xói lở ở mố neo cầu dây võng Thuận Phước, ngày 30-11 Sở GTVT Đà Nẵng đã có thông báo chính thức về vụ việc. 

Xói lở không ảnh hưởng đến cả công trình

Sở GTVT Đà Nẵng cho rằng đối chiếu với hồ sơ thiết kế công trình, việc xói lở phần đất nói trên không làm sai khác và ảnh hưởng đến kết cấu của công trình theo thiết kế. Vì vậy việc xói lở nói trên không ảnh hưởng đến kết cấu và an toàn của công trình trong quá trình khai thác.

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Mỹ, phó trưởng khoa Xây dựng cầu đường (Trường ĐH Bách Khoa - ĐH Đà Nẵng), đối với cầu treo dây võng, kết cấu mố neo là kết cấu quan trọng nhất nên các giai đoạn thiết kế, thi công và khai thác chắc chắn được quan tâm sát sao. 

Trong thiết kế, theo phương dọc cầu, việc mố neo đặt lệch so với móng giếng chìm là để tận dụng làm một phần đối trọng hạn chế gây bất lợi cho móng giếng chìm, hoặc có thể thiết kế mố neo rộng hơn đỉnh móng. 

"Do vậy việc xói một phần đất hiện nay như mô tả ở chân mố neo đều không đáng quan ngại đến cả công trình. Có chăng việc xói lỡ tạo cảm giác mất tính thẩm mỹ", tiến sĩ Mỹ nhận định.

Lở chân mố neo cầu Thuận Phước: Không đáng lo ngại - Ảnh 2.

Cầu Thuận Phước lung linh về đêm. Cầu được xây với tổng vốn khoảng 1.000 tỷ đồng thời điểm năm 2009 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Lở chân mố neo cầu Thuận Phước: Không đáng lo ngại - Ảnh 3.

Cầu Thuận Phước là cầu dây võng lớn nhất nước nối đôi bờ đầu cửa sông Hàn - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Nên khảo sát thêm

Kiến trúc sư Trần Dần, phó chủ tịch Hội Cầu đường Đà Nẵng, cũng cho rằng việc xói lở này chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ của trụ neo.

"Nó (mố neo) không phải là bộ phận chịu lực nên không đáng quan ngại. Theo tôi được biết, các công trình đồ sộ như thế này (cầu Thuận Phước có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng thời điểm 2009 - PV) thì hệ số an toàn mố neo được thiết kế với dư số gấp 7 lực phát sinh" - kiến trúc sư Dần nhận định.

Tuy việc xói lở không gây nguy hại, nhưng theo kiến trúc sư Trần Dần, vì đây là cây cầu dây võng lớn nhất nước (cả nước cũng hiếm cầu dây võng có khẩu độ lớn hơn 100m) nên sự việc này chưa từng có tiền lệ và cần phải được kiểm tra khảo sát.

Ông Dần cho rằng phần đất nền nơi đuôi mố neo đứng chân được hình thành trong quá trình xây cầu nên tương đối yếu, qua thời gian thì xảy ra hiện tượng xói. 

"Phải nhìn nhận rằng đợt mưa tương đối lớn vừa qua ảnh hưởng tới lưu tốc và lưu lượng (sông Hàn). Cũng phải nói rằng dòng sông ít nhiều bị biến đổi vì năm nay có thêm một công trình nhân tạo dưới lòng sông. Vị trí công trình này nằm ở hướng tây ít nhiều cũng ảnh hưởng đến lưu hướng dòng sông. Do vậy cần có đánh giá kỹ hơn về sự xói lở này", ông Dần nói.

Lở chân mố neo cầu Thuận Phước: Không đáng lo ngại - Ảnh 4.

Bản vẽ trụ neo cầu Thuận Phước (ảnh lớn) - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Theo ông Dần, muốn đánh giá và đưa ra nhận định tổng thể phải xem lại đồ án thiết kế, hồ sơ hoàn công và khảo sát hiện trường để xem độ sâu và độ rộng của vệt xói lở bởi hiện nay phần này bị mực nước che khuất.

"Việc đánh giá xói lở mới nhìn bằng mắt thường nên cũng chưa thấy được nó sâu, rộng bao nhiêu. Chúng ta biết rằng phần lở chỉ là phần bê tông với mục đích chính là bảo về bờ sông, điều chỉnh lưu hướng và làm đẹp chân cầu nhưng cũng cần đánh giá lại. Ít nhất phải chờ vào mùa khô thì mới đánh giá lại hết và tìm biện pháp chống xói lở", ông Dần nói thêm.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên