15/05/2017 09:47 GMT+7

Lỗ hổng chính sách có thể khiến nhà nước thiệt ngàn tỷ?

TIẾN LONG - LÊ THANH, thực hiện
TIẾN LONG - LÊ THANH, thực hiện

TTO - Nếu tôi là người nắm hết các thông tin về DN, là người xây dựng và thực hiện phương án cổ phần hóa, đồng thời tôi cũng có thể là người mua, tôi sẽ tìm cách định giá rẻ tài sản, dìm giá DN xuống. Sau đó có thể là tìm cách che giấu thông tin...

Một dự án bất động sản ở đường Bế Văn Cấm, Q.7, TP.HCM. Khu đất này trước là của Công ty XNK ngũ cốc, một trong 60 dự án có liên quan đến đất đai sau cổ phần hóa bị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho thanh tra - Ảnh: Q.ĐỊNH
Một dự án bất động sản ở đường Bế Văn Cấm, Q.7, TP.HCM, nằm trong 60 dự án có liên quan đến đất đai sau cổ phần hóa bị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho thanh tra - Ảnh: Q.ĐỊNH

Giao cho từng ngành, từng doanh nghiệp tự cổ phần hóa, cộng với việc không cấm lãnh đạo DN nhà nước mua cổ phần đã tạo cơ hội cho họ lạm dụng để bán tài sản với giá rẻ

Ông Nguyễn Quang Đồng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quang Đồng - người đang thực hiện dự án nghiên cứu về cải cách khu vực công và các thể chế kinh tế cho Ngân hàng Thế giới - đã phân tích như trên và đưa thêm một số "lỗ hổng" cũng như giải pháp. Ông Đồng nói:

- Cổ phần hóa thực chất là chuyển tài sản từ sở hữu công cho các thành phần kinh tế khác. Mấu chốt là trong tiến trình đó làm sao Nhà nước bán được tài sản với giá cao nhất. Tiếc thay chính sách chuyển giao ấy còn nhiều lỗ hổng.

Khó ngăn việc bị “làm giá”?

* Qua 60 dự án mà Bộ Tài chính kiến nghị lên Chính phủ cho thấy nguy cơ thất thoát có thể lên tới hàng chục, hàng trăm tỉ đồng khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Theo ông, có những lỗ hổng nào dẫn đến khả năng sự thất thoát rất lớn tài sản nhà nước?

- Có hai hạn chế lớn trong các quy định pháp luật về cổ phần hóa liên quan đến đất đai. Thứ nhất, định giá không tính giá đất vào giá trị doanh nghiệp (DN) nếu là đất thuê của Nhà nước trả tiền hằng năm. Thứ hai, việc xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chủ yếu dựa vào kết quả của DN tư vấn nhưng không đầy đủ và chưa sát với giá thị trường. Điều đó khiến tài sản có thể bị định giá rẻ đi.

* Cách làm của chúng ta đang khiến DN có thể cố tình định giá thấp?

- Thất thoát tài sản còn có thể đến từ cách làm: giao cho từng ngành, từng DN tự thực hiện cổ phần hóa. Cộng với việc không cấm lãnh đạo DN nhà nước tham gia mua cổ phần đã tạo khả năng chính các lãnh đạo này lạm dụng để bán tài sản với giá rẻ.

Nếu tôi là người nắm hết các thông tin về DN, là người xây dựng và thực hiện phương án cổ phần hóa, đồng thời tôi cũng có thể là người mua, tôi sẽ tìm cách định giá rẻ tài sản, dìm giá DN xuống.

Sau đó có thể là tìm cách che giấu thông tin, hạn chế người mua hoặc ngăn cản người khác mua.

Như thế, tôi hoặc người nhà của tôi, bằng nhiều cách, hoàn toàn đúng quy trình, có thể mua rẻ được DN.

Dù có quy định là thành viên ban chỉ đạo cổ phần hóa không được mua cổ phần lần đầu, điều đó là không đủ để ngăn được việc “làm giá”, để người thân hoặc nhờ người đứng tên mua.

* Để ngăn việc né đấu giá, thâu tóm “đất vàng” với giá rẻ, có đề nghị cần buộc DN trình phương án sử dụng đất trước khi phê duyệt cổ phần hóa?

- Cách này chỉ siết phần ngọn. Cổ phần hóa xong, tài sản thuộc về người khác, cần tôn trọng quyền quyết định của chủ sở hữu mới, không thể bó cứng họ chỉ được làm việc gì.

Tư duy kiểm soát về mặt thị trường của Nhà nước chắc chắn hạn chế sự tham gia của DN tư nhân vào cổ phần hóa DN. Hệ quả là giá giảm, tài sản nhà nước cần bán có thể khó bán hơn.

* Có ý kiến cho rằng việc thất thoát tài sản nhà nước là do quá trình cổ phần hóa quá vội vàng?

- Cổ phần hóa chậm vẫn có thể bị thất thoát. Cần nhấn mạnh lý do không minh bạch khiến báo chí, xã hội khó giám sát. Không minh bạch nên tài sản mới được định giá rẻ. Phải công khai minh bạch thực chất, chứ không phải công khai chung chung, kiểu hô khẩu hiệu.

Giải quyết vấn đề cốt lõi

* Về dài hạn, đâu là cốt lõi cần giải quyết, thưa ông?

- Cần ngăn xung đột lợi ích trong cổ phần hóa. Từng ngành, từng DN không tự mình xây dựng và thực hiện cổ phần hóa như hiện nay.

Cần một cơ quan làm đầu mối, đứng ra hợp đồng với công ty tư vấn độc lập để định giá DN, sau đó đấu giá công khai. Lãnh đạo DN nhà nước cần bị cấm mua lại cổ phần DN mình đang lãnh đạo.

Thứ nữa, cần thu hút được nhà đầu tư lớn, có thể mua được toàn bộ DN. Muốn vậy, cần phải khai thông hai điểm nghẽn.

Thứ nhất, không cổ phần hóa “nửa vời”: tức là cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối, sở hữu DN. Với những ngành Nhà nước không nhất thiết tham gia, nên bán 100%, không rụt rè.

Thứ nữa, cần sửa đổi Luật đất đai. Không riêng trong cổ phần hóa, đất đai vẫn là điểm nghẽn. Nhà nước chỉ nên quản lý phần địa chính - địa giới. Cần công nhận quyền tài sản đất đai, đưa đất đai thành một tài sản và quy định như các tài sản khác trong Luật dân sự.

* Vậy trước mắt, có giải pháp nào để “bịt” lỗ hổng trong chính sách dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước khi cổ phần hóa?

- Cần sửa quy định không tính giá đất vào giá trị DN (nếu là đất thuê trả tiền hằng năm). Mấu chốt không phải hình thức sử dụng thế nào. Cần gộp đất đai vào các tài sản khác tạo thành tổng tài sản của DN. Khi định giá DN, khung giá đất chỉ nên coi là căn cứ tham khảo. Các nhà đầu tư cần đấu giá công khai toàn bộ giá trị DN, gồm cả đất đai.

Ngoài ra, cần điều chỉnh hệ thống phí chuyển quyền sử dụng đất thành thuế bất động sản, đồng thời xử lý nghiêm tiêu cực, vi phạm pháp luật của cá nhân có liên quan.

TS Lưu Bình Nhưỡng (ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội):

Không thể bán giá bèo tài sản của dân

Trong 60 dự án mà Bộ Tài chính thống kê, giá đất vàng được phê duyệt để xây cao ốc cao cấp chỉ 20-40 triệu đồng/m2 là rẻ mạt. Vì đất ở ngay mặt đường thông thường đã hàng trăm triệu đồng/m2. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước phải mời các tổ chức định giá, kiểm toán độc lập vào để xem xét và định lại giá đất. Không thể để tài sản của nhân dân bị bán rẻ như bèo được.

Quá trình cổ phần hóa tạo ra lỗ hổng to lớn khi có những trường hợp không tính đến lợi thế đất. Tôi đã nói nhiều lần trên Quốc hội là chúng ta phải xem xét lại quá trình cổ phần hóa DN. Không thể phê duyệt theo mức giá mà công ty tư vấn, hay ban chỉ đạo cổ phần hóa của DN tính toán.

Ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM):

Bài học từ khu đất 23 Lê Duẩn

Khu đất này vốn là trụ sở của Công ty Xổ số kiến thiết TP.HCM, tọa lạc vị trí đắc địa, thu hút tới 13 doanh nghiệp có tiềm lực rất mạnh cùng đấu giá. Giá khởi điểm có 558 tỉ. Sau 16 vòng, mức giá thắng lên tới 1.430 tỉ đồng, gấp 2,6 lần giá khởi điểm. Đây là bài học đắt giá để Nhà nước cân nhắc giữa việc chỉ định và tổ chức đấu giá công khai quỹ đất công.

TIẾN LONG - LÊ THANH, thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên