26/01/2024 06:55 GMT+7

Lớp tài tử ca nhí góp thêm màu sắc cho đờn ca tài tử và cải lương Nam Bộ

Nhóm tài tử ca nhí thể hiện Vọng Kim Lang - Mạnh Lệ Quân thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả.

Các tài tử ca nhí thu hút khán giả - Ảnh: BTC

Các tài tử ca nhí thu hút khán giả - Ảnh: BTC

Tối 25-1, chương trình sân khấu dân tộc Đờn ca tài tử và cải lương Nam Bộ diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội Tết Việt 2024, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.

Chương trình nhận được sự quan tâm của đông đảo giới mộ điệu.

Các tài tử ca nhí gây chú ý

Gần 20 bài ca cổ, ca cảnh, trích đoạn cải lương tuồng cổ có chủ đề vui tươi, mừng xuân mới được thể hiện.

Đáng chú ý là sự xuất hiện biểu diễn của các tài tử ca nhí đến từ Câu lạc bộ đờn ca tài tử nhí (trực thuộc Nhà thiếu nhi quận Phú Nhuận, TP.HCM).

Các tài tử ca nhí thể hiện Vọng Kim Lang - Mạnh Lệ Quân, Bình bán vắn - Kim tiền nhận được sự ủng hộ của khán giả.

Anh Đặng Hưởng Truyền (nghệ nhân Thanh Long) - chủ nhiệm Câu lạc bộ đờn ca tài tử nhí - cho Tuổi Trẻ Online biết câu lạc bộ hiện tại có hơn 20 thành viên, từ 14 tuổi (lớp 9) trở xuống.

Câu lạc bộ thành lập được 8 năm nay, là sân chơi cho các bạn đam mê, thích và tìm hiểu về đờn ca tài tử và cải lương vào sáng thứ bảy, chủ nhật hằng tuần.

"Chỉ cần các con đam mê và thích, tôi sẽ là người truyền lửa cho các con từ những bài bản nhỏ, rồi nâng cao, làm quen với vai diễn, sân khấu. Từ đó, đào tạo nên lớp kế thừa cho cải lương.

Phần lớn các em đến câu lạc bộ đều thẩm âm tốt, hát đúng tông, đúng nhịp, thuộc bài tốt, chỉ cần 2-3 buổi thì có thể hát được" - anh Đặng Hưởng Truyền nói.

Các giọng ca nhí là lớp kế thừa sáng giá - Ảnh: BTC

Các giọng ca nhí là lớp kế thừa sáng giá - Ảnh: BTC

Em Trần Phước Lâm (lớp 9 Trường THCS - THPT Quang Trung Nguyễn Huệ, quận Phú Nhuận) cho biết thích đờn ca tài tử từ nhỏ khi bác hàng xóm rủ đánh đàn bầu. Từ đó đến nay em theo đam mê này.

Hai chị em Võ Ngọc Minh Khuê và Võ Thanh Tùng cũng đam mê đờn ca tài tử từ bé.

Minh Khuê là học sinh lớp 6 Trường THCS Ngô Tất Tố, quận Phú Nhuận. Năm 10 tuổi, cô bé được tham gia lớp đờn ca tài tử, rồi yêu thích từ đó.

Còn Thanh Tùng dù là học sinh lớp 4 Trường tiểu học Đặng Văn Ngữ (quận Phú Nhuận) nhưng tham gia câu lạc bộ lúc 7 tuổi vì thấy bạn hát hay nên muốn học theo.

Thanh Tùng nói học lời bài hát dễ thuộc hơn học bài. Em muốn được làm nghệ sĩ cải lương trong tương lai.

Với các em nhỏ, hát không dễ, đòi hỏi các em phải nghe được nhịp, được tiếng song loan, hát sao cho không bị thô, bị lệch tông.

Ưu tiên tạo sân chơi cho các loại hình văn hóa dân tộc

Đạo diễn Thành Bỉ - Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM - cho biết hơn 25 năm qua, ban giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM mong muốn duy trì loại hình đờn ca tài tử và cải lương Nam Bộ.

Dịp Tết năm nay, Nhà văn hóa Thanh niên có hai chương trình về đơn ca tài tử và cải lương được tổ chức nhằm bảo tồn, gìn giữ và đào tạo lớp kế thừa tài tử đờn và tài tử ca.

Duy trì các loại hình dân tộc để giới thiệu đến các khán giả trẻ - Ảnh: BTC

Duy trì các loại hình dân tộc để giới thiệu đến các khán giả trẻ - Ảnh: BTC

Thầy đờn Bảy Dư là người gắn bó với đờn ca tài tử nhiều năm tại Nhà văn hóa Thanh niên. Ông giới thiệu các học trò của mình xuất hiện tại nhiều chương trình hoạt động.

"Sân chơi này mong muốn giúp các tài tử đờn, tài tử ca gặp gỡ, giao lưu, học hỏi để phát triển loại hình đờn ca tài tử" - đạo diễn Thành Bỉ nhấn mạnh.

Lúc 19h30 ngày 26-1 sẽ diễn ra chương trình sân khấu cải lương tuồng cổ quy nhiều nghệ sĩ cải lương, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.

Không thể xem việc bảo tồn di sản đờn ca tài tử là… tùy hứngKhông thể xem việc bảo tồn di sản đờn ca tài tử là… tùy hứng

Ngày 8-12, tại Bào tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TP.HCM), Sở Văn hóa và Thể thao thành phố đã tổ chức hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên