22/10/2013 06:20 GMT+7

Luật ban hành nhưng thiếu hướng dẫn thực hiện

LÊ KIÊN - MAI HƯƠNG
LÊ KIÊN - MAI HƯƠNG

TT - Chiều 21-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật việc làm.

Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng dự thảo chỉ mở rộng thêm đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động có hợp đồng lao động từ ba tháng đến dưới 12 tháng là bất khả thi. Theo ông, việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn chưa làm được toàn diện, cho nên lao động từ 12 tháng trở lên mới cần đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Phát biểu cuối phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) bức xúc trước tình trạng luật ban hành không ai hướng dẫn thực hiện. “Có tới 51% văn bản luật từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đến nay Chính phủ còn nợ hướng dẫn. Dự luật việc làm lần này có đến 14 điều cần phải hướng dẫn. Nếu ta cứ thông qua lại không thực hiện được vì chờ hướng dẫn. Cứ ban hành luật như thế này thì dân không chịu được. Dân không nộp thuế chúng ta phạt, vậy thì các bộ không hướng dẫn thi hành luật cũng phải bị dân kiện” - ông Thuyền nói.

Hôm nay 22-10, buổi sáng Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe một số báo cáo, phiên thảo luận sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng.

Báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký báo cáo tình hình triển khai và kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn gửi đến các đại biểu Quốc hội. Theo báo cáo, kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên cho thấy với 47 người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn không có người nào bị tỉ lệ “tín nhiệm thấp” trên 50%.

Báo cáo cũng cho biết một số địa phương đề nghị việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên quy định ở hai mức (hiện nay là ba mức: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”). Đối với những người được lấy phiếu tín nhiệm nếu có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì cần tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm, quy định như hiện nay (trên 2/3 tổng số đại biểu) là chưa phù hợp, vì khi tiến hành bầu cử thì người đưa ra bầu cũng chỉ cần trên 50% tổng số đại biểu đồng ý là trúng cử.

LÊ KIÊN - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên