14/06/2023 10:04 GMT+7

Lúc khó khăn, càng cần nuôi dưỡng nguồn thu

Việc hàng chục ngàn công nhân mất việc vì kinh tế khó khăn, được công ty hỗ trợ một khoản tiền để ổn định cuộc sống vẫn bị tạm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân 10% đã gây tranh luận những ngày qua.

Nhiều ý kiến cho rằng ba năm qua, người làm công ăn lương khó khăn chồng chất nhưng cơ quan thuế không đề xuất chính sách miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, đến khi thất nghiệp lại bị tạm khấu trừ thuế với khoản tiền trợ cấp là thiếu tính nhân văn.

Nhiều người lao động sau 20 - 25 năm gắn bó, nay mất việc được nhận một khoản kha khá nhưng họ đều là những lao động lớn tuổi, rất khó tìm kiếm công việc mới.

Nhận khoản tiền này họ có chút vốn để buôn bán nhỏ đắp đổi qua ngày mà cơ quan thuế lại tạm khấu trừ 10% rồi "giam" một năm, sau đó họ lại phải vất vả đi làm thủ tục hoàn thuế để lấy lại số tiền mồ hôi nước mắt là rất không hợp lý.

Theo thông tin từ Công ty PouYuen Việt Nam, công nhân mất việc được hỗ trợ cao nhất 379 triệu đồng/người, còn tính bình quân mỗi công nhân được nhận khoảng 116 triệu đồng/người. 

Như vậy, sau khi trừ số tiền hỗ trợ được miễn thuế theo luật, họ sẽ bị tạm khấu trừ cao nhất là khoảng vài chục triệu đồng, thấp nhất khoảng vài triệu đồng.

Vài chục triệu này, so với số thu ngân sách hàng triệu tỉ đồng mỗi năm là con số rất nhỏ nhoi. Nhưng với người lao động lúc này lại là con số rất lớn.

Tất nhiên ở góc độ quản lý, cơ quan chức năng luôn muốn "chắc ăn", cứ thu trước đi rồi trả lại sau, sau này đỡ phải "thả gà ra đuổi". Sao không chọn phương án còn lại là trả trước thu sau và đứng ở góc độ này để chia sẻ với người dân?

Bởi lẽ hiện nay, hệ thống quản lý của cơ quan thuế dư sức nắm được những người có thu nhập cao. Nếu những trường hợp này cố tình trốn thuế thì cơ quan thuế hoàn toàn có đủ công cụ để truy thu và xử phạt. 

Đừng vì sợ sót lọt thuế mà chiếm dụng tiền của người lao động đang khó khăn suốt một năm trời, như vậy là thiếu tinh thần chia sẻ khó khăn với người dân.

Do vậy, Bộ Tài chính cần kiến nghị sửa đổi ngay quy định bất cập này để hỗ trợ người lao động, đồng thời qua đó giảm bớt gánh nặng hoàn thuế cho cơ quan thuế.

Trên thực tế, nhiều hồ sơ có số tiền hoàn rất ít, có trường hợp số thuế hoàn chỉ vài chục, vài trăm ngàn đồng.

Nếu tính toán quá chi li thì không chỉ làm khổ người lao động nghèo mà còn tạo ra sự quá tải mỗi kỳ quyết toán. 

Cơ quan thuế, thay vì tập trung quản lý nguồn thu, lại mất nhiều tháng trời dồn toàn lực để hoàn thuế cho người lao động.

Nếu giảm bớt số hồ sơ hoàn thuế, lực lượng cơ quan thuế sẽ tập trung cho việc chống thất thu thuế, vừa ít tốn thời gian vừa mang lại số thu cao hơn. Nếu chẳng may những công nhân này không quyết toán để nộp thêm số thuế thiếu thì cũng chỉ "lọt sàng xuống nia", chẳng đáng là bao.

Đằng này lúc nào cơ quan quản lý cũng trong tâm lý nghi ngờ sót thuế nên tìm mọi cách tận thu người làm công ăn lương, như vậy vừa không chia sẻ với người dân đang đối mặt với nhiều khó khăn vừa không thể hiện tinh thần nuôi dưỡng nguồn thu.

Hoàn thuế thu nhập cá nhân: Đóng thì phải nhanh, sao hoàn thì chậm?Hoàn thuế thu nhập cá nhân: Đóng thì phải nhanh, sao hoàn thì chậm?

'Đóng thuế thì phải đúng hạn, còn hoàn thuế thì chậm trễ mấy tháng trời mà không ai bị xử lý'...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên