20/06/2019 14:31 GMT+7

Luyện công trên 'sát thủ săn ngầm'

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Quân chủng hải quân có phi đội trực thăng Ka-28, được mệnh danh là 'sát thủ săn ngầm'. Làm chủ được Ka-28 - loại trực thăng chuyên tìm và tiêu diệt tàu ngầm - là ước mơ của nhiều phi công mới ra trường.

Luyện công trên sát thủ săn ngầm - Ảnh 1.

Tổ bay Ka-28 sau khi hoàn thành bài bay huấn luyện trên biển - Ảnh: M.LĂNG

Tháng 6-2019, mùa hè lộng gió tại căn cứ của Lữ đoàn không quân - hải quân 954 (Quân chủng hải quân).

“Để hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện dẫn đường và huấn luyện chiến đấu ban ngày cho phi công thì một sĩ quan trẻ phải mất khoảng 2 năm. Học khó nhưng các phi công trẻ luôn nỗ lực.

Trung tá VŨ HẢI NAM

Bay đơn trên "sát thủ săn ngầm"

Tổ bay gồm trung tá Vũ Hải Nam (phi đội trưởng phi đội 1), thượng úy phi công Nguyễn Tài Nam - lái phụ, thượng úy Chu Duy Thành và thiếu úy Trương Quang Ngọc - sĩ quan dẫn đường... ngồi trong buồng lái, tự tin bật mở các nút trên bảng điều khiển và nhận lệnh cất cánh nhằm hướng biển để thực hiện một bài bay huấn luyện khá phức tạp.

Thông thường, một tổ bay Ka-28 có 3 người: phi công lái chính, sĩ quan dẫn đường 1 (là dẫn đường kiêm trắc thủ và cũng là phi công lái phụ) và sĩ quan dẫn đường 2 (trắc thủ). 

Nếu như trung tá Vũ Hải Nam là một trong những phi công có giờ bay tích lũy trên Ka-28 khá đáng nể, là phi công cấp 1 - cấp cao nhất hiện nay của phi công quân sự, thì thượng úy Nguyễn Tài Nam là một phi công trẻ, mới có hơn 70 giờ bay trên Ka-28. Hiện tại, anh vẫn bay có giáo viên ngồi kèm, chứ chưa được bay độc lập (bay đơn). 

"Với phi công bay Ka-28 có yêu cầu rất cao vì phải bay biển ở độ cao cực thấp. Cho nên phi công phải có sự tích lũy về trình độ, bản lĩnh, kỹ năng, cách quan sát mới được đi huấn luyện biển. Yêu cầu với phi công chuyển loại loại trực thăng này phải đạt tổng giờ bay cao là 300 giờ. Tài Nam vẫn đang trong thời gian huấn luyện. Trên 300 giờ mới được bay đơn" - trung tá Vũ Hải Nam cho biết.

Trong tổ bay hôm nay, thiếu úy Trương Quang Ngọc là sĩ quan trẻ nhất đang học chuyển loại về dẫn đường trên trực thăng Ka-28. Năm nay Ngọc mới 25 tuổi.

"Chúng tôi đang bắt đầu huấn luyện một số khoa mục trên boong tàu hộ vệ tên lửa. Vừa rồi, chúng tôi đã huấn luyện cho một số tổ bay ban ngày và hiện tại anh em phi công đã được bay đơn một số nội dung quan trọng" - trung tá Vũ Hải Nam cho biết.

Nỗ lực học để điều khiển Ka-28

Với vùng đất nắng nóng khắc nghiệt như Cam Ranh, theo quy định, khi nhiệt độ trên 36 độ C, đơn vị sẽ không được tổ chức bay huấn luyện. Nhưng kể cả khi huấn luyện dưới 36 độ C thì tổ bay cũng rất vất vả, nhất là những lúc trời không gió, không gian trong buồng lái thì kín, chật hẹp nên rất bí bức. Rồi thì độ rung, tiếng ồn. 

Thế nhưng với phi công, đặc biệt là những phi công trẻ đang học chuyển loại, chỉ cần được lên trực thăng Ka-28 bay ra biển huấn luyện là "sướng" như lời của thượng úy Nguyễn Tài Nam.

Thượng úy Nguyễn Tài Nam năm nay 31 tuổi, quê Nam Định. Anh tốt nghiệp Trường sĩ quan Không quân Nha Trang cuối năm 2014. 

"Ngày trước mình bay Mi-17, Yak-52. Khi bay Ka-28 thú vị lắm. Hồi trước mình toàn bay đất liền. Lên Ka-28 là loại máy bay thứ ba, mình mới được bay ra biển nên thấy lạ, được ngắm cảnh đẹp, thích lắm. Nhưng bay biển ở độ cao thấp là một thử thách đấy. Ka-28 phải bay thấp cách mặt biển 25 - 30m để treo, thả thiết bị sonar xuống" - thượng úy Nguyễn Tài Nam cho hay.

Học cách điều khiển "sát thủ săn ngầm" như Ka-28 không đơn giản. Những phi công trẻ như Tài Nam phải tích lũy kiến thức từng ngày, phải đam mê, chăm chỉ và kiên trì góp nhặt kiến thức từng ngày. 

"Mình vẫn đang trong thời gian đào tạo - phi công Nguyễn Tài Nam nói - Khả năng điều khiển khi bay biển phức tạp hơn, khó hơn bay trên đất liền: kỹ năng phải thật chính xác, phi công phải có giờ bay nhiều, kinh nghiệm nhiều. Mình thấy bay Ka-28 khó nên thích chinh phục, quyết tâm muốn điều khiển bằng được nó. Phi công tụi mình có sổ chuẩn bị bay. Khi hoàn thành xong một ban bay, về thầy sẽ giảng bình xem mình có khuyết điểm gì để rút kinh nghiệm. Có khi một khuyết điểm nhưng phải bay mấy lần mới khắc phục được".

Trong tổ bay, thượng úy Chu Duy Thành, 28 tuổi, là sĩ quan dẫn đường 2 (trắc thủ). Năm 2013, khi tốt nghiệp Trường sĩ quan Không quân Nha Trang, Thành về các trung đoàn không quân công tác trước khi về hải quân. Thành từng là sĩ quan dẫn đường trong phi đội EC-225 của Lữ đoàn 954. Anh về phi đội Ka-28 từ tháng 10-2017. 

"Lần đầu tiên nhìn thấy Ka-28, mình thích lắm. Thấy nó đẹp, mạnh mẽ, ngầu quá chừng" - thượng úy Chu Duy Thành bật cười, kể lại ấn tượng khi lần đầu tiên nhìn thấy "sát thủ săn ngầm" Ka-28. 

"Ở trong trường mình chưa được học về Ka-28 vì Ka-28 có đặc thù riêng với nội dung bay biển và săn ngầm. Ka-28 có rất nhiều trang thiết bị. Những ngày đầu mình cảm giác nó rất phức tạp, nhưng sau một thời gian được đào tạo thì quen dần. Ka-28 trang bị nhiều thiết bị hiện đại nên sĩ quan dẫn đường trên Ka-28 phải chịu khó học để nắm bắt tốt các trang thiết bị, sử dụng thành thạo, phục vụ được tốt các nhiệm vụ" - thượng úy Chu Duy Thành cho hay.

Để làm được điều đó, những sĩ quan dẫn đường trẻ như Thành phải ngày đêm chịu khó học hỏi từ giáo viên dẫn đường, thường xuyên ôn luyện cho thuần thục. Ngoài ra, một tuần 2 - 3 buổi, các thành phần của tổ bay lại tập trung xuống hội trường học từ 19h30 đến 20h30. 

Thượng úy Chu Duy Thành tự tin nói: "Mình mới bay được mấy chục giờ. Nếu thường xuyên được huấn luyện thì mình tin chắc sẽ nắm bắt thuần thục các trang thiết bị".

Bài huấn luyện khó: "treo" máy bay trên biển

Các phi công cho biết mỗi nhiệm vụ, mỗi chuyến bay biển đều có khó khăn riêng. Nhưng khó khăn chung đối với phi công bay Ka-28 là treo (giữ máy bay ở trạng thái đứng yên trên mặt biển) và thả thiết bị giữa mênh mông đại dương ở độ cao thấp.

Ngoài biển, để treo và thả thiết bị sonar (thiết bị dò tìm tàu ngầm VGS), phi công phải tính toán được ảnh hưởng của gió đến quỹ đạo vào treo, cũng như tăng tốc làm sao để đưa được máy bay vào treo đúng điểm mình cần.

Khi sử dụng thiết bị sonar, các yếu lĩnh (động tác, kỹ thuật) điều khiển phải tốt, tức là trực thăng khi treo phải im và phải treo được trong thời gian dài mới thả được sonar và để trắc thủ thực hiện được các động tác dò âm dưới mặt nước.

Để cất - hạ cánh trên boong tàu chiến, với loại trực thăng như Ka-28, không hề dễ dàng. Do đặc điểm Ka-28 tính ổn định kém, tính điều khiển cao nên phi công khi đáp xuống boong tàu phải nhanh, gọn, chính xác. Thế nên nghe qua tưởng đơn giản nhưng chỉ riêng việc cất - hạ cánh trên boong tàu là một trong những bài huấn luyện khó, nhất là khi tàu đang chạy!

Tổ tư vấn Tổ tư vấn '3 người 5 biết' của hải quân

TTO - Những năm gần đây, mô hình tổ tư vấn "3 người 5 biết" của hải quân thực hiện với các chiến sĩ mới trong giai đoạn huấn luyện tân binh đã mang lại hiệu quả tích cực.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên