19/09/2023 09:59 GMT+7

Mẹ kiện con đòi đất, 4 cấp tòa tuyên trái ngược nhau

Vụ án mẹ kiện con, phiên sơ thẩm ở TAND TP Quảng Ngãi tuyên đất của con, phiên phúc thẩm tuyên đất của mẹ. Quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên đất của con nhưng TAND tối cao lại tuyên đất của mẹ.

Những bản án thay đổi liên tục, giờ căn nhà người con xây dựng hợp pháp trên mảnh đất thuộc về người mẹ - Ảnh: TRẦN MAI

Những bản án thay đổi liên tục, giờ căn nhà người con xây dựng hợp pháp trên mảnh đất thuộc về người mẹ - Ảnh: TRẦN MAI

Vụ tranh chấp đất đai giữa người mẹ 92 tuổi và người con bị bệnh hiểm nghèo vốn đơn giản trở nên ly kỳ khi bốn cấp tòa có phán quyết trái ngược nhau.

Và rất nhiều rắc rối phát sinh khi có đến hai quyết định giám đốc thẩm và một bản án phúc thẩm đã từng có hiệu lực.

Mẹ già kiện con ra tòa đòi đất

Nguyên đơn vụ kiện là bà Nguyễn Thị Đầm (92 tuổi), bị đơn là ông Nguyễn Thạch (62 tuổi, bị bệnh ung thư gan, di căn phổi). 

Bà Đầm là mẹ ruột của ông Thạch, sống cạnh nhau ở xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi. Bà Đầm sử dụng thửa đất 182 rộng gần 1.100m2, còn ông Thạch sử dụng thửa đất 429 rộng hơn 454m2 ở xã Nghĩa Dũng. Cả hai thửa đất từng là một mảnh vườn to lớn do tổ tiên để lại.

Cuộc sống êm ấm trôi đi, chẳng có vấn đề gì phát sinh. Đầu năm 2013, cha ông Thạch là ông Nguyễn Ri qua đời. Những bất hòa lớn dần từ biến cố đó, nhất là khi phát hiện nhầm lẫn vào năm 1994 và năm 2012 ông Thạch xây dựng nhà cho mình và con trai có "dính" phần đất của cha mẹ mình.

Đất cấp cho ông Thạch một đường, nhà xây một nẻo. Năm 2014, ông Thạch và mẹ thống nhất sẽ làm lại thủ tục cấp đổi sổ đỏ đúng với hiện trạng đang sử dụng. 

Chẳng biết vì lý do gì, ông Thạch không thống nhất làm thủ tục cấp đổi. Những lần hòa giải do UBND xã Nghĩa Dũng chủ trì bất thành. Mẹ con không tìm được tiếng nói chung và họ lôi nhau ra tòa.

Tháng 7-2018, bà Đầm kiện ông Thạch đòi lại gần 240m2 gồm một phần đất 9,1m2 và một phần đất hơn 230m2 do ông Thạch chiếm dụng. Tuổi cao, bà Đầm ủy quyền lại cho người con trai khác là ông Nguyễn Hà trực tiếp khởi kiện gia đình anh mình.

Năm 2019, TAND TP Quảng Ngãi mở phiên xét xử sơ thẩm. Qua đó, tòa chấp nhận yêu cầu ông Thạch tháo dỡ một số công trình phụ trả lại 9,1m2 cho bà Đầm; không chấp nhận yêu cầu của bà Đầm đề nghị ông Thạch trả lại hơn 230m2.

Không chịu nhận mất hơn 230m2, ông Hà kháng cáo một phần bản án.

Tháng 12-2019, TAND tỉnh Quảng Ngãi xét xử phúc thẩm. Tình tiết vụ việc vẫn vậy, nhưng cấp phúc thẩm lại chấp nhận kháng cáo của bà Đầm, tuyên buộc ông Thạch thu dọn rau màu, tháo dỡ hàng rào trả lại hơn 230m2 cho bà Đầm.

Vụ việc tưởng sẽ dừng lại, nhưng sau đó TAND cấp cao tại Đà Nẵng ra quyết định giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Vụ việc đến đây vẫn chưa kết thúc. Máu mủ tình thân lúc này không còn quan trọng, chẳng ai nhường ai. Ông Hà đại diện mẹ tiếp tục đâm đơn lên TAND tối cao. Ngày 27-9-2022, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ban hành quyết định giám đốc thẩm "Hủy quyết định giám đốc thẩm ngày 7-7-2021 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng; giữ nguyên bản án dân sự phúc thẩm ngày 17-12-2019 của TAND tỉnh Quảng Ngãi".

Rắc rối phát sinh từ những bản án

Vụ việc kéo dài 4 năm, đi qua 4 cấp tòa. Các quyết định cũng liên tục thay đổi nên Chi cục Thi hành án dân sự TP Quảng Ngãi phải "chạy theo" từng cấp xử. 

Từ khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, chấp hành viên Nguyễn Văn Cường trực tiếp thụ lý thi hành án phải liên tục ra văn bản đốc thúc ông Thạch dọn dẹp hoa màu, dỡ hàng rào trả lại đất cho bà Đầm. 

Ròng rã hơn một năm trời thi hành án thì bản án của tòa cấp cao ban hành đảo ngược hoàn toàn, từ việc thi hành án yêu cầu ông Thạch trả đất cho mẹ sang giữ nguyên hơn 230m2 cho con.

Khi quyết định của TAND cấp cao có hiệu lực, ông Thạch làm đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được cấp. 

Sau đó, ông Thạch xin cấp giấy phép xây dựng để xây nhà cho con. Đến ngày 30-6-2022, UBND TP Quảng Ngãi cấp giấy phép và ông Thạch xây dựng nhà trên chính phần đất tranh chấp.

Thế nhưng hơn 1 tháng sau, ông Hà nhận được quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của TAND tối cao. 

Trong quyết định này đề nghị tạm đình chỉ thi hành quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm của TAND tối cao. Ông Hà mang kháng nghị này yêu cầu các bên liên quan đình chỉ việc xây dựng nhà.

UBND xã Nghĩa Dũng cũng mời gia đình ông Thạch, ông Hà đến làm việc, vận động ông Thạch tạm dừng xây nhà. Con trai ông Thạch không đồng ý và tiếp tục xây dựng. Khi bản án của TAND tối cao được ban hành thì căn nhà đã hoàn thành, con trai ông Thạch vào ở.

Hiện nay, việc thi hành bản án của TAND tối cao là trả diện tích 230m2 cho bà Đầm. Tuy nhiên, chuyện phát sinh là căn nhà đã hình thành trên phần đất này khiến cơ quan thi hành án gặp khó. 

Lãnh đạo Cục Thi hành án tỉnh Quảng Ngãi cho biết bản án của TAND tối cao chắc chắn phải được thi hành. Rắc rối ở căn nhà đã hình thành trên phần đất này phát sinh nên sắp đến sẽ tổ chức họp liên ngành tìm giải pháp để thi hành án.

Ông Hà bức xúc cho rằng để phát sinh căn nhà là do UBND xã Nghĩa Dũng và TP Quảng Ngãi không ngăn chặn kịp thời dù ông đã có đơn, nhất là khi quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của TAND tối cao ban hành đề nghị tạm đình chỉ thi hành bản án của tòa cấp cao.

Là người trực tiếp xử lý vụ việc, một lãnh đạo UBND TP Quảng Ngãi nói rằng những bản án các cấp tòa tuyên đảo ngược liên tục, nên việc cấp sổ đỏ và cấp giấy phép xây dựng cho ông 

Thạch là hoàn toàn đúng bởi lúc đó bản án của tòa cấp cao có hiệu lực buộc phải thi hành. "Khi có kháng nghị giám đốc thẩm của tòa tối cao đề nghị tạm đình chỉ thi hành bản án của tòa cấp cao thì bản án đã được thi hành xong. 

Thời điểm cấp giấy phép xây dựng cho ông Thạch xây dựng nhà là đúng quy định, không có văn bản nào phát sinh yêu cầu đình chỉ xây dựng nhà", lãnh đạo UBND TP Quảng Ngãi nói.

Vụ tranh chấp đất đai này đã khiến đại gia đình bà Đầm trở nên "nổi tiếng" theo cách bất đắc dĩ. Chính quyền các cấp, cơ quan thi hành án đều buồn cho máu mủ tình thân vì đất đai mà quay mặt. 

Ông Nguyễn Văn Nguyên, phó chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, vừa trực tiếp xử lý vụ việc vừa có quan hệ xóm làng, lớn lên cùng các con bà Đầm. 

Những gì cần khuyên, ông Nguyên đã sẻ chia với hai bên, nhưng lúc này dường như những cái đầu "nóng" đã chặn đứng tình thân. "Mẹ quá già rồi, con thì bệnh nan y, có khi nguyên đơn, bị đơn mất rồi vụ việc vẫn chưa giải quyết xong. Quá buồn", ông Nguyên nói.

Chi cục Thi hành án dân sự TP Quảng Ngãi rất nhiều lần làm việc với ông Thạch, ông Hà. Cũng mong các bên nghĩ đến máu mủ mà nhượng bộ cho nhau. 

Ông Hà từng đưa ra ba phương án: hoàn trả tiền xây dựng căn nhà; ông Thạch đưa cho mẹ 900 triệu đồng xem như mua lại đất; hoặc lấy phần đất trống bên cạnh đổi trả để thi hành án. Nhưng rồi tất cả đều không đi đến thống nhất.

Đau xót lắm!

Sau nhiều năm kiện tụng, bây giờ những người là máu mủ ruột rà liên tục tới lui mỗi khi cơ quan thi hành án phát giấy mời. Ai cũng mệt mỏi. Ông Hà nói: "Đợt rồi, cơ quan thi hành án mời, tôi thấy anh Thạch đi không nổi, con phải dìu. Tôi hỏi anh ăn được không, anh nói mệt quá rồi, tôi cũng đau xót lắm".

Cựu siêu mẫu Ngọc Thúy xuất hiện tại tòa vụ tranh chấp tài sản với chồng cũCựu siêu mẫu Ngọc Thúy xuất hiện tại tòa vụ tranh chấp tài sản với chồng cũ

Sáng 18-9, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử vụ tranh chấp quyền sở hữu tài sản giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Đức An và bị đơn là bà Phạm Thị Ngọc Thúy (cựu siêu mẫu Ngọc Thúy).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên