03/08/2023 19:16 GMT+7

Mỗi chuyến lỗ 238.000 đồng, tuyến buýt điện đầu tiên ở TP.HCM gặp khó

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị UBND TP gỡ khó cho các tuyến xe buýt điện đang vận hành thí điểm.

Xe buýt điện chạy trên đường Võ Văn Kiệt, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Xe buýt điện chạy trên đường Võ Văn Kiệt, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận nâng tỉ lệ trợ giá cho các tuyến xe buýt điện thí điểm từ 44,1% lên 64,8% trong năm 2023. Việc này nhằm tháo gỡ khó khăn và khuyến khích đơn vị vận tải hành khách công cộng sử dụng năng lượng xanh.

Tuyến D4 (Vinhomes Grand Park - bến xe buýt Sài Gòn) là tuyến xe buýt điện đầu tiên tại TP.HCM, hoạt động từ tháng 3-2022. Tuyến buýt điện được người dân quan tâm bởi xe được trang bị các tiện ích hiện đại. 

Chẳng hạn như: sàn thấp và có thể nâng hạ phục vụ người khuyết tật, wifi, cổng sạc điện thoại, màn hình thông báo trạm dừng...

Đơn vị vận hành là Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái VinBus đã xây dựng ứng dụng trên điện thoại giúp khách cập nhật thông tin tuyến cũng như các sự cố xảy ra trên tuyến (kẹt xe, phân luồng giao thông, xe đến trạm trễ) để chủ động thời gian đón xe. Còn bộ phận chăm sóc khách hàng tiếp nhận và giải đáp các thắc mắc, phản ánh từ hành khách 24/24h trong ngày.

Theo kết quả khảo sát hài lòng của hành khách, đánh giá theo quý đều đạt trên 89 - 95 điểm (thang điểm 100). Còn theo tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP, tuyến buýt điện D4 được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ với số điểm đạt được 100/100 điểm.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2023, tuyến xe buýt D4 chạy khoảng 19.000 chuyến chở khoảng 525.400 lượt khách. Lượng khách đi lại liên tục tăng từ khi tuyến vào hoạt động (tháng 3-2022) từ bình quân 14,1 khách/chuyến lên 28,7 khách/chuyến (tháng 6-2023).

Với tỉ lệ trợ giá/chi phí là 44,1%, mỗi chuyến xe buýt điện được ngân sách bù 309.800 đồng, trong khi chi phí hơn 702.000 đồng. Để bù 55,9% chi phí còn lại, xe phải rước được 71 khách/chuyến. Nhưng trên thực tế 6 tháng đầu năm 2023, mỗi chuyến buýt điện chở bình quân 27,6 khách, tương ứng với doanh thu 154.000 đồng/chuyến. Như vậy, mỗi chuyến xe lỗ khoảng 238.000 đồng.

Theo biểu đồ chạy xe công bố trên hệ thống buýt TP.HCM, mỗi ngày tuyến buýt điện D4 chạy khoảng 100 chuyến, tương ứng với mức lỗ khoảng 22,8 triệu đồng.

Nguyên nhân chậm đưa vào các tuyến buýt điện còn lại

UBND TP đã chấp thuận chủ trương thí điểm 5 tuyến xe buýt điện trên địa bàn TP.HCM từ quý 1-2022. Thời gian thí điểm 24 tháng từ khi các tuyến xe buýt điện bắt đầu hoạt động. Sau khi tuyến D4 khai thác vào tháng 3-2022, 4 tuyến còn lại dự kiến vận hành cuối năm 2022. Sau đó, Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái VinBus xin lùi lại quý 4-2023.

Về nguyên nhân ảnh hưởng tới việc vận hành các tuyến còn lại, theo Sở Giao thông vận tải TP đánh giá do mức trợ giá, tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ, trạm nạp điện chưa kịp thời, bị kéo dài.

Hướng tới quốc gia toàn taxi, xe buýt điệnHướng tới quốc gia toàn taxi, xe buýt điện

Từ năm 2025, toàn bộ xe buýt thay thế phải là xe điện, từ năm 2030 toàn bộ taxi thay thế là xe điện. Đến năm 2050, 100% xe buýt, taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên