15/11/2023 16:28 GMT+7

Mời nông dân vào lớp dạy livestream bán đặc sản

Qua kênh livestream, nhiều nông dân đã biết kể câu chuyện về sản phẩm, đặc biệt là bán cảm xúc, niềm đam mê, tự hào về sản phẩm của địa phương.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp được nông dân, doanh nghiệp trưng bày tại diễn đàn năm nay - Ảnh: N.TRÍ

Nhiều sản phẩm nông nghiệp được nông dân, doanh nghiệp trưng bày tại diễn đàn năm nay - Ảnh: N.TRÍ

"Không chỉ mời những người nổi tiếng, tại mỗi địa phương, chúng tôi đang chọn ra 10-15 người để tập huấn, đào tạo trở thành những người livestream bán hàng nông sản, đặc sản". 

Thông tin trên được ông Nguyễn Minh Tiến, giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đưa ra tại tọa đàm "Thúc đẩy bán hàng online qua các nền tảng trực tuyến cho cộng đồng doanh nông trẻ và các chủ thể OCOP" diễn ra ngày 15-11. Tọa đàm nằm trong khuôn khổ diễn đàn Mekong Connect 2023.

Tăng đào tạo nông dân livestream bán hàng

Theo ông Tiến, là một trong những đơn vị tiên phong thúc đẩy "go online", đơn vị ưu tiên chọn những nhà bán hàng gắn trực tiếp địa phương để khai thác niềm tự hào, gắn bó với vùng đất đó.

Không chỉ mời người nổi tiếng, hiện mỗi địa phương đơn vị đang chọn ra 10-15 người để đào tạo trở thành những người livestream bán hàng, đặc biệt sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm).

"Thông qua chương trình, có nhiều nông dân đã thành công. Nhiều người khi bắt đầu lên kênh chỉ vài chục, vài trăm lượt xem, nhưng nay đã có 1.500 - 2.000 lượt. Giá trị doanh số lúc đầu 30-40 triệu đồng nay đã lên 150-200 triệu đồng, thậm chí có cá nhân lên đến 300-500 triệu đồng", ông Tiến nói.

Theo lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, không chỉ dừng ở nhóm sản phẩm thực phẩm, sắp tới ngành nông nghiệp còn muốn mở rộng ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, và không chỉ ở trong nước.

Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng qua kênh livestream, nhiều nông dân đã không chỉ biết bán sản phẩm, mà còn biết kể câu chuyện về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ và đặc biệt là bán cảm xúc, niềm đam mê, tự hào về sản phẩm của địa phương. Đây là điểm tích cực mà kinh doanh online mang lại so với kinh doanh truyền thống.

Còn nhiều khó khăn, hạn chế

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng việc bán hàng bằng livestream của nông dân hiện còn nhiều hạn chế.

Từ kinh nghiệm triển khai chương trình đào tạo bán hàng trực tuyến tại Đồng Tháp, bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, viện trưởng Viện Ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo Mekong, cho rằng ngoài đào tạo kỹ năng về công nghệ, cách vận hành, cần đào tạo, hỗ trợ khâu sản xuất và bán hàng, về cả quy trình vận đơn, đóng gói cho đến việc giải quyết phàn nàn của khách hàng.

"Đó là một đào tạo chuyên sâu. Khi chúng tôi đến Đồng Tháp, một địa phương dành nhiều quan tâm cho các sản phẩm OCOP, chúng tôi có nhóm 64 "chiến binh" sẵn sàng 24/7, nhưng không phải ai cũng bán hàng được, mà chỉ có vài ba người", bà Phượng thông tin. Bà cho rằng cần tìm cách liên kết, tức là phải tìm đến kiềng ba chân: nông dân, người nuôi trồng, sản xuất + doanh nghiệp chế biến + doanh nghiệp bán hàng.

Là đơn vị bán hơn 1.000 sản phẩm của hơn 500 nhà sản xuất, ông Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập sàn thương mại điện tử nông sản Foodmap, cho rằng bán thực phẩm online không dễ, do mối lo về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các nhà sản xuất nhỏ sẽ gặp khó khăn về chuyện đảm bảo sản lượng, đúng tiêu chuẩn. Khi phối hợp với các cơ sở, sàn phải hỗ trợ họ chuyện này. Thứ hai là hạn sử dụng ngắn của nông sản chỉ khoảng từ 3-6 tháng, đó là một khó khăn lớn. Sản phẩm tươi còn khó hơn, với bán kính vận chuyển ngắn.

Ông Nguyễn Minh Tiến cho biết trước đây 90% nông sản của Việt Nam tiêu thụ ở các vùng phía nam của Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây…, nhưng hiện nay có thể đi sâu vào vùng nội địa của thị trường này.

"Chúng tôi hướng tới thí điểm thuê các kho ngoại quan tại các địa điểm nằm sâu trong nội địa Trung Quốc, trước hết là yến, trái cây chế biến… sau này logistics tốt hơn sẽ đưa cả vào đó sản phẩm trái cây tươi", ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, từ tháng 4-2022 (khi TikTok Shop được cấp giấy phép ở Việt Nam) đến nay, 10.800 sản phẩm OCOP đã được người tiêu dùng tiếp cận trực tiếp thông qua các buổi livestream. Từ tháng 3-2023 đến nay đã tổ chức 24 phiên chợ OCOP ở 24 địa phương với 700 phiên livestream bán sản phẩm nông nghiệp, giúp thu về 100 tỉ đồng.

Mời nông dân vào lớp dạy livestream bán đặc sản- Ảnh 2.

Shopee đẩy mạnh hỗ trợ livestream, nhiều thương hiệu hưởng lợiShopee đẩy mạnh hỗ trợ livestream, nhiều thương hiệu hưởng lợi

Sản xuất livestream liên hoàn giúp tăng độ hiển thị, hỗ trợ voucher giảm giá vào khung giờ vàng, cung cấp livestream trọn gói… nằm trong số những trợ lực từ Shopee Live giúp thương hiệu trên sàn tăng lợi nhuận.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên