22/09/2014 00:01 GMT+7

Mù Cang Chải.... vào thu

Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Cần biết - Nét đẹp nhân tạo hòa vào vẻ đẹp thiên nhiên cùng với bản sắc văn hóa đậm đà đã tạo dựng nên một Mù Cang Chải vừa kỳ vĩ, vừa nồng nàn và ấm áp tình người miền sơn cước.

Mùa thu vừa chạm cửa. Nếu nhiều người ưa hoài niệm, yêu cái se lạnh lẩn khuất trong những phố nhỏ của Thăng long buồn thì không ít lữ khách lại muốn trải nghiệm một mùa thu với cảm giác hoàn toàn khác - mùa thu Tây Bắc óng ả, đầy ắp tiếng cười trên nương và trên những thung lũng ruộng bậc thang đang chín vàng.

Vượt những đỉnh đèo cao trên 2000 mét, những vòng cua liên tiếp ôm chặt vách núi khiến cho người dạn dĩ cũng phải thấy nôn nao, nhưng Tây Bắc đã kịp xoa dịu những kẻ du lãng bằng những cảnh quan tuyệt đẹp, thay đổi không ngừng. Từng lớp, từng lớp sóng vàng bát ngát, trải dài từ dưới thung lũng lên sườn núi rồi vươn đến đỉnh cao chót vót mờ sương. Những dải màu chuyển sắc từ xanh đậm, vàng mơ, vàng rực đến vàng nâu như một dải lụa óng ánh trong nắng thu. Khi ngắm nhìn thung lũng Tú Lệ màu mỡ, hít căng lồng ngực hương lúa thơm rồi chinh phục đỉnh đèo Khau Phạ mờ sương, người ta sẽ thấy sức sống mãnh liệt của thiên nhiên ngập tràn trong trái tim mình.

tUDB01wo.jpg

Nét đẹp nhân tạo hòa đồng vào vẻ đẹp thiên nhiên cùng với bản sắc văn hóa đậm đà đã tạo dựng nên một Mù Cang Chải vừa kỳ vĩ, vừa nồng nàn và ấm áp tình người miền sơn cước. Mù Cang Chải theo tiếng H’mong có nghĩa đơn giản là rừng gỗ nằm trên đất khô, nơi có đến 90% là người H’mong sinh sống.

Nhưng trên vùng đất khô giữa núi non hiểm trở và lẩn khuất, bàn tay tài hoa của người H’mong đã tạo nên những thửa ruộng bậc thang nặng trĩu lúa vàng, tạo thành bức tranh được dệt từ muôn sắc, màu vàng ruộm của lúa chín, xanh mướt của cây rừng và óng ả của nắng điểm xuyết vào cái rực rỡ của các chàng trai, cô gái dân tộc Mông, Dao, Phù Lá…

Theo thống kê, diện tích ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải có trên 2300ha nhưng nhiều nhất tập trung ở ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Zế Xu Phình, trong đó ruộng bậc thang ở La Pán Tẩn đẹp nhất do địa hình dốc, lớp đất được cấu tạo bởi lớp đá Mắc ma phong hóa khá màu mỡ, hầu như khe núi nào cũng có nước nên có thể dễ dàng khai hoang ruộng bậc thang.

Ruộng bậc thang ở đây kéo từ chân núi lên gần đến đỉnh, quả núi nọ nối tiếp núi kia, trải rộng cả một vùng. Từ xa nhìn vào ruộng bậc thang giống như một bức tranh thiên nhiên khổng lồ, bờ ruộng như những sợi chỉ mềm mại bám theo triền núi tựa nét vẽ của người họa sĩ làm người ta có những cảm xúc lạ lùng.

nSV0TeoD.jpg

Nằm sát cạnh nhau, trong đó Zế Xu Phình nằm ở tả ngạn dòng Nậm Kin, cách trung tâm huyện lị 20km; La Pán Tẩn, Chế Cu Nha nằm bên hữu ngạn dòng Nậm Kin. Dừng chân tại ba xã, đâu đâu cũng thấy những thửa ruộng bậc thang xếp tầng xếp lớp trải rộng khắp các quả đồi. Đặc biệt từ trên lưng chừng núi mới thực sự là những công trình văn hóa tuyệt tác của các nghệ nhân sáng tạo ra nó.

Lịch sử hình thành ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải gắn liền với lịch sử cư trú của người H’mong, là tác giả của những thửa ruộng bậc thang, chủ nhân cư trú đầu tiên tại vùng đất này. Cách đây gần 300 năm, ban đầu chỉ có 8 hộ người H’mong đầu tiên di cư từ phía Bắc về đây sinh sống tại bản Trọng Âm. Người H’mông có tục “ăn theo sương mù”, chọn nơi cư trú là những đỉnh núi cao, từ đó lan dần ra khắp các ngọn núi tạo nên những địa bàn cư trú như ngày nay.

Khai khẩn ruộng bậc thang là một quá trình công phu, tốn nhiều công sức. Theo kinh nghiệm của đồng bào, nơi có độ dốc vừa phải, có nguồn nước, có khả năng tạo mặt bằng, ít sỏi đá, cây to, cỏ mọc dày là vùng đất thích hợp để khai khẩn.

Sau khi đã lựa chọn được mảnh đất ưng ý, việc tiếp theo là xác lập quyền khai khẩn, bằng việc trồng các cột đá cao khoảng 1m làm dấu hiệu xác lập. Khi điều kiện thời tiết thuận lợi, việc khai khẩn được tiến hành, thường là vào mùa xuân, tháng hai, tháng ba để có thể kịp tháo nước vào ruộng cấy lúa trong tháng tư hoặc tháng năm. Khó khăn nhất là tạo mặt bằng cho ruộng, vì khâu này có liên quan đến việc giữ nước và chia đều nước cho toàn ruộng. Ruộng đạt tiêu chuẩn phải đủ hai tiêu chí cơ bản là mặt bằng ruộng và nguồn nước ngâm chân cho lúa.

Công việc khai khẩn cứ tiếp tục từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác tạo nên các triền ruộng tựa như những bức tranh nghệ thuật hoành tráng, treo trên các sườn đồi.

Đến Mù Cang Chải vào dịp này, nhiều người may mắn còn được dự lễ mừng cơm mới. Đây là một trong những nghi lễ đặc biệt chỉ sau Tết của người H’mong. Khi tổ chức lễ mừng cơm mới, gia chủ sẽ mời đông đủ con cháu từ mọi nơi về dự. Người lớn tuổi nhất trong gia đình là người thực hiện nghi thức này để cảm ơn trời đất ông bà tổ tiên đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cả năm no đủ, con cháu khỏe mạnh.

Người H’mong hiếu khách. Trong lễ tiệc mừng không thể thiếu chén rượu ngô say nồng. Nếu bạn đặt lại chén rượu về vị trí cũ mà trong chén còn rượu, gia chủ sẽ đợi khách uống cạn rồi mới rót chén tiếp theo.

Cuộc sống người H’mong nơi đây, bước chân ra khỏi cửa là chạm núi, chạm mây, mặt đất lúc nào cũng như nghiêng nghiêng, sẵn sàng thử thách. Chỉ cần ở đây vài ngày, người ta cũng có thể cảm thấy như lưng mình cúi thấp hơn, bước chân liêu xiêu hơn trên những mỏm núi, nương lúa vàng, không biết có phải vì đã say đất, say người nơi đây…

Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên