10/07/2018 09:41 GMT+7

Mùi hôi ảnh hưởng sức khỏe ra sao?

XUÂN MAI - LAN ANH
XUÂN MAI - LAN ANH

TTO - Nhiều người dân ở khu vực Q.7, H.Nhà Bè, H.Bình Chánh (TP.HCM) bức xúc mùi hôi từ rác “tấn công” gây ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân. Làm cách nào để bảo vệ sức khỏe?

Mùi hôi ảnh hưởng sức khỏe ra sao? - Ảnh 1.

Người dân sống ở chung cư Hoàng Anh Thanh Bình tại P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM mệt mỏi với mùi hôi - Ảnh: Hoàng Đông

TS Nguyễn Ngọc Minh (giảng viên bộ môn tai - mũi - họng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cho biết thành phần chính trong không khí bao gồm O2, CO2, N2... Tuy nhiên, khi không khí ô nhiễm thì xuất hiện thêm vi trùng, virus, nấm, khí của hóa chất...

Đường hô hấp bị đe dọa

Không khí ô nhiễm có thể là "sản phẩm" trong quá trình tiêu hủy các chất hữu cơ, chất thải chưa qua xử lý của các hộ gia đình, doanh nghiệp, nhà máy... tạo ra các khí độc như CO, NH3, CH4, H2S... Khi chúng ta tiếp xúc trực tiếp hay buộc phải sống trong môi trường ô nhiễm, đường hô hấp sẽ bị ảnh hưởng theo từng cấp độ. Cấp độ này được đo lường theo lượng thời gian tiếp xúc và mức độ chịu đựng của cơ thể trước mùi hôi thối.

Theo TS Minh, việc ảnh hưởng thông thường được chia thành 3 mức độ.

- Mức độ tối cấp: hít mùi hôi thối trong thời gian ngắn nhưng có biểu hiện hoa mắt, đau đầu, nôn ói, khó thở, suyễn, suy hô hấp... thường gặp ở đối tượng dễ mẫn cảm như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, người lần đầu tiên ngửi mùi hôi...

- Mức độ cấp tính: hít mùi hôi thối trong thời gian tương đối dài, gây viêm đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới gây ho, khạc đờm nhớt, sổ mũi... thường gặp ở những hộ dân buộc phải sống chung trong không khí ô nhiễm.

- Mức độ mãn tính: hít mùi hôi thối trong thời gian dài, gây ra các bệnh mãn tính như xơ phổi, giãn phế quản, viêm phế quản, nám phổi, lao phổi, thậm chí bội nhiễm ápxe phổi... thường gặp ở công nhân vệ sinh cầu cống...

Cách nào hạn chế?

Ông Doãn Ngọc Hải, viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), cho hay tùy từng loại khí có trong tập hợp khí gây mùi hôi và thời gian tiếp xúc mà gây những ảnh hưởng khác nhau đến sức khỏe. Nếu thời gian tiếp xúc ngắn, mùi hôi gây khó chịu, căng thẳng thần kinh, gây ức chế tâm lý với người tiếp xúc; nếu tiếp xúc lâu dài, mùi hôi sẽ ảnh hưởng tới đường hô hấp.

Ông Hải cho rằng do khu vực bị ảnh hưởng bởi mùi hôi từ bãi rác ở TP.HCM hiện rất rộng, việc xử lý cần thời gian, vì vậy trước mắt các gia đình nên chú ý tới việc xử lý mùi hôi tại nhà. Có thể đóng cửa và sử dụng các sản phẩm khử mùi trong nhà, trong phạm vi khu dân cư thì tính đến việc sử dụng các hàng cây để ngăn mùi.

"Chúng tôi đang bàn các biện pháp để khử mùi hôi tại khu vực bị ảnh hưởng mùi từ bãi rác của TP.HCM, tuy nhiên khu vực này rất lớn và cần thời gian. Ở phạm vi gia đình, chúng tôi có sản phẩm chiết xuất từ quả bơ cho hiệu quả khử mùi rất đáng kể" - ông Hải cho biết.

Bạn đọc có những bài viết, thắc mắc về sức khỏe người lớn, mẹ và bé, sức khỏe sinh sản, giới tính, bệnh nam khoa, chữa trị hiếm muộn, dinh dưỡng, chấn thương… có thể gửi về email: suckhoe@tuoitre.com.vn. Phòng mạch Online sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp. Chân thành cám ơn.

Mùi hôi lại Mùi hôi lại 'tấn công' đô thị Nam Sài Gòn

TTO - Thời gian gần đây, nhiều bạn đọc ở khu vực quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh (TP.HCM) liên tục gọi đến đường dây nóng báo Tuổi Trẻ phản ảnh mùi hôi từ rác “tấn công” gây ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân ở đây.

XUÂN MAI - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên