24/12/2014 09:00 GMT+7

​Muốn tử tế, phải rèn bản lĩnh

HẢI THI ghi
HẢI THI ghi

TT - Diễn đàn “Đâu rồi, chuyện tử tế?” đã đi được ba tuần. Rất nhiều câu chuyện đã được kể, nhiều tâm tư, trăn trở được giãi bày, nhiều câu hỏi được đặt ra.

Hi vọng có nhiều bạn trẻ chọn thông điệp “Tôi chọn tử tế” vì một xã hội tốt đẹp hơn. Trong ảnh: các bạn trẻ trong ngày hội “Tôi chọn tử tế” diễn ra tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) - Ảnh: T.T.L.
Hi vọng có nhiều bạn trẻ chọn thông điệp “Tôi chọn tử tế” vì một xã hội tốt đẹp hơn. Trong ảnh: các bạn trẻ trong ngày hội “Tôi chọn tử tế” diễn ra tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) - Ảnh: T.T.L.

Trong số này bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội VN - chia sẻ với diễn đàn một số góp ý giải pháp để giải đáp câu hỏi: “Làm cách nào xây dựng một không gian sống văn minh, một xã hội người tự giác đối đãi nhau bằng sự tử tế?” như một cách để khép lại diễn đàn.

Cảm ơn quý bạn đọc đã cùng ủng hộ diễn đàn với chung hi vọng được sớm thấy nhiều hơn nữa những câu chuyện tử tế trong cuộc sống hằng ngày.

1- Dạy trẻ em bản lĩnh

Tử tế được nhiều thứ

Các bạn đặt câu hỏi sống tử tế được gì, tôi xin trả lời là các bạn được sự tự tin, tự trọng và không hổ thẹn. Nếu các bạn vuột mất cơ hội được dạy cách sống bản lĩnh khi còn nhỏ, các bạn vẫn có thể rèn luyện bản lĩnh từ bây giờ. Gần gũi những người bản lĩnh, tự thử thách mình qua những tình huống thực tế. Đừng ngại va chạm. Cũng đừng quá lý tưởng việc không thỏa hiệp.

Nếu tình huống buộc bạn nhân nhượng và bạn thấy áy náy, đó có thể là tiền đề để lần sau bạn dũng cảm hơn.

Và tôi không nghĩ việc chọn sống tử tế, văn minh khi quanh mình không ai vậy là khờ dại. Hùa theo số đông sai trái mới là khờ dại. Các bạn chủ động chọn hành xử đúng, đó là sự lựa chọn có ý thức, các bạn làm việc đúng ngược chiều, tôi gọi đó là bản lĩnh.

Chìa khóa của vấn đề, tôi nghĩ là giáo dục phải bắt đầu từ lứa tuổi nhỏ nhất: mẫu giáo, tiểu học. Trong trường hợp này giáo dục không phải những bài học, lý thuyết mà là vun dưỡng bản lĩnh cho lớp trẻ.

Bản thân các cháu cảm nhận được cái đúng sai, nhưng để hành xử tốt hay ngăn chặn cái xấu, tiêu cực thì phải có bản lĩnh: cái gì mình biết đúng thì cứ làm, không sợ khác số đông, không sợ bị uy hiếp. Giáo dục tổng quát phải chú tâm dạy bản lĩnh, còn lại sẽ dạy thêm các cháu phương pháp ứng xử tình huống.

Trong khi dạy bản lĩnh cũng cần dạy các cháu biết cách chia sẻ, biết cách tạo “đồng minh”. Cần dạy các cháu biết sống sao để có nhiều bạn bè. Gần đèn thì sáng, một đứa trẻ bản lĩnh sẽ làm gương, làm nên một tập thể nhỏ bản lĩnh.

Cái tốt nhờ vậy sẽ không bị uy hiếp bởi những cái chưa tốt. Tôi nhấn mạnh quá trình giáo dục này cần có sự hỗ trợ qua lại, kịp thời giữa hai phía nhà trường - gia đình.

Chúng ta cần xây dựng nên một lớp trẻ em, sau này lớn lên thành thanh niên có tác phong tự tin, biết mình nên làm gì chứ không phải đào tạo nên những người tốt vụng về.

2 Gương mẫu, lên tiếng

Mỗi công dân nên cố gắng gương mẫu. Mình đã chọn giá trị nào thì sống theo giá trị ấy. Khi cần thì lên tiếng. Tôi từng nói với một phụ nữ trong siêu thị: “Nếu cần thanh toán trước, chị cần nói với tôi”.

Tôi không tiếc vài phút cho người phụ nữ ấy. Chỉ cần một câu mở lời, sự trao đổi giữa hai người đã nhẹ nhàng, tử tế hơn.

Điều cũng khiến tôi buồn là trừ tôi ra, cả dãy người đứng sau đều không một tiếng xầm xì. Nếu có phản ứng của tập thể, lần một, lần hai, người phụ nữ ấy sẽ ngượng mà không tái phạm. Mà lẽ ra trong tình huống này, nếu chính nhân viên thu ngân luôn chấp hành đúng nguyên tắc “đến trước phục vụ trước” sẽ không có cảnh chen ngang.

3 Không chờ đợi, đổ lỗi

Có người sẽ bảo: thôi, đợi VN giàu hẳn, công nghiệp hóa - hiện đại hóa xong xuôi thì đâu sẽ vào đấy. Ai tin điều ấy chứ tôi không tin. Ở các nước phát triển, công nghiệp hóa là một quá trình dài, lối sống công cộng được hình thành từng bước.

Còn với VN, mọi thứ quá đột ngột, kinh tế tiến nhanh không kịp kéo theo văn hóa. Ở ta người giàu cũng hành xử kém văn hóa. Như tôi đọc trong diễn đàn “Đâu rồi, chuyện tử tế?”, có một bạn đọc kể chuyện đi máy bay hạng VIP cũng bị một... VIP khác chen ngang.

Nhiều người vẫn vậy, coi trời như cọng rau muống, “hiên ngang” quá, lúc cần khiêm nhường lại quá “hiên ngang”! Thú thật, tôi chưa thấy quốc gia nào mà chủ nghĩa cá nhân cao như ta. Ở các nước phát triển, những việc không ảnh hưởng đến người khác, như sáng tạo nghệ thuật, thì họ rất tự tin, tự do. Nhưng khi bước ra không gian công cộng là họ ý thức không gian này không chỉ của riêng mình. Ở ta lại diễn tiến theo hướng ngược lại.

Có người lại bảo: ôi xoáy vào cá nhân làm gì, đợi hệ thống sửa đổi là mọi việc trật tự ngay, tôi thấy cũng không ổn. Đơn cử như hiện tượng đón taxi bát nháo ở hai sân bay lớn là Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Bài toán điều khiển việc taxi đón khách có khó không, có cần đợi ngân sách rót tiền cải tiến sân bay, nhập công nghệ hiện đại, có cần cử người đi học nước ngoài để về giải bài toán đó không? Không.

Sân bay Singapore đông đúc là vậy nhưng chỉ cần một người đứng điều phối taxi đậu chỗ nào, hành khách lần lượt lên xe ra sao...

Đừng chờ đợi, đổ lỗi! Tôi nghĩ cái chính là chúng ta có muốn văn minh hay không, ông giám đốc sân bay có để tâm điều chỉnh hay không? Cá nhân phải cố gắng bảo nhau, hệ thống phải có những lãnh đạo biết đặt vấn đề và giải quyết vấn đề. Hệ thống không tự nhiên văn minh, xã hội không nghiễm nhiên đàng hoàng tử tế được nếu không có cái gọi là ý chí con người.

4 Tạo nhiều không gian nhỏ văn minh, tử tế

Cũng phải nói thêm rằng nếu bước vào một môi trường văn minh, tử tế, tự động con người ta còn cái gì chưa tử tế sẽ phải điều chỉnh. Như trường hợp người phụ nữ chen ngang ở siêu thị tôi kể, nếu là một siêu thị ở Anh, Đức... chị ta không thể làm vậy.

Cả hàng sẽ cùng lên tiếng, nhân viên từ chối thanh toán, chị ta sẽ bị bẽ mặt. Một người hút thuốc bước vào căn phòng sạch sẽ, thơm tho, không có gạt tàn hay mẩu đầu lọc của người hút trước, chắc hẳn anh ta phải do dự, ngại ngần để trở thành người đầu tiên phá vỡ không gian đó.

Nói vậy để hiểu nếu chúng ta tạo được nhiều môi trường văn minh: mỗi hiệu trưởng xây dựng một trường học gương mẫu, mỗi thủ trưởng làm nên một không gian ứng xử tử tế, mỗi ông giám đốc nhà hát tạo được môi trường lịch sự, mỗi quản lý siêu thị có hệ thống quy tắc buộc tất cả nhân viên tuân thủ... Nhiều không gian nho nhỏ như vậy sẽ buộc người ta tập thói quen hành xử đúng đắn.

5 Gửi gắm ở người trẻ

Tôi nghĩ đây là vấn đề chung chứ không phải của một lứa tuổi riêng. Chúng ta đề cập nhiều đến giới trẻ bởi chúng ta gửi gắm ở họ, và họ là số đông. Khi giới trẻ có sự điều chỉnh thì khi làm cha, làm mẹ, làm thủ trưởng họ sẽ biết cách dạy dỗ, dẫn dắt thế hệ kế tiếp theo hướng đúng.

Hiện có một số bạn trẻ đang kêu gọi nhau hành xử tử tế hơn, để tất cả nỗ lực không chỉ là một cơn sóng, một trào lưu, các bạn cần chuyển hóa ý tốt của mình thành một nhân sinh quan. Người “tốt” trào lưu rất nhanh lộ diện. Vì họ “trào lưu” nên họ chỉ “tốt” khi có bạn bè ủng hộ, có người chứng kiến. Để biết mình có thật sự ý thức chưa, hãy đặt câu hỏi: “Liệu lúc chỉ có một mình, mình có hành xử như vậy hay không?”.

HẢI THI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên