15/09/2021 10:49 GMT+7

Muôn vẻ 'thẻ xanh COVID' ở châu Âu

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Nhiều quốc gia châu Âu đang điều chỉnh các biện pháp phòng dịch theo hướng "dễ thở" hơn, khi tỉ lệ phủ vắc xin ngừa COVID-19 trong nước đã đạt khoảng 70 - 80% dân số.

Muôn vẻ thẻ xanh COVID ở châu Âu - Ảnh 1.

Hộ chiếu vắc xin dùng để chứng nhận một người đã tiêm chủng hay đã khỏi bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 - Ảnh: AFP

Một số nước bắt đầu nới lỏng các quy định về việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách trong tiếp xúc... Trong khi một số nước lên kế hoạch triển khai hộ chiếu vắc xin, cũng có nước tạm thời chưa áp dụng hoặc bỏ luôn hộ chiếu vắc xin, dựa vào những biện pháp khác để kiểm soát dịch.

Điều chỉnh chiến lược

Theo Hãng tin AP, Bồ Đào Nha bắt đầu nới lỏng biện pháp phòng dịch sau khi gần 80% dân số đã tiêm đủ vắc xin và tỉ lệ số ca COVID-19 trên 100.000 người trong 14 ngày giảm xuống còn 240 ca. Trước đó, trong tháng 1-2021, con số này là 1.668 ca.

Cuối tháng 7, theo trang Euronews, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa thông báo kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng dịch bao gồm ba giai đoạn trải dài trong các tháng 8, 9 và 10.

Cụ thể, từ ngày 1-8, Bồ Đào Nha dỡ bỏ lệnh giới nghiêm, cho phép nhà hàng, cửa hàng... hoạt động đến 2h sáng hôm sau. Song người dân cần có "thẻ xanh" để tới nhà hàng dịp cuối tuần hoặc ngày lễ và đến chỗ đông người. 

Từ ngày 13-9, khẩu trang không còn bắt buộc ngoài đường, các sự kiện công cộng được phép tổ chức với công suất 75% thay vì 66% như trước đó. Các quán bar và vũ trường (đã đóng cửa suốt 16 tháng qua ở Bồ Đào Nha) sẽ chỉ mở lại vào tháng 10.

Trong khi đó, theo Đài NOS (Hà Lan), từ ngày 25-9, Hà Lan bắt đầu bỏ quy định giữ khoảng cách 1,5m giữa mọi người song vẫn bắt buộc đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng. Người dân phải xuất trình giấy chứng nhận COVID-19 hoặc xét nghiệm âm tính để vào quán bar, cà phê và rạp chiếu phim, tuy nhiên hộp đêm vẫn tiếp tục đóng.

Đan Mạch trở thành quốc gia châu Âu duy nhất không còn áp dụng các biện pháp hạn chế nhờ số ca mắc mới giảm và tỉ lệ phủ vắc xin tăng. Hiện 73% trong tổng số 5,8 triệu dân nước này đã tiêm đủ liều, trong khi số ca mắc mới theo ngày khoảng 500 ca.

Từ giữa tháng 8, Đan Mạch bỏ yêu cầu đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng. Ngày 10-9, nước này không còn yêu cầu giấy chứng nhận COVID-19 khi vào hộp đêm, sự kiện đánh dấu việc dỡ bỏ biện pháp phòng dịch cuối cùng.

Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke cho biết vắc xin đóng vai trò quan trọng giúp quốc gia này trở lại bình thường. Song ông Heunicke vẫn tỏ ra thận trọng khi nói: "Về cơ bản, cuộc sống hằng ngày đã trở lại bình thường, song điều đó không có nghĩa sẽ không còn nguy hiểm nào. Virus đã biến chủng nhiều lần, do đó tôi không thể đảm bảo gì. Tuy nhiên, với nhiều người đã tiêm chủng, chúng ta sẽ ổn".

Hộ chiếu vắc xin

Nhiều quốc gia châu Âu hiện yêu cầu người dân phải có hộ chiếu vắc xin để tham gia các hoạt động tập trung đông người. Hộ chiếu vắc xin - còn có nhiều cách gọi khác như giấy thông hành COVID-19, thẻ xanh..., là bằng chứng cho thấy một người đã chủng ngừa đầy đủ, đã khỏi bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Tại châu Âu, một số nước đã phát triển "chứng nhận COVID-19" trong nước phù hợp với chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 của châu Âu (EUDCC), tạo điều kiện cho việc đi lại thông suốt trong khối. Một số nước khác đơn giản hơn khi áp dụng luôn EUDCC với trong nước.

Theo báo Guardian, các nước Áo, Bỉ, CH Cyprus, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Slovenia nằm trong số những nước châu Âu đã công bố một số hình thức của hộ chiếu vắc xin.

Pháp yêu cầu xuất trình "giấy thông hành COVID-19" để vào rạp chiếu phim, nhà hát, bảo tàng, hộp đêm, một số trung tâm thương mại... Từ cuối tháng 9, giấy thông hành sẽ áp dụng cho tất cả mọi người từ 12 tuổi trở lên.

Một số nước như Thụy Điển đã áp dụng EUDCC để du khách nhập cảnh và công dân đi lại dễ dàng trong khối đồng tiền chung euro. Nhưng Thụy Điển lại không yêu cầu "hộ chiếu vắc xin" để đến những chỗ đông người.

Trong khi đó, tại Anh chính phủ cân nhắc tạm thời không áp dụng hộ chiếu vắc xin, song có thể xem xét lại nếu số ca COVID-19 tăng theo cấp số nhân lần nữa. Hiện Anh dựa vào vắc xin, xét nghiệm, chương trình giám sát dịch bệnh, phương thức điều trị mới... để bảo vệ cộng đồng.

Một số quốc gia khác như Tây Ban Nha đã thử áp dụng hộ chiếu vắc xin song thất bại. Tại Tây Ban Nha, chính quyền một số vùng như Canaries, Galicia, Cantabria và Andalucia muốn triển khai hộ chiếu vắc xin song vấp phải sự phản đối của Tòa án tối cao Tây Ban Nha.

Hộ chiếu vắc xin có thành công?

Theo báo Guardian, nếu coi mục đích chính của hộ chiếu vắc xin là để tăng tỉ lệ tiêm chủng thì một số nước đã thành công, điển hình là Pháp.

Trong một khảo sát tháng 12-2020, khoảng 60% người Pháp cho biết không chắc sẽ tiêm vắc xin. Nhưng kể từ giữa tháng 7-2021, sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo kế hoạch áp dụng giấy thông hành COVID-19, hơn 13 triệu người đã tiêm liều đầu tiên. Đến nay, khoảng 88% dân số trưởng thành và 85% trẻ em từ 12 tuổi trở lên ở Pháp đã tiêm ít nhất một liều.

WHO dự báo: Từ năm 2022, cuộc sống mới bình thường trở lại WHO dự báo: Từ năm 2022, cuộc sống mới bình thường trở lại

TTO - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo sẽ không có đủ vắc xin ngừa COVID-19 để cuộc sống trở lại bình thường trước năm 2022, đeo khẩu trang và giãn cách vẫn là bắt buộc.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên