16/08/2009 08:02 GMT+7

Ngậm ngùi Giai điệu mùa thu

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TT - Giai điệu mùa thu sẽ tiếp tục với mùa thứ 5 vào ba đêm 19, 20 và 21-8 tại Nhà hát TP.HCM. Tình hình kinh tế khó khăn mà ban tổ chức vẫn duy trì được sân chơi định kỳ, gần như là “đặc sản”, cho những tài năng hàn lâm VN trẻ tuổi là một tin vui.

Vui hơn khi các tài năng trẻ đó xuất hiện ngày càng nhiều với những tác phẩm do chính mình sáng tác và biểu diễn tại chương trình. Tuy nhiên ngay khi chương trình chưa diễn ra, niềm vui đã lẫn với buồn lo.

mWIdDiny.jpgPhóng to KwfMAvxC.jpg

Nghệ sĩ clarinet Đào Nhật Quang

Diễn viên Hồng Châu - biên đạo múa vừa trở về từ Hà Lan

XdZRDEuc.jpgPhóng to mEourMq2.jpg

Nghệ sĩ piano Nguyễn Nhật Quỳ đang học tại Singapore

Nhạc sĩ Vũ Việt Anh tốt nghiệp tại New Zealand
c0PbeEB7.jpgPhóng to
Chỉ huy dàn nhạc Nguyễn Anh Sơn tốt nghiệp tại Nga
NkMY45t1.jpgPhóng to
Nghệ sĩ múa Phạm Bảo Trung - Ảnh: HBSO cung cấp

Nỗi lòng biết tỏ cùng ai

Giai điệu mùa thu được Sở Văn hóa - thông tin TP.HCM (nay là Sở Văn hóa - thể thao & du lịch TP.HCM) và Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) khởi xướng từ năm 2005, với tinh thần tiếp sức cho các tài năng trẻ để họ thêm vững tâm trên con đường nghệ thuật hàn lâm vừa dài vừa lắm chông gai.

Trong những lần gặp gỡ và giao lưu nghệ thuật, những người trẻ tài giỏi ấy vẫn thường chia sẻ một tâm tình: dù học tập và làm việc trong hoàn cảnh nào thì vẫn động viên nhau cố gắng trau dồi năng lực nghề nghiệp để cống hiến tốt hơn, nhiều hơn cho nền nghệ thuật hàn lâm của nước nhà. Trước tâm huyết đó, chính quyền thành phố cùng các doanh nghiệp đã ủng hộ để mỗi năm có thể đưa những tài năng hàn lâm trẻ VN đang sinh sống, học tập và làm việc khắp nơi trên thế giới về biểu diễn tại quê nhà. Đã có bốn cuộc trở về như thế. Có năm số nghệ sĩ trở về hơn chục người.

Nhưng năm nay Giai điệu mùa thu phải tự lực cánh sinh trước chủ trương xã hội hóa, trong khi các nhà tài trợ đang thắt chặt hầu bao vì kinh tế khó khăn. Ban tổ chức đã không gồng gánh nổi chi phí máy bay, ăn ở cũng như luyện tập để các nghệ sĩ về tham gia chương trình, nên cuối cùng chỉ có hai nghệ sĩ bỏ tiền túi về tham dự là Văn Hùng Cường (chỉ huy dàn nhạc) từ Mỹ về và Nguyễn Nhật Quỳ (piano) từ Singapore về.

Bên cạnh đó, hai nghệ sĩ múa Hanayo Tokuyama (Nhật) và Wong Marine Yat - Lam (Pháp) cũng chấp nhận tự trang trải chi phí để đến với chương trình. “Bởi chúng tôi trân trọng tài năng và những nỗ lực của các bạn. Và chúng tôi muốn làm một việc gì thật cụ thể để thể hiện sự trân trọng đó” - Tokuyama nói.

Gồng mình để ước mơ

Trong buổi giới thiệu chương trình Giai điệu mùa thu 2008, ban tổ chức từng nói “đang xúc tiến để tổ chức Giai điệu mùa thu 2009 tại Singapore với sự góp mặt của NSND Đặng Thái Sơn”. Nhạc sĩ Võ Đăng Tín - giám đốc HBSO - cho biết ban tổ chức đã sang Singapore để làm công tác tiền trạm, gặp gỡ Bộ Văn hóa Singapore, ban giám đốc Nhà hát Esplanade, dàn nhạc...

Tuy nhiên, ước mơ mang Giai điệu mùa thu ra khu vực đồng thời quảng bá văn hóa và nền âm nhạc hàn lâm VN tại nước ngoài đã... tan thành mây khói, bởi phải tốn ít nhất 200.000 USD cho chuyến mang chuông đi đánh xứ người này. Mà hiện nay 300-400 triệu đồng để mang khoảng chục tài năng hàn lâm Việt về “tắm ao ta” còn là điều không thể...

Vì vậy, khán giả cũng không thể dễ dàng đến được với Giai điệu mùa thu 2009. Những năm trước đã có lúc Giai điệu mùa thu có những đêm diễn trang trọng tại Nhà hát TP, bên cạnh những buổi diễn đại chúng hơn tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM để nghệ thuật và nghệ sĩ hàn lâm trở nên chan hòa, gần gũi hơn với công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ. Nhưng lần này chương trình chỉ diễn ra ở nhà hát, gồng mình “xã hội hóa” với các mức vé từ 150.000-500.000 đồng và cũng không có vé ưu đãi cho đối tượng học sinh sinh viên như những lần trước.

Số ghế trong nhà hát sau khi trùng tu ít đi, kinh phí tổ chức eo hẹp, trong khi tất cả chi phí khác đều tăng khiến ban tổ chức không thể hào phóng với đối tượng người nghe đại chúng hay khán giả trẻ.

“Hơi tiếc là số nhạc cụ mới được trang bị cũng chưa thể “khui thùng” để Giai điệu mùa thu kỳ này thêm phần tưng bừng, các nghệ sĩ trẻ thêm phấn chấn. Lý do chưa thể dùng nhạc cụ mới là vì HBSO chưa có buổi biểu diễn báo cáo nhạc cụ mới với chính quyền và người dân TP.

Buổi diễn báo cáo sẽ diễn ra ngày 9-9, nhân kỷ niệm 15 năm thành lập HBSO. Tuy nhiên, với một thế hệ mới đầy tài năng, nhạc cụ tốt, phòng tập và kho để nhạc cụ tạm ổn cùng lời hứa cấp 12.000m2 tại công viên 23-9 để xây dựng nhà hát..., chúng tôi tin tưởng sẽ có những Giai điệu mùa thu cũng như các chương trình biểu diễn khác vẹn toàn hơn trong tương lai”, nhạc sĩ Võ Đăng Tín, giám đốc HBSO, chia sẻ.

Có đến 90% nghệ sĩ trình diễn trong Giai điệu mùa thu 2009 là nghệ sĩ trẻ (so với tỉ lệ 50% thế hệ trước - 50% thế hệ sau của những lần biểu diễn trước). Số tài năng trẻ đi học tại các cường quốc nghệ thuật hàn lâm và trở về làm việc tại quê nhà ngày càng nhiều: chỉ huy Nguyễn Anh Sơn, Đỗ Kiên Cường, chỉ huy hợp xướng Trần Nhật Minh, nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh, Vũ Việt Anh, nghệ sĩ kèn clarinet Đào Nhật Quang cùng vợ là giọng nữ cao người Hàn Quốc Cho Hae Ryong, nghệ sĩ múa Hồng Châu...

Bên cạnh những tài năng đã được đào tạo tại nước ngoài là những gương mặt được ươm mầm và phát triển từ trong nước như: nghệ sĩ violon Hồ Đăng Hội, giọng nữ cao Nguyễn Thụy Ngọc Tuyền, nghệ sĩ múa Hồ Phi Điệp, Phạm Bảo Trung...

QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên