16/06/2023 08:00 GMT+7

Ngân hàng tăng kết nối, bắt đầu giao dịch ngân hàng không cần mang giấy tờ

Nhờ kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư, ngành ngân hàng sẽ xác thực khách hàng và làm sạch dữ liệu. Sau khi định danh và xác thực được khách hàng, ngân hàng thương mại sẽ có thể cho vay qua mạng. Người dân yên tâm thanh toán không tiền mặt.

Khách hàng thanh toán tiền bằng thẻ Vietcombank tại siêu thị Co.opMart Cống Quỳnh, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khách hàng thanh toán tiền bằng thẻ Vietcombank tại siêu thị Co.opMart Cống Quỳnh, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Phạm Tiến Dũng, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đã cho biết như vậy khi trao đổi với báo Tuổi Trẻ. Ông Dũng nói:

- Ngân hàng Nhà nước đang quyết liệt triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ.

* Việc kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư có ý nghĩa như thế nào đối với ngành ngân hàng, thưa ông?

- Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an đối soát 25 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia. Ngoài ra 16 triệu hồ sơ khác của khách hàng cũng đang được rà soát, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng này.

Với việc kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư, ngành ngân hàng sẽ định danh, xác thực khách hàng và làm sạch dữ liệu đã có trước đây. 

Nhờ đó các ngân hàng có thể nhận diện được khách hàng, phát hiện và ngăn chặn việc sử dụng giấy tờ tùy thân giả, mạo danh... để mở tài khoản thanh toán, nhận các khoản tiền lừa đảo.

Khi có dữ liệu đầy đủ, thông tin khách hàng được xác thực, các ngân hàng thương mại có thể nghiên cứu, cung cấp thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng trên nền tảng số.

* Khách hàng sẽ được lợi gì từ đó?

- Một số tổ chức tín dụng như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank... đã phối hợp với C06 - Bộ Công an hoàn thành triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực qua thẻ căn cước công dân gắn chip để xác thực, định danh khách hàng ở quầy giao dịch, tại trụ ATM...

Sau khi xác thực, khách hàng đến giao dịch những lần tiếp theo không cần mang giấy tờ gì, kể cả căn cước công dân gắn chip. Vì thiết bị của ngân hàng nhận diện được khách hàng bằng sinh trắc học qua vân tay, khuôn mặt. Nhờ đó thời gian giao dịch được rút ngắn, hạn chế được rủi ro.

Kết quả giai đoạn thử nghiệm đã được người dân đón nhận tích cực vì sự tiện lợi và an toàn khi sử dụng căn cước công dân gắn chip.

* Việc kết nối này liệu có góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán không tiền mặt tăng trưởng mạnh?

- Việc nhận biết và xác minh chính xác khách hàng là điều kiện đầu tiên để không tiền mặt quyết định cung ứng dịch vụ. 

Với việc làm sạch dữ liệu, ngân hàng định danh, xác thực chính xác khách hàng trên môi trường điện tử, từ đó hỗ trợ cho công tác quản trị, đánh giá rủi ro để cải tiến đơn giản hóa quy trình, thủ tục cung cấp sản phẩm, dịch vụ thanh toán.

Qua đó khách hàng dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử. Với tốc độ tăng trưởng tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán trong những năm gần đây, cá nhân tôi cũng tin tưởng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đến năm 2025, 80% người trưởng thành có tài khoản thanh toán ngân hàng mà Đề án thanh toán không dùng tiền mặt đặt ra.

* Ngân hàng Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách gì để thúc đẩy hơn nữa hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thưa ông?

- Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử. Trong đó, tập trung rà soát Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Phòng chống rửa tiền, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt...

Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục chỉ đạo nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thanh toán của các ngân hàng. 

Mục tiêu đặt ra là đảm bảo các hệ thống thanh toán phải hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, mở rộng hệ sinh thái thanh toán số để phục vụ thanh toán trực tuyến.

Để gia tăng trải nghiệm cho người dùng, các ngân hàng cần tiếp tục ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động, như thanh toán qua QRCode, mã hóa thông tin thẻ, thanh toán di động... Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.

Đến nay, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như qua điện thoại, mã QR, tài khoản Mobile - Money... đã khá phát triển. 

Nhưng muốn có thêm nhiều người biết, tin tưởng và sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại này, theo tôi, ngoài việc phát triển sản phẩm, đảm bảo an toàn cho người dùng, vẫn cần tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân thanh toán không tiền mặt...

Hơn 3,7 triệu tài khoản Mobile - Money được mở

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 3 vừa qua, số lượng tài khoản Mobile - Money được mở đạt 3,7 triệu, trong đó số lượng tài khoản đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo chiếm 70% với hơn 2,57 triệu tài khoản.

Đặc biệt đã phát triển được 15.300 đơn vị chấp nhận thanh toán các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giáo dục, bán lẻ... Nhờ đó số lượng giao dịch Mobile - Money đạt hơn 24,37 triệu giao dịch với tổng giá trị khoảng 1.577 tỉ đồng.

Để người dân hưởng lợi từ căn cước tích hợpĐể người dân hưởng lợi từ căn cước tích hợp

Theo dự thảo Luật căn cước công dân (CCCD) sửa đổi, nhiều thông tin trên mẫu thẻ CCCD gắn chip được đề xuất sửa trong nỗ lực mang lại nhiều tiện ích cho người dân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên