21/01/2021 17:40 GMT+7

Ngành nhựa vẫn 'lép vế' so với sản phẩm ngoại nhập

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - 85-90% các sản phẩm nhựa thương hiệu Việt Nam hiện có trong hệ thống siêu thị của cả nước. Tuy nhiên, công nghệ thấp dẫn đến sản phẩm không đồng nhất về chất lượng, tiềm lực tài chính hạn chế khiến các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh kém.

Ngành nhựa vẫn lép vế so với sản phẩm ngoại nhập - Ảnh 1.

Dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19, các loại bao bì dùng để chứa thực phẩm và gia dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng online có sự tăng trưởng trên 4,9% trong năm 2020 - Ảnh: T.V.N

Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cho biết ước tính năm 2020 doanh thu của ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng ở mức 10,9% so với năm 2019, tổng doanh thu khoảng 22,18 tỉ USD.

Dù trong hệ thống các siêu thị của cả nước có đến 85-90% các sản phẩm nhựa mang thương hiệu Việt Nam, tuy nhiên công nghệ thấp dẫn đến sản phẩm không đồng đều về mặt chất lượng. Tiềm lực tài chính còn hạn chế cũng khiến các doanh nghiệp nhựa gia dụng đối mặt với sức ép cạnh tranh từ đối thủ ngoại, nhất là ở phân khúc sản phẩm cao cấp. 

Điều này dẫn đến các doanh nghiệp ngoại có biên lợi nhuận tốt hơn so với các sản phẩm Việt Nam chất lượng trung bình.

Theo ông Hồ Đức Lam - chủ tịch VPA, các doanh nghiệp nhựa nội địa cần nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách cải tiến công nghệ sản xuất, cải thiện năng lực quảng cáo, dịch vụ... nếu muốn cạnh tranh tốt với các sản phẩm ngoại.

Ông Hồ Đức Lam cũng cho hay, năm 2020, ngành nhựa Việt Nam vẫn duy trì được sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu, đạt 3,654 tỉ USD, nhưng mức tăng 6,3% chỉ bằng một nửa so với năm 2019, và "không đạt như kỳ vọng do phải đối đầu với nhiều khó khăn thách thức".

Thách thức lớn nhất là suy thoái sâu và tăng trưởng chậm ở các tháng cuối năm, do COVID-19 tại thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam như Nhật Bản và EU, dù có lợi thế tại những thị trường này. Sản phẩm cùng loại từ các nước khác nhập khẩu đang bị áp mức thuế khá cao, từ 10-30%.

"Xét về góc độ cạnh tranh, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam hiện vẫn bị lép vế, do nguyên liệu sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 15-25% nhu cầu cho các chủng loại nguyên liệu nhựa, 85% còn lại đang phụ thuộc vào nhập khẩu. Số lượng mẫu mã, chủng loại sản phẩm của ngành nhựa còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng", ông Lam thông tin.  

Chưa kể, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa vẫn chưa hướng đến phát triển ngành nhựa tái chế để góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm. Giảm được giá thành sản phẩm nhựa xuất khẩu sẽ cạnh tranh được với nhiều thị trường xuất khẩu sản phẩm nhựa trên thế giới.

Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu năm 2020 đạt 6,602 triệu tấn, tương ứng 8,397 tỉ USD, tăng 3,3% về lượng và giảm 6,9% về trị giá so với năm 2019. Nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu PE và PP chiếm tới 55% tổng lượng nhập khẩu nguyên liệu của ngành nhựa Việt Nam.

Nhu cầu nguyên liệu nhựa của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 6,6%/năm giai đoạn 2021 - 2022. Theo dự báo của S&P Global Platts, nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu nhựa nguyên sinh của Việt Nam được dự báo ở mức 8,1 triệu tấn vào năm 2022.

Hiện tại, chỉ số tiêu thụ nguyên liệu nhựa bình quân đầu người của Việt Nam còn tương đối thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc.

Tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người cũng như tăng trưởng xây dựng dân dụng, hạ tầng được cho là động lực tăng trưởng cầu nguyên liệu nhựa của ngành nhựa Việt Nam trong các năm tới.

Ngành nhựa cũng lo tình trạng bị Ngành nhựa cũng lo tình trạng bị 'lợi dụng xuất xứ'

TTO - Nếu không kiểm soát cẩn trọng, hoặc thiếu chủ động báo cáo khi phát hiện tình trạng doanh nghiệp lợi dụng xuất xứ của Việt Nam để chuyển tải bất hợp pháp, ngành nhựa không chỉ mất thị trường mà còn mất luôn cơ hội tận dụng ưu đãi từ các FTA.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên