27/03/2020 11:29 GMT+7

Nghệ sĩ, không gian văn hóa tìm khán giả

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Thời COVID, ca sĩ than "như chim bị buộc mỏ", nhà hát thú nhận "chúng tôi đang gắng gượng", các không gian văn hóa tuyên bố "sẽ sống sót". Sau một tháng đình trệ, giới văn hóa nghệ thuật và giải trí đang tìm một con đường sống.

Nghệ sĩ, không gian văn hóa tìm khán giả - Ảnh 1.

Ca sĩ Tuấn Hưng (trái) và Quang Hà làm sô nhạc trực tuyến có bán vé - Ảnh: NVCC

Chúng tôi đều nhận thấy trong khó khăn có cơ hội. Dịch COVID đang thay đổi cách chúng ta trải nghiệm văn hóa. Nó đang buộc các không gian văn hóa phải sáng tạo hơn, vì nếu không sẽ bị đào thải.

Cô Uyên Ly (giám đốc trang Hanoi Grapevine)

Hôm 22-3, các không gian văn hóa ở Hà Nội đã phải họp online khẩn cấp để tìm giải pháp tồn tại cho chính họ trong mùa dịch. Họ đều thấy trực tuyến hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật giờ đây không chỉ là giải pháp tình thế mà còn là cứu cánh. Các ca sĩ cũng nỗ lực tìm khán giả qua mạng.

Ca sĩ làm sô trực tuyến

Với lợi thế có sẵn một tụ điểm âm nhạc ở Hàng Khay (Hà Nội), ca sĩ Tuấn Hưng quyết định đầu tư 500 triệu đồng cho thiết bị âm thanh, 6 camera ghi hình để phục vụ sô trực tuyến. Buổi diễn trực tuyến hôm 21-3 phát trên mạng xã hội của Tuấn Hưng với ca sĩ Quang Hà bán 250.000 đồng/vé.

"Bình thường tôi được trả gần trăm triệu cho mỗi sô diễn, giờ hát online chỉ thu về khoảng chục triệu thôi. Giai đoạn này anh em bảo nhau có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Điều quan trọng là duy trì được đam mê âm nhạc. Ca sĩ mà không được hát thì khác gì chim bị buộc mỏ. Dù chưa có nhiều khán giả nhưng cứ phải làm thôi" - Tuấn Hưng nói.

Ca sĩ Đinh Mạnh Ninh trong những ngày không "sô" đã sáng tác ca khúc lấy chủ đề COVID, chuẩn bị làm clip để phổ biến ca khúc và dự định livestream màn trình diễn acoustic cùng ban nhạc. "Thời gian này ai cũng khó khăn cả, không thể đòi hỏi gì hơn, ca sĩ bằng mọi cách phải hoạt động giữ nghề" - Đinh Mạnh Ninh nói.

"Chưa bao giờ tôi tưởng tượng ra ngày này, cuộc sống bị xáo trộn. Cuối cùng âm nhạc vẫn là liều thuốc khiến mình thanh thản và có ích. 

Phía trước là giai đoạn rất khó khăn nên ta phải đối mặt để tìm giải pháp, trong cái khó lại khó cái khôn" - nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn chia sẻ. Lần đầu tiên nghệ sĩ này "khui" kho video lưu trữ, mỗi ngày tặng khán giả một video trên trang cá nhân với mong muốn âm nhạc an ủi trái tim con người.

Tất nhiên không phải loại hình nghệ thuật nào cũng có thể online. Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam Trần Ly Ly cho biết diễn viên múa không thể tụ tập thời gian này nên chấp nhận chỉ nhận 75% lương, ở nhà nghiên cứu, rèn luyện thêm.

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh và dàn hợp xướng đa quốc tịch ấp ủ mang đến một ca khúc động viên tinh thần khán giả giai đoạn này, nhưng "chưa tìm ra giải pháp công nghệ để xử lý âm thanh nên không dám ra clip vì tôi quan niệm những sản phẩm đưa ra công chúng phải tốt nhất" - Đồng Quang Vinh nói.

Lối thoát là sáng tạo nội dung trực tuyến

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - bà chủ không gian "Ơ kìa Hà Nội" - chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Khi đọc tin tức cầu thủ các trận bóng đá hướng tay về khán đài trống không và vỗ tay tri ân khán giả, rồi xem cả trăm vũ công balê của nước ngoài nhảy trên sân khấu không khán giả, tôi thấy khá hài hước. 

Nhưng hiện giờ tôi không còn thấy buồn cười nữa. Dịch COVID đã và đang thay đổi cuộc sống của chúng ta. Trước kia tôi chỉ livestream các sự kiện để quảng bá, hiện giờ tôi suy nghĩ nghiêm túc hơn về việc tích hợp công nghệ với tổ chức sự kiện".

Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (Hà Nội) chỉ trong vòng hai tuần đã xây dựng phương án dạy học online và hiện có một vài suất kín lịch. 

Anh Nguyễn Hoàng Phương - cán bộ trung tâm - cho biết: "May mà chúng tôi được Hội Điện ảnh Việt Nam cho mượn địa điểm nên vẫn duy trì trả lương cho các giảng viên. Còn kế hoạch tài trợ làm phim, workshop đều ngừng hết. Dạy làm phim online là phương án tình thế, nhưng khi làm mới thấy hay vì các học viên ở xa cũng có thể tiếp cận được".

Cô Uyên Ly - giám đốc trang Hanoi Grapevine - cũng cho rằng hoạt động trực tuyến sẽ cho phép nhiều người tiếp cận, chương trình được lưu trữ mãi mãi trên mạng...

Ông Nguyễn Tuấn Anh - người sáng lập AGO hub chuyên về kiến trúc - cho biết thời gian này dồn toàn lực làm trực tuyến. "COVID khiến chúng tôi phải cắt giảm tối đa các chi phí, chuyển sang trạng thái sinh tồn chứ không phải phát triển. 

Lối thoát chính là sáng tạo nội dung trực tuyến. Bình thường các không gian sáng tạo có thể sử dụng phòng ốc, dịch vụ phụ trợ để lôi kéo khán giả. 

Giờ không còn địa điểm thì các không gian phải chứng minh bằng lõi tri thức, khả năng sáng tạo nội dung. Tôi lạc quan nếu sống sót qua đận này, các hub sẽ có thêm nhiều khả năng mới".

Tác giả Ghen Cô Vy: Nhạc của tôi mang linh hồn Việt song không khác gì nhạc tiếng Anh Tác giả Ghen Cô Vy: Nhạc của tôi mang linh hồn Việt song không khác gì nhạc tiếng Anh

TTO - MV hoạt hình của Ghen cô Vy phát hành từ 23-2, nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân về đại dịch COVID-19, đến nay đã đạt 23 triệu lượt xem và được phổ biến nhiều nơi trên thế giới.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên