16/08/2023 19:20 GMT+7

Nghiên cứu xem tương lai có lấn biển Cần Giờ nữa hay không?

Đa số chuyên gia phát biểu đều cho rằng muốn phát triển kinh tế Cần Giờ thì phải 'đánh đổi' một số giá trị về rừng, văn hóa bản địa... Tuy nhiên, định hướng phát triển phải tác động ít nhất, đảm bảo giữ được giá trị hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Chủ tịch Phan Văn Mãi đi thử xe máy điện được trưng bày bên ngoài hội thảo - Ảnh: TIẾN LONG

Chủ tịch Phan Văn Mãi đi thử xe máy điện được trưng bày bên ngoài hội thảo - Ảnh: TIẾN LONG

Câu hỏi, hay nói theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi là "bài toán" về phát triển Cần Giờ thế nào một lần nữa được thảo luận tại hội thảo "Cần Giờ xanh - hướng tới đô thị sinh thái ven biển", tổ chức ngày 16-8.

Ngay đầu hội thảo, ông Phan Văn Mãi đã đặt đề bài và đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học cho lời giải về việc làm sao chọn đúng định hướng, bước đi, hành động để vừa phát huy giá trị, vừa giữ gìn các giá trị và tạo ra nền tảng, môi trường, điều kiện cho sự phát triển nhanh, bền vững của Cần Giờ.

Trao đổi sau đó, chuyên gia tư vấn quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng cho rằng muốn phát triển Cần Giờ phải nhìn tổng thể bối cảnh vùng. 

Trong đó, phải nhìn tổng thể gắn kết kinh tế, cơ hội của địa phương này với Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông Dũng nhận định việc kết nối hạ tầng giữa Cần Giờ và các tỉnh này rất quan trọng.

Nói về định hướng cụ thể, ông Dũng cho hay xưa nay rất nhiều dự án TP.HCM chạy theo các nhà đầu tư. 

Việc này tốt ở góc độ hỗ trợ cho doanh nghiệp để phát triển kinh tế, nhưng sự chủ động của chính quyền đưa ra định hướng phát triển còn hạn chế.

Đối với Cần Giờ, để khai thác hệ sinh thái kinh tế biển, ông Dũng cho rằng phải nhìn được toàn bộ giá trị của nó, từ đó quy hoạch bài bản, phân khu chức năng rõ ràng để quản lý, khai thác.

Chuyên gia tư vấn quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng - Ảnh: TIẾN LONG

Chuyên gia tư vấn quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng - Ảnh: TIẾN LONG

Ông Dũng dẫn ví dụ quy hoạch không gian biển của Hà Lan đề cập đến 8 chủ đề gồm tuyến hàng hải, khu vực quân sự, khu vực bảo tồn, các tuyến cáp và đường ống, khu vực khai thác cát, khu vực điện gió, khu vực sản xuất và khu vực khai thác tài nguyên. Dưới 8 chủ đề họ chia thành 27 nội dung quản lý khác nhau.

Chủ tịch Phan Văn Mãi, lãnh đạo Cần Giờ và TS Trần Du Lịch trao đổi với một số doanh nghiệp ở huyện này - Ảnh: TIẾN LONG

Chủ tịch Phan Văn Mãi, lãnh đạo Cần Giờ và TS Trần Du Lịch trao đổi với một số doanh nghiệp ở huyện này - Ảnh: TIẾN LONG

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch, ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, chia sẻ ông tâm đắc với nhiều ý tưởng góp ý cho phát triển Cần Giờ. Tuy nhiên, theo ông Lịch, việc quan trọng làm sao hiện thực hóa ý tưởng.

Theo ông Lịch, trong quy hoạch phát triển trung tâm kinh tế biển có 6 nhóm ngành lớn. Với vị trí và đặc điểm tự nhiên, Cần Giờ chỉ xác định 3 nhóm ngành làm trụ cột chính phát triển đó là du lịch, kinh tế hàng hải gắn với cảng và năng lượng tái tạo. Riêng những ngành khác như phát triển khu công nghiệp ven biển, dầu khí… Cần Giờ không làm được.

Ông Lịch đề nghị phải chọn lọc các ý tưởng phát triển Cần Giờ để tích hợp vào quy hoạch chung và các quy hoạch TP. Cùng với đó, ông Lịch cũng đề xuất làm nhanh cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, xây dựng khu hậu cần cảng để nơi đây trở thành cửa ngõ kết nối Việt Nam với quốc tế.

Ngoài ra, áp dụng mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD) tại Cần Giờ, tạo hình mẫu chuẩn cho cả nước. Từ đó, tập trung phát triển giao thông công cộng và giao thông xanh, giảm khí thải.

"Cần Giờ phải là nơi không có tự do sử dụng phương tiện giao thông mà phải theo quy định chuẩn mực sử dụng phương tiện không có khí thải. Từng bước có phương án để chuyển đổi dần phương tiện giao thông sang phương tiện xanh. Tôi cũng hình dung, tương lai, Cần Giờ cũng chỉ dùng điện tái tạo", ông Lịch trao đổi.

Nghiên cứu tương lai có lấn biển Cần Giờ nữa hay không

Ở góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vinh, viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế phát triển, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng việc lấn biến để hình thành khu đô thị là không sai. Tuy nhiên, ngay lúc này phải hình dung sau đó có lấn biển nữa hay không.

Theo ông Vinh, cần đánh giá kỹ tác động môi trường của việc lấn biển. Chắc chắn phải đánh đổi một số giá trị cho phát triển kinh tế, nhưng phải ở mức độ chấp nhận được. Bao nhiêu xương máu của lãnh đạo, người dân đổ xuống để có được rừng ngập mặn Cần Giờ hiện nay, chúng ta phải giữ cho được niềm tự hào này.

Ông Vinh cũng nói đến điểm nghẽn cho sự phát triển Cần Giờ chính là kết nối giao thông kém. Cả cầu dẫn cao tốc Bến Lức - Long Thành và cầu Cần Giờ hiện là điểm nghẽn lớn cần sớm được giải tỏa. Cùng với đó, phải khơi thông điểm nghẽn chính sách, cơ chế để xây dựng cầu, cảng trung chuyển...

Chủ tịch Phan Văn Mãi: Lãnh đạo TP.HCM cam kết quyết tâm phát triển Cần GiờChủ tịch Phan Văn Mãi: Lãnh đạo TP.HCM cam kết quyết tâm phát triển Cần Giờ

Lãnh đạo TP.HCM cam kết đồng hành để quyết tâm xây dựng Cần Giờ xanh, phát triển bền vững, hướng tới đô thị sinh thái ven biển.



Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên