31/01/2021 11:45 GMT+7

Nghiệp chướng: Cuộc 'vượt qua thương khó'

PHAN XUÂN LOAN
PHAN XUÂN LOAN

TTO - Nghiệp chướng là cuốn sách "ngồn ngộn Sài Gòn" nhất trong bộ ba tác phẩm của tác giả Lưu Vĩ Lân (cùng với Mật đạo và Ngẫu tượng).

Nghiệp chướng: Cuộc vượt qua thương khó - Ảnh 1.

Bộ ba tiểu thuyết của Lưu Vĩ Lân - Ảnh: K.LINH

Cuốn sách phác họa bức tranh những thập niên chuyển tiếp trong đời sống xã hội, kinh tế của miền đất trù phú, hồn nhiên và hào sảng. Những ngày khó khăn, những bước đi chập choạng, những sai lầm, và những hiệu chỉnh.

Tất cả lồng trong thăng trầm kinh doanh của một "gia đình" (không theo nghĩa truyền thống của từ này), những bước thịnh suy theo "vận nước nổi trôi" của nhóm những nhà tư sản dân tộc yêu nước.

Sài Gòn lúc giao thời

Tiếp nối mạch của hai tiểu thuyết trước, tuy vẫn là một tác phẩm độc lập, Nghiệp chướng kể về một đoạn đời của tiến sĩ trẻ Luân, học tập ở châu Âu và xây dựng sự nghiệp thành công ở Washington, nhưng số phận định đoạt anh phải trở về Sài Gòn chỉ bốn ngày trước 30-4-1975 để trở thành "Anh Hai", cầm trịch cho sự nghiệp "gia đình" qua những năm biến động.

Luân trở về Việt Nam để thực hiện một dự án học thuật thuần túy mang tính nghiên cứu về việc xây dựng một mô hình kinh tế - xã hội mới trên nền một mô hình cũ hoàn toàn khác. Dự án đó là một cuộc "vượt qua thương khó" cho chính bản thân Luân, luôn bị giằng xé giữa hai vai trò: ông trùm và nhà nghiên cứu.

Mà với bản chất lãng mạn và từ tâm, người ta khó là một "ông trùm" đúng nghĩa! Bị đẩy vào một số phận hoàn toàn đối nghịch với tư chất mọt sách, mô phạm của bản thân, cuối cùng Luân ngộ ra đó là "nghiệp chướng" của mình mà anh phải tìm cách hóa giải nó một cách êm đẹp nhất có thể.

Tiểu thuyết hấp dẫn ở những ghi nhận của Luân về Sài Gòn lúc giao thời đó. Những cuộc đổi đời của những người khôn ngoan biết nắm bắt thời cơ, và những cuộc đời bất hạnh, lạc vận. Những tay du đãng lương thiện và những thanh niên ưu tú tha hóa. Cuộc cải tạo công thương nghiệp. Những cơ hội bị vuột mất...

Một góc nhìn về giới tư sản dân tộc

Có một Sài Gòn người đọc như tôi không muốn quên, từ cuốn sách.

Về những con đường thơm hương ngọc lan. Nếu phải chọn một loài hoa tượng trưng cho Sài Gòn thuở đó, hẳn phải là ngọc lan. Loài hoa không quá kiêu kỳ nhưng cũng rất hiểu giá trị của mình.

Nở như bàn tay ngà ngọc trên cây và hiếm khi rụng trọn vẹn một bông hoa. Chỉ lả tả những cánh trắng trước các thềm nhà, rồi vài ngày sau, trước khi hóa thân vào cát bụi, đỏ thẫm trong héo hắt. Thơm đến viên mãn.

Về những nhà tư sản dân tộc. Nghiệp chướng khắc họa rõ nét hơn hình ảnh tầng lớp vốn đã được phác họa từ hai cuốn sách trước.

Họ là những người "làm hết sức mình cho xứ sở", coi việc làm ăn, "giúp người mình" như "làm phước", nhưng cũng "bằng cách đó họ làm chính trị: một kiểu phản kháng bằng kinh doanh, không chấp nhận nghèo, không chịu thua kém tư bản mẫu quốc, một quốc sách mà nhiều nhà cách mạng duy tân Việt Nam sử dụng".

Về một thông điệp xuyên suốt trong bộ ba tiểu thuyết, rằng "bàn cờ lớn thật sự ở ngoài kia" (Ngẫu tượng), và "các giá trị phổ quát thật ra chỉ là một hư từ mang tính hai mặt mà phương Tây chỉ áp dụng... cho mình và đồng minh thôi" (Nghiệp chướng)...

Và nếu có phong cách chung nào đó giữa bộ ba tiểu thuyết, có lẽ đó là tính tri thức, nét lãng tử và sự hiền lành.

Thông tin lẫn tư liệu lịch sử được chắt lọc ngày càng tinh hơn từ cuốn đầu tiên đến cuốn thứ ba, còn sự lãng mạn bàng bạc khắp ba cuốn sách, cho dù nhân vật chính là một nhà buôn, cựu sĩ quan cao cấp Việt Nam cộng hòa, hay một tiến sĩ từng giảng dạy ở Hoa Kỳ.

Tuy Nghiệp chướng cũng có những vụ ám sát kiểu giang hồ lẫn người nhà thanh toán nhau vì làm ăn, nhưng sự hiền lành đã hóa giải mất phần gai góc. Quá hiền lành cho những năm tháng vô cùng khốc liệt của cuộc đổi chiều lịch sử.

Dù sao đây cũng là một bộ ba tiểu thuyết đầu tiên với một góc nhìn khác về giới tư sản dân tộc, và Sài Gòn những năm 1970, được viết bởi một người trong cuộc đúng nghĩa, và còn trẻ (vào thời điểm đó).

Nên bạn sẽ hiểu vì sao giới trẻ Sài Gòn đọc thơ Nguyễn Tất Nhiên "người từ trăm năm về qua sông rộng, ta ngoắc mòn tay, trùng trùng gió lộng", mê nhạc Phạm Duy "đêm thơm như một dòng sữa", lạ lẫm, và hào sảng đón nhận sự giao thoa ngôn ngữ, văn hóa. Bạn sẽ nhớ thương những người trẻ hiền lành đến ngây ngô...

Chất văn chương vắt qua thời hậu chiến Chất văn chương vắt qua thời hậu chiến

TTO - Nhà văn, dịch giả Hoài Vũ vừa ra mắt hai tập sách dày dặn vừa đúng dịp mừng tuổi 85 của mình: Hoa trong tuyết và Gái thời chiến.

PHAN XUÂN LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên