29/11/2020 12:09 GMT+7

'Ngoại Thủy' - bà ngoại dịu hiền của trẻ nghèo cơ nhỡ

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - Từng học sư phạm mầm non, tai nạn xảy đến khi chưa chính thức đứng lớp ngày nào, rồi cơ duyên đưa đẩy, bà Trần Thị Thanh Thủy đã thành bà giáo dịu hiền của hàng trăm trẻ em nghèo cơ nhỡ.

Ngoại Thủy - bà ngoại dịu hiền của trẻ nghèo cơ nhỡ - Ảnh 1.

Cô giáo Thủy chăm sóc cho một trẻ bị thương khi chơi nhảy - Ảnh: TỰ TRUNG

Học trò nhỏ quen gọi bà là "ngoại Thủy". Tiếng ngoại núm níu tình thân ấy giữ chân bà 16 năm nay để bà lo ăn, mặc, học hành cho những trẻ em nghèo ở lớp học tình thương tại trụ sở ban điều hành khu phố 5, phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP.HCM.

Bà giáo của trẻ nghèo, "bà đỡ" cho kế sinh nhai

Lớp học này được bà Thủy và một số chị em tâm huyết lập ra hơn 5 năm nay. Lớp sáng đèn ba buổi tối trong tuần. Cứ tầm bốn rưỡi, năm giờ chiều, phụ huynh đưa con tới học. Phụ huynh toàn là người nghèo nhập cư, làm nghề xe ôm, bán dạo, mua ve chai, móc sắt vụn...

Ban đầu, nhiều em đến lớp chưa chắc đã vì ham học mà là vì... đói bụng. Tới học thì được "ngoại Thủy" cùng các cô nấu hủ tiếu, mì, nui... cho ăn. 

Ăn no rồi, các cô mới dạy cho điều hay lẽ phải, dạy đọc sách, viết chữ. Em Huỳnh Kim Loan, đang học ở nhóm lớp 1, bẽn lẽn nói: "Nhà con ở khu Cây Da, nào giờ con hổng được đi học, từ ngày học với ngoại Thủy, giờ con mới biết đọc chữ".

Ban ngày Kim Loan học lớp 1 ở trường tiểu học khi đã 14 tuổi mới vô lớp 1. Mẹ em bị bệnh tâm thần đang sống ở trung tâm bảo trợ xã hội, cha làm nghề chăm sóc cây. Mấy cha con được chủ vườn cho dựng lều ở tạm. Không giấy tờ, không hộ khẩu, không tạm trú... 

Để xin cho Loan vào lớp 1, bà Thủy phải xuôi ngược liên hệ nhiều nơi rồi đi đặt may riêng bộ đồng phục cho vừa số đo cô học trò lớp 1 đã mang vóc dáng của một thiếu nữ.

Bà Thủy từng theo học ngành sư phạm mầm non năm 1973. Thế rồi bà bị tai nạn, đi lại khó khăn, có lúc phải chống nạng nên việc học đành gác lại. 

Bà mở sạp bán rau củ, làm thêm bánh trái tại nhà kiếm sống qua ngày. Khi con cái trưởng thành, bà dọn về phường Bình Trưng Đông, quận 2 và "dính" nghiệp làm phó ban điều hành khu phố 5.

Xưa nay bà Thủy chỉ quanh quẩn việc nhà, ít tiếp xúc bên ngoài. Giờ làm cán bộ khu phố, bà bắt đầu tìm hiểu cuộc sống của bà con. 

Thực tế bày ra trước mắt: khu phố quá nhiều gia đình nhập cư nghèo, con nít cơm không đủ no, không được đi học, nhiều đứa phải lang thang ngoài nghĩa trang canh lấy đồ cúng, trái cây để ăn, dư thì đem bán kiếm tiền. 

Bà Thủy tập hợp tụi nhỏ lại, cắt tóc, cắt móng tay, bắt chấy, tắm rửa sạch sẽ, nấu cơm cho ăn. "Ban đầu thấy năm bảy đứa, sau mình càng lo càng thấy đông quá. Vậy là phải tổ chức bếp ăn tình thương, lớp học tình thương" - bà Thủy kể.

Bếp ăn trên 10 năm và lớp học trên 5 năm cùng sự hỗ trợ của hội phụ nữ. Lo cho con nít xong, bà Thủy còn giúp lo sinh kế của cha mẹ mấy đứa nhỏ. 

Những câu lạc bộ giúp việc nhà, nhóm phụ nữ học nghề thắt nơ, làm bánh... ra đời. Người nghèo cần phương tiện làm ăn, bà bỏ tiền túi cho hoặc kết nối các nhà hảo tâm giúp.

Quả ngọt trò ngoan, người chịu ơn tự trọng

Chúng tôi tìm đến thăm lớp học của bà Thủy vào tối 26-11. Trước giờ học, một phụ nữ đưa con gái nhỏ đến lớp, chị nấn ná xin gặp bà giáo Thủy. Chị là Châu Thị Thơm, quê An Giang, làm nghề bán đậu hủ. 

Chị nói rành rẽ: "Dạ cô Thủy, nhà em năm người, trước giờ cứ cách ngày là được lãnh năm phiếu ăn của bếp tình thương ở đây. Nay vợ chồng em buôn bán cũng khá rồi, xin báo nhường lại phiếu ăn cho người khác".

Nói rồi chị quày quả ra về để chuẩn bị cho bữa bán sớm hôm sau, nghe đâu chị phải thức dậy từ 3h sáng. Cái gọi là "buôn bán cũng khá rồi" của chị cũng chỉ là đủ trang trải miếng ăn cho năm miệng ăn. Bà Thủy nói ở xóm này, những người nghèo giàu lòng tự trọng như chị Thơm không phải hiếm.

Chúng tôi còn được nghe kể về ngày 20-11 ở đây. Không thấy hoa, không thấy quà, tụi nhỏ chỉ lẻn lẻn chạy tới cười cười: "Ngoại Thủy ơi, bữa nay con muốn mua quà cho ngoại lắm luôn á, mà con hổng có tiền". 

Nghe vậy, bà giáo Thủy thương trò lắm, lại lo lật đật kiếm đồ nấu cho tụi nhỏ ăn. Rồi cũng có mấy đứa nhỏ trưởng thành từ lớp học này, giờ quay lại phụ "ngoại Thủy" kèm dạy cho mấy đứa khác.

Anh Đặng Thanh Tòng, bí thư chi đoàn phường Bình Trưng Đông, nói mấy đứa nhỏ ở lớp "ngoại Thủy" rất ngoan, lễ phép, nghe lời và thương "ngoại Thủy" khi được chăm lo từ cái ăn, cái mặc đến tinh thần. Bà Thủy đã hai lần vinh dự được UBND TP.HCM tuyên dương danh hiệu "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả".

Câu chuyện đẹp về tình người ở lớp học tình thương xóm nghèo vẫn đang được viết tiếp từng ngày, sát bên khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Những cuộc điện thoại giữa giờ học

Lớp học buổi tối của "ngoại Thủy" hay có "tiết mục" bất ngờ: gọi điện thoại họp mặt bạn bè qua video call. Trên màn hình điện thoại là hai chị em bé gái 13 và 11 tuổi.

Hai đứa thi nhau năn nỉ "ngoại Thủy" lia máy qua để nhìn thấy và nói chuyện với mấy bạn trong lớp cho đỡ nhớ. Bà Thủy kể có hôm đang nói chuyện thì điện thoại tắt bụp, chắc là ba mẹ về nên hai chị em phải tắt máy.

Chuyện là đang theo học lớp tình thương được 3 năm, một ngày nọ cha mẹ dẫn con đi đâu mất, nghe đồn là nhà khó khăn, nợ nần cũng nhiều nên bỏ đi biệt xứ. Bỗng một ngày bà nhận được điện thoại của hai bé.

Bé kể không còn ở TP.HCM nữa, bây giờ ba mẹ hằng ngày đi bán vé số, hai chị em không được học hành gì. Hai em vẫn nhớ số điện thoại của "ngoại Thủy", nhớ lớp, nhớ bạn bè nên lâu lâu lại lén gọi về thăm.

Bà giáo về hưu sáng bán vé số, chiều gieo con chữ ở lớp học tình thương Bà giáo về hưu sáng bán vé số, chiều gieo con chữ ở lớp học tình thương

TTO - Dù đã bước sang tuổi 72, hằng ngày “bà giáo” Nguyễn Thị Ba vẫn rong ruổi khắp các con phố ở TP Thủ Dầu Một, Bình Dương bán từng tờ vé số, chiều về lại ghé lớp tình thương ở phường Phú Cường giúp học sinh nghèo học chữ.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên