10/01/2024 06:30 GMT+7

Ngư trường biển Tây bị tranh cướp manh động kiểu xã hội đen

Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau phải chủ trì và phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiếp tục điều tra, xác minh các vụ tranh chấp ngư trường để xử lý nghiêm theo quy định nhằm giúp ngư dân yên tâm bám biển.

Nhiều ghe, tàu đánh cá ở khu vực biển Tây phải nằm bờ không dám ra khơi do ngư trường phức tạp, sợ bị tấn công - Ảnh: THANH HUYỀN

Nhiều ghe, tàu đánh cá ở khu vực biển Tây phải nằm bờ không dám ra khơi do ngư trường phức tạp, sợ bị tấn công - Ảnh: THANH HUYỀN

Đó là chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau trước tình hình tranh giành ngư trường biển Tây căng thẳng thời gian qua.

Một số đối tượng đã tấn công các ngư dân ở Cà Mau, làm nhiều người bị thương phải nhập viện điều trị. Những vụ việc này khiến nhiều ngư dân trên địa bàn hoang mang, không dám ra khơi đánh bắt.

Xã hội đen lộng hành trên biển

Vào đầu tháng 1-2024, khi tàu CM-06377-TS do ông Trương Hoài Phong (46 tuổi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) làm thuyền trưởng đang neo đậu ở vùng biển thuộc xã Khánh Hội (huyện U Minh) thì bất ngờ bị một số người đi trên một vỏ lãi công suất lớn ném bom xăng làm tàu này bị cháy rụi chìm xuống biển, thiệt hại tài sản ban đầu ước lên đến hơn 2 tỉ đồng.

"Tàu CM-06377-TS do tôi làm thuyền trưởng đang neo đậu cách cửa biển Kinh Hội khoảng 12 hải lý về hướng tây nam. Lúc này, bốn đối tượng đi trên vỏ lãi dùng chất cháy ném vào trong ca bin và các vị trí khác trên tàu làm tàu bốc cháy và chìm xuống biển. May mắn, năm thuyền viên trên tàu được đưa sang tàu cá gần đó và thoát chết", ông Phong nói.

"Lúc tàu cháy dữ dội, những người đi trên vỏ lãi không những không rời đi mà còn chạy xung quanh tàu cá bị cháy, đến khi tàu cá hoàn toàn chìm xuống biển họ mới rời đi. Cả bốn người đi trên vỏ lãi đều bịt mặt", ông Phong cho biết thêm.

Trước đó, đêm 8-11-2023, tàu cá KG-94839-TS do ông Phạm Văn Đồng làm chủ cũng bị một nhóm hơn 10 người trên vỏ lãi tấn công bằng bom xăng và súng bắn đạn chì.

"Khoảng 1h45 đêm đó, tàu cá của tôi cùng hai tàu khác đang hoạt động trên vùng biển tỉnh Cà Mau thì bị hai vỏ lãi và một tàu mực ốc tiếp cận.

Sau đó, những người đi trên phương tiện này đã ném bom xăng và dùng súng tự chế bắn vào các ngư dân trên ba tàu cá. Khoảng 10 phút sau, các đối tượng bỏ đi. Do hoảng loạn nên các ngư dân không thể nhận dạng được các đối tượng tấn công", ông Đồng kể.

Vụ việc làm ba ngư dân bị thương, được đưa vào đất liền chữa trị. "Họ tấn công manh động quá, có hành vi cố ý giết người và hủy hoại tài sản. Nếu lúc đó các anh em ngủ trong tàu chắc mất mạng không hay.

Thời điểm xảy ra sự việc, bom xăng ném vào tàu cá KG-62299-TS chỉ cách bình gas trong gang tấc. Nếu không kịp thời dập lửa, không biết chuyện gì xảy ra" - anh N., một ngư dân trên tàu cá bị tấn công, kể lại.

Tàu cá của ông Đồng cùng một số tàu khác phải nằm bờ gần một tháng để sửa chữa và ổn định tinh thần cho các ngư dân trước khi quay trở lại khai thác - Ảnh: THANH HUYỀN

Tàu cá của ông Đồng cùng một số tàu khác phải nằm bờ gần một tháng để sửa chữa và ổn định tinh thần cho các ngư dân trước khi quay trở lại khai thác - Ảnh: THANH HUYỀN

Sợ bị tấn công, ngư dân không dám ra khơi

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Phú (thuyền trưởng tàu cá KG-62299-TS, ngụ thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) cho biết mình làm nghề đánh bắt trên biển mấy chục năm nay nhưng chưa bao giờ phải trải qua những giây phút hãi hùng như trong vụ bị tấn công bằng bom xăng và súng vừa qua.

"Giờ tôi chỉ hy vọng ngành chức năng xử lý nghiêm những người có hành vi côn đồ trên biển để ngư dân yên tâm bám biển, phát triển kinh tế", ông Phú nói.

Trước khi xảy ra sự việc, thuyền viên tàu cá của ông Phú có cự cãi với một tàu hoạt động gần đó liên quan đến vụ tranh chấp ngư trường. "Từ trước đến nay, giữa ghe cào và ghe ốc cũng có xảy ra vụ việc tranh giành ngư trường đánh bắt nhưng chúng tôi không nghĩ bị tấn công manh động như vậy", ông Phú chia sẻ.

Việc nhiều tàu cá bị xã hội đen trên biển tấn công, hủy hoại tài sản khiến nhiều ngư dân tại địa phương này hoang mang, không dám ra khơi.

Ông Trương Văn Sấm (ngụ huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), chủ bốn ghe biển làm nghề mực ốc, cho biết đang chạy hai ghe cầm chừng ở ngư trường gần bờ, hạn chế không cho ghe đi ra vùng khơi xa sau khi nghe thông tin về các vụ tranh chấp ngư trường, dù ghe chạy khơi mới có nhiều mực.

"Ghe đánh ở khơi mới, sản lượng hải sản đánh bắt sẽ nhiều hơn nhưng cũng cạnh tranh nhiều, xung đột ngư trường với các ghe cào sẽ dễ xảy ra hơn", ông Sấm nói.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo tỉnh Cà Mau thừa nhận tình hình an ninh trật tự trên biển Cà Mau đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới do xung đột quyền lợi giữa nghề lưới kéo với ốc bẫy mực, chưa kể tình trạng trộm cắp ốc bẫy mực.

"Phát sinh thỏa thuận giữa nhóm ốc bẫy mực và tàu cào dẫn đến dấu hiệu chiếm ngư trường trái phép để trục lợi, thu tiền. Xuất hiện các nhóm người xã hội đen sẵn sàng dùng hung khí, vũ lực trên biển", vị này cho biết.

Theo ông Nguyễn Việt Triều - phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Cà Mau, UBND tỉnh đã giao cho các bên công an, biên phòng điều tra, xử lý theo quy định. Cơ quan này cũng đã được giao nhiệm vụ tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát trên biển.

"Tuy nhiên, chức năng xử phạt và thanh tra chuyên ngành thủy sản đang gặp khó do thay đổi những quy định. Về cơ bản chúng tôi sẽ đảm bảo tuần tra, kiểm soát ngư trường chứ về xử phạt không thể", ông Triều thông tin.

Sẽ xử lý triệt để các vụ việc

Theo ông Phan Hoàng Vũ - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, chỉ khi các cơ quan chức năng tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát hiện diện trên biển, xung đột sẽ giảm. Những lúc biển động, thời tiết xấu hoặc ít lực lượng hiện hữu trên biển, diễn biến sẽ phức tạp.

"Vừa qua có một số vụ tranh chấp ngư trường có dấu hiệu hình sự, sở đã phối hợp với các lực lượng biên phòng để xử lý", ông Vũ nói. Một lãnh đạo Công an tỉnh Cà Mau cũng cho biết có nhiều vụ việc xô xát, tranh giành ngư trường trên biển diễn ra gần đây.

Những vụ việc này đang được lực lượng công an điều tra, xử lý. "Chúng tôi sẽ thông tin sau, nhưng trên tinh thần quyết tâm xử lý triệt để vấn đề này", vị này nhấn mạnh.

Đề nghị tăng cường tuần tra, ngăn chặn các vụ vi phạm

Ngày 9-1, UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản hỏa tốc gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ NN&PTNT, Bộ TT&TT báo cáo về việc tranh chấp ngư trường trên vùng biển Cà Mau.

Tại văn bản này, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Quốc phòng xem xét hướng dẫn rõ hơn về nghề đặc thù của từng địa phương, tăng cường các lực lượng chức năng trên biển để tuần tra, kiểm soát và ngăn chặn các trường hợp vi phạm.

Trước đó, ngày 8-1 UBND tỉnh Cà Mau cũng đã có văn bản chỉ đạo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chủ trì và phối hợp cùng các đơn vị liên quan điều tra, xác minh các vụ tranh chấp ngư trường để xử lý nghiêm theo quy định nhằm giúp ngư dân yên tâm bám biển.

Các đơn vị chức năng và địa phương ven biển tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức nhân dân thực hiện đúng quy định của pháp luật, đồng thời đấu tranh, tố giác tội phạm.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát các phương tiện ra vào và hoạt động trên biển để ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Cục Kiểm ngư: Bảo kê, tranh chấp ngư trường khiến ngư dân bức xúcCục Kiểm ngư: Bảo kê, tranh chấp ngư trường khiến ngư dân bức xúc

Lãnh đạo Cục Kiểm ngư cho biết đơn vị đang phối hợp cùng các lực lượng kiểm tra tình hình để xử lý triệt để tình trạng bảo kê, tranh chấp ngư trường vùng biển Tây Nam Bộ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên