12/02/2011 01:38 GMT+7

Ngựa thồ lên đường đua

DUY THANH
DUY THANH

TT - Sáng 11-2, hàng ngàn người đổ về gò Thì Thùng (vùng núi An Xuân, huyện Tuy An, Phú Yên) để xem cuộc tranh tài của 32 chú ngựa. Những chú ngựa thồ nông sản bỗng chốc trở thành “kỵ mã”.

Xwa2TKD6.jpgPhóng to
Các “kỵ mã”, “kỵ sĩ nông dân” trên đường đua - Ảnh: Duy Thanh

Cứ vào mồng 9 tháng giêng hằng năm, nhiều người ở tỉnh Phú Yên và cả các tỉnh lân cận như Bình Định, Gia Lai thức dậy thật sớm để lên đường đến gò Thì Thùng xem đua ngựa. Hội đua ngựa này có từ lâu lắm, không ai nhớ thời điểm bắt đầu, nhưng kể từ năm 2006 đến nay Phú Yên đã nâng hội đua này thành một hoạt động văn hóa - thể thao cấp tỉnh.

“Trường đua” là một vùng đất rộng, bằng phẳng giữa đất đồi núi An Xuân. Người ta cắm cây giăng dây thừng để tạo ra đường đua. Toàn bộ “kỵ mã” là các chú ngựa thồ hàng nông sản. Ông Võ Văn Chín, một người dân ở xã An Xuân, chủ ngựa đua, cho biết: “Xã tôi và bốn xã có ngựa tham gia cuộc đua này là những địa phương gặp khó khăn về đường sá đi lại. Người ta trồng lúa, chuối, bắp... ở những triền đồi, các rẫy xa không loại xe cộ nào vào được nên ngựa là phương tiện vận tải hiệu quả từ bao đời nay. Hằng ngày chúng lên nương rẫy, còn khi tết đến chúng ra “trường đua” giúp tết thêm vui”. Anh Phan Hậu, một vận động viên ở xã An Xuân có ngựa đua năm nay, cho biết: “Trước ngày đua hai hôm, chúng tôi cho ngựa lên gò Thì Thùng để chúng tập chạy cho quen đường”.

Hầu hết “kỵ mã” đều là ngựa cái (cuộc đua năm nay chỉ có bốn ngựa đực), vì theo lời ông Võ Ngọc - một người nuôi ngựa lâu năm ở xã An Xuân, ngựa cái dễ nuôi và chăm chỉ hơn so với ngựa đực. Vì là ngựa cái nên vóc dáng các “kỵ mã” khá nhỏ nhắn, không như những chú tuấn mã trong các trường đua khác mà ta thường thấy. Nhờ được “nghỉ tết” hơn tuần lễ và được chủ dưỡng vài ba ngày trước khi lên “trường đua” nên các chú ngựa gầy hằng ngày đã “trơn da láng thịt” hơn. Dù vậy, không chú ngựa đua nào được thắng yên cương cho bài bản. Ông Võ Văn Chín cho biết: “Do giống ngựa ở An Xuân và các địa phương lân cận khá nhỏ nên những bộ yên cương từng mua về trước đây đều không thể buộc chặt vào lưng ngựa. Hơn nữa, “kỵ sĩ” đều là nông dân chân đất, quen ngồi trên lưng trần của ngựa nên có yên hay không không thành vấn đề”.

Cuộc đua diễn ra trong sự phấn khích hiếm có. Hàng ngàn khán giả đứng bên ngoài hò reo cổ vũ. Các “kỵ sĩ” hầu hết đi chân đất, đầu đội mũ bảo hiểm của vận động viên... đấu võ. “Kỵ mã” thì có chú lao vun vút, có chú sau lệnh xuất phát cứ quay đầu chạy ngược, có chú chạy một đoạn rồi... lững thững đi và nhiều “kỵ mã” cứ muốn chạy ra khỏi đường đua. Điều ngạc nhiên nhất là cả bốn chú ngựa đực dáng vóc vượt trội đã không vượt qua được những “nàng kỵ mã” nhỏ nhắn hơn. Rốt cuộc, cả bốn “kỵ mã” vào vòng chung kết đều là ngựa cái!

Ông Trần Văn Mỹ, 65 tuổi, người xã An Hòa, cười mãn nguyện: “Tôi dậy sớm nhờ cháu chở vượt 30km lên đây, xem cuộc đua ngựa này thật thú vị”. Còn anh Jaques, một nhiếp ảnh gia tự do người Mỹ, mê mẩn chụp ảnh cuộc đua, bộc bạch: “Tôi chưa từng xem cuộc đua ngựa nào lạ lùng và hấp dẫn thế này. Từ Bình Định, nghe bạn bè kể và rủ rê nên tôi đến đây và thật sự thích thú với kiểu đua ngựa dân dã này”.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên