27/09/2023 09:17 GMT+7

Người bán vé số cần được bảo vệ

Ngoài việc xem xét nâng tỉ lệ hoa hồng, cần sớm nghiên cứu cho người bán vé số dạo tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn... nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người phải đối diện với nhiều rủi ro rình rập mỗi ngày.

Người dân miền Tây có thói quen mua vé số kiến thiết cầu may đổi đời - Ảnh: KHẮC TÂM

Người dân miền Tây có thói quen mua vé số kiến thiết cầu may đổi đời - Ảnh: KHẮC TÂM

Nhiều chuyên gia, lãnh đạo các công ty đã đề xuất như vậy khi cho rằng chính những người bán vé số dạo là lực lượng đóng góp rất lớn vào việc đem lại nguồn thu khủng cho ngành xổ số cũng như ngân sách các địa phương, nhưng thu nhập chưa tương xứng, cũng chưa nhận được chính sách hỗ trợ phù hợp.

Tuy nhiên, theo các công ty xổ số, đề xuất mua bảo hiểm y tế cho người bán vé số dạo từng bị Bộ Tài chính từ chối.

Rủi ro rình rập, thu nhập bèo bọt

Hơn 10 năm nay, ngày nào chị Nguyễn Mỹ Nhiên (phường 7, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) cũng lội bộ gần chục cây số để bán vé số, sau khi chồng mất sớm vì tai nạn giao thông, để lại cho chị hai đứa con nhỏ. Bình quân mỗi ngày chị Nhiên bán được 100 tờ, lời 100.000 đồng, tháng được 3 triệu đồng để lo cuộc sống từ thuê nhà, lo bữa ăn cho ba mẹ con.

"Nếu chỉ trông chờ vào tiền bán vé số sẽ không đủ trang trải chi phí. Nào là tiền phòng, tiền ăn, tiền học cho hai con... Chưa kể có hôm trời mưa, bán ế vài ba tờ phải ôm, chiều dò không trúng coi như mất tiền ăn. Gánh nặng cơm áo gạo tiền nên có bệnh tui cũng ráng đi bán", người mẹ này trải lòng.

Sau khi đứa con gái út lên TP Rạch Giá học nghề, chị Hằng (53 tuổi, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang) cũng theo con lên Rạch Giá rồi thuê phòng trọ, tham gia đội quân đi bán vé số. Hằng ngày, trong khi con gái đi học nghề, chị Hằng nhận từ 150 - 200 tờ vé số bán theo các quán cà phê trong khu lấn biển Rạch Giá.

"Chưa bao giờ tôi "ôm vé số" như nhiều người. Vì mình lấy ít nên cố gắng bán từ tối hôm trước đến sáng hôm sau là xong. Lúc trước ở nhà làm ruộng lúa nhưng gần đây xây dựng nhà nên thiếu nợ phải đi bán vé số kiếm tiền trả nợ vừa lo cho con gái. Bây giờ họ không cho trả lại vé số nên phải cố gắng bán thôi", chị Hằng nói.

Một đại diện Bộ Tài chính cho biết cả nước có khoảng 500.000 người bán vé số dạo, với thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/tháng, đóng góp rất lớn cho kinh doanh xổ số truyền thống.

Trong khi đó, theo ông Ngô Thanh Trí - phó giám đốc Công ty Xổ số kiến thiết (XSKT) Đồng Tháp, mỗi tỉnh tại khu vực phía Nam có 15.000 người đang bán vé số dạo, đóng góp rất lớn vào doanh thu và lợi nhuận khủng của 21 công ty XSKT khu vực phía Nam.

Ông Trần Khắc Tâm - đại biểu Quốc hội khóa XIII (đơn vị Sóc Trăng) - cho biết chỉ riêng Sóc Trăng có trên 6.300 người bán vé số dạo, đa số họ là người yếu thế, người già và trẻ em, chưa kể nhiều học sinh gia đình khó khăn tranh thủ đi bán vé số kiếm thêm thu nhập vào mùa hè, nên con số này sẽ lớn hơn.

"Để bán được tờ vé số, bà con phải lặn lội khắp nơi chào mời, năn nỉ, đội nắng mưa rất cực. Các công ty XSKT truyền thống ăn nên làm ra, đạt doanh thu khủng, có đóng góp của lực lượng bán vé số dạo. Nhưng nhìn lại, ngoài được hưởng 10%/tờ vé số bán được, họ chẳng còn quyền lợi gì khác, trong khi hằng ngày lặn lội bôn ba mua bán, nhiều rủi ro rình rập", ông Tâm nói.

Nên có bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn... cho người bán vé số

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quang Nghị - giám đốc Sở Tài chính TP Cần Thơ - khẳng định Công ty XSKT Cần Thơ và Hội đồng XSKT của TP cảm nhận và chia sẻ với những khó khăn của người bán vé số dạo.

Cụ thể, qua đợt dịch COVID-19, Cần Thơ là địa phương đầu tiên đề xuất hỗ trợ cho người bán vé số dạo. Sau đó đồng loạt tất cả công ty XSKT khu vực miền Nam cùng thực hiện.

"Công ty XSKT Cần Thơ có đề xuất ngành lao động - thương binh và xã hội phối hợp tham mưu xây dựng nghị quyết HĐND về mua bảo hiểm y tế cho người bán vé số dạo gặp khó khăn. Nguồn kinh phí được trích từ chính sách an sinh xã hội của công ty hằng năm", ông Nghị nói và cho biết ngành lao động - thương binh và xã hội đang nghiên cứu do đây là chính sách đặc thù của TP.

Chủ tịch một công ty XSKT khu vực miền Nam (đề nghị không nêu tên) cho biết rất trăn trở về quyền lợi của người bán vé số dạo. Vị này khẳng định các công ty xổ số ăn nên làm ra nhờ đóng góp rất lớn của hàng ngàn người bán vé số dạo, hằng ngày họ dầm mưa đội nắng ngược xuôi để bán từng tấm vé số lẻ.

"Tôi và các công ty đã nhiều lần đề xuất cho các công ty lấy chi phí của đơn vị để mua bảo hiểm y tế cho người bán vé số dạo nhưng Bộ Tài chính đều từ chối", vị này cho biết.

Ông Lê Văn Khanh - chủ tịch Công ty XSKT Sóc Trăng - thừa nhận những người bán vé số lẻ có công đóng góp rất lớn vào doanh số chung của các công ty xổ số, đồng thời cho biết đã lên tiếng kêu gọi bảo vệ và tăng thêm quyền lợi cho người bán vé số dạo, nhưng chưa được lắng nghe.

"Trong khả năng của mình, công ty chúng tôi luôn chia sẻ và tri ân những người bán vé số dạo. Lần này hội đồng đã có nghị quyết, hy vọng sẽ có chuyển biến tốt", ông Khanh nói.

Trong khi đó, ông Trần Khắc Tâm cho rằng để người bán vé số dạo được trả công xứng đáng, cần xem xét điều chỉnh tăng thêm hoa hồng bởi theo quy định của Bộ Tài chính, tỉ lệ chi hoa hồng là 15%/tờ vé số và người bán vé số dạo được đại lý cho hưởng 10%, tương đương 1.000 đồng/tờ vé số. Ngoài ra, ông Tâm cũng đề nghị cần sớm nghiên cứu cho người bán vé số dạo tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn...

"Các địa phương đều nắm danh sách hộ bán vé số dạo, bán từ năm nào, hoàn cảnh ra sao... nên một khi triển khai sẽ không quá khó khăn", ông Tâm nói và cho rằng những quy định chưa phù hợp cần mạnh dạn được sửa sao cho hợp tình hợp lý và mang giá trị nhân văn hơn.

Người bán vé số dạo luôn bị áp lực phải bán hết số vé đã lấy - Ảnh: THANH HUYỀN

Người bán vé số dạo luôn bị áp lực phải bán hết số vé đã lấy - Ảnh: THANH HUYỀN

Phải nhận lại vé số chưa bán hết

Ông Lâm Minh Đạo - giám đốc Công ty XSKT tỉnh Kiên Giang - cho hay đơn vị đang triển khai cho các đại lý phải tiếp nhận trả lại vé số của bà con trước 16h hằng ngày. Đại lý cấp 2 trả về cho đại lý cấp 1 rồi sau đó sẽ trả lại vé số cho công ty.

"Nói chung, việc không nhận lại vé số do người bán dạo nói là không có trong chủ trương của công ty. Chúng tôi đã yêu cầu đại lý nhận lại vé số theo đúng quy định pháp luật rồi. Có thể giữa họ và đại lý cấp 2, cấp 3 có thỏa thuận gì đó chứ không phải là chủ trương của công ty", ông Đạo khẳng định.

Ông Nguyễn Quốc Thanh - giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau - cũng cho biết cơ quan này đang xác minh thông tin người bán vé số dạo không được trả lại vé số ế để có báo cáo với cơ quan có thẩm quyền. Trên cơ sở đó, sẽ có ý kiến với các đơn vị phát hành nhằm đưa ra chính sách phù hợp, bởi đời sống của người bán vé số dạo rất khó khăn.

Giảm chi phí kinh doanh để tăng thưởng, nâng tỉ lệ hoa hồng

Một chuyên gia lâu năm trong ngành xổ số cho rằng việc tăng tỉ lệ trả thưởng cho khách hàng và nâng tỉ lệ hoa hồng chỉ có thể thực hiện được khi các công ty XSKT giảm các chi phí sản xuất kinh doanh.

Theo đó, các công ty kinh doanh xổ số cần áp dụng công nghệ vào quá trình từ in ấn vé, phát hành đến quay số, trả thưởng... nhằm giảm chi phí kinh doanh cũng như góp phần tăng tính công khai, minh bạch.

"Thời đại công nghệ mà XSKT vẫn in ấn vé ra với chi phí vài chục nghìn tỉ đồng mỗi năm. Trong khi đó, tỉ lệ tiêu thụ vé sáu tháng đầu năm nay tại 14 công ty XSKT khu vực miền Trung chỉ đạt hơn 37% tổng trị giá phát hành cho thấy kinh doanh chưa thật hiệu quả", vị này nhận định.

Bộ Tài chính nói gì về việc ‘không quản được thì cấm’ mua bán vé số onlineBộ Tài chính nói gì về việc ‘không quản được thì cấm’ mua bán vé số online

Việc mua bán vé số online gây rủi ro cho người chơi, khiến người chơi có thể bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản dự thưởng, bị ép phải chia giải thưởng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên