14/04/2024 11:11 GMT+7

Người được giới thiệu cầu mưa cho TP.HCM nói sẽ dùng cách cầu nguyện, sau 4 ngày sẽ có mưa

Sáng 14-4, ông Lê Minh Hoàng, người được tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp giới thiệu với Chi cục Thủy lợi TP.HCM về khả năng cầu mưa, cho biết từng cầu cho lúa ở Hà Nội bớt ngã đổ vì gió.

Nam Bộ đang giai đoạn nắng nóng đỉnh điểm - Ảnh: LÊ PHAN

Nam Bộ đang giai đoạn nắng nóng đỉnh điểm - Ảnh: LÊ PHAN

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 14-4, ông Hoàng chia sẻ mong được chấp thuận được cầu mưa cho TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam.

Cầu mưa cho TP.HCM bằng… cầu nguyện

Ông Hoàng cho biết có kinh nghiệm 20 năm nghiên cứu độc lập về lĩnh vực biến đổi khí hậu, khí tượng thủy văn. Ông đã từng cầu mưa cho Lâm Đồng, Bến Tre… và một số tỉnh khác.

Khi Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi việc cầu mưa bằng cách nào? Áp dụng khoa học kỹ thuật hay phương pháp nào khác?

Ông Hoàng cho biết ông chỉ cầu nguyện. Sau khoảng 4 ngày thì sẽ có mưa, nếu người dân thành tâm thì mưa sẽ sớm hơn.

"Tôi không thể tự đến các tỉnh thành rồi nói mình cầu mưa được. Do đó tôi có gặp tiến sĩ Điệp nhờ ông giới thiệu để các nơi có giấy mời tới tôi. Sau đó tôi sẽ vào để cầu mưa", ông Hoàng nói.

Chia sẻ thêm hiện nay các đề xuất của ông đã được các tỉnh thành chấp nhận chưa, ông Hoàng cho biết có liên hệ và được cho biết "đang trình lãnh đạo xem xét".

Từng cầu cho lúa Hà Nội bớt gãy đổ

Sáng 14-4, ông Hoàng chia sẻ với Tuổi Trẻ Online một văn bản có con dấu và chữ ký của giám đốc HTX nông nghiệp Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Trong văn bản này ông Hoàng trình bày mình có khả năng đặc biệt giúp giảm được thiên tai cho ngành nông nghiệp. Ông Hoàng cũng phân tích do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên đã ảnh hưởng.

Ông Hoàng viết: "Trong nhiều năm tôi đi tham quan nhiều nơi thấy vụ xuân hè toàn gieo mạ và cấy lúa đúng vào những ngày rét đậm, gây cho mạ chết. 

Lúc cấy nhiệt độ quá thấp khiến cho thợ cấy tê cứng chân tay.

Vụ hè thu do nắng nóng bà con phải đi cấy đêm. Tôi trăn trở xót xa. 

Tôi thấy xã viên xã Mỹ Thành đi buộc lúa do ngã đổ. Nhiều nhà không buộc kịp dẫn đến lúa bị mọc mầm cả cánh đồng.

Tôi bảo tôi muốn giúp bà con đỡ thiệt hại và lúa đỡ bị ngã đổ các bà có đồng ý không? 

Họ bảo được thế thì tốt quá chúng tôi hoàn toàn đồng ý. Trước tình hình đó tôi âm thầm nghiên cứu cầu nguyện tìm giải pháp giúp đỡ bà con nhân dân giảm được thiệt hại do mưa gió gây ra".

Văn bản còn thể hiện sau thời gian quan sát, giữa lúc lúa chín vào tháng 8 năm 2023 thì xảy ra gió giật mạnh. Ông Hoàng đã cầu nguyện để bớt thiệt hại cho xã viên.

Kết quả thiệt hại vụ mùa đó giảm 80% so với vụ mùa 2021-2022. Văn bản này còn có chữ ký và xác nhận của ông Đinh Quang Thành - giám đốc HTX nông nghiệp Mỹ Thành.

Hiện Tuổi Trẻ Online đang liên hệ với người ký xác nhận văn bản trên tìm hiểu thêm sự việc.

Giới thiệu người cầu mưa "nhưng chưa kiểm chứng"

Những ngày qua mạng xã hội xôn xao văn bản gửi Chi cục Thủy lợi TP.HCM ngày 2-4 giới thiệu "người có khả năng cầu mưa nhưng chưa được kiểm chứng" ký tên tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp - giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ văn hóa và khoa học - công nghệ (CTCS), giảng viên thỉnh giảng cao cấp của 3 trường đại học và nguyên là phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người.

Và người được ông Điệp giới thiệu là ông Lê Minh Hoàng (ngụ Hà Nội).

Trong văn bản, ông Điệp nhấn mạnh khả năng cầu mưa của ông Lê Minh Hoàng "chưa được kiểm chứng".

Tuy nhiên ông Điệp cho biết rất xót xa, dằn vặt trước nạn hạn hán, thất bát mùa màng của một số tỉnh phía Nam nên đã giới thiệu.

Một tiến sĩ giới thiệu người Một tiến sĩ giới thiệu người 'lập đàn cầu mưa nhưng chưa được kiểm chứng' cho TP.HCM

Trong văn bản gửi Chi cục Thủy lợi TP.HCM, vị này nói rất xót xa, dằn vặt trước nạn hạn hán của một số tỉnh phía Nam nên đã giới thiệu người "lập đàn cầu mưa nhưng chưa được kiểm chứng". Còn chuyên gia cho rằng "hoàn toàn không có căn cứ".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên