13/06/2020 08:10 GMT+7

Người gom rác không thể mang cân khi đi hốt rác, Bộ nói sao?

LÊ PHAN
LÊ PHAN

TTO - Không 'cào bằng' giữa hộ dân có rác thải ít và hộ dân có rác thải nhiều, nhưng người thu gom rác cũng không thể... mang cân khi đi thu gom để xác định khối lượng rác thải ra của các hộ gia đình. Bộ Tài nguyên - môi trường nói gì về việc này?

Người gom rác không thể mang cân khi đi hốt rác, Bộ nói sao? - Ảnh 1.

Theo Luật bảo vệ môi trường đang được sửa đổi, tới đây tiền thu gom rác của hộ dân sẽ tính theo khối lượng thay vì theo hộ như hiện nay - Ảnh: DUYÊN PHAN

Dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, khóa XIV - quy định cách tính chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh và cách thức quản lý phù hợp với đặc điểm khu vực đô thị và nông thôn.

Theo tờ trình, chất thải rắn đang là vấn đề nóng cần được giải quyết với hàng chục triệu tấn rác thải sinh hoạt. Mỗi năm, lượng chất thải rắn gia tăng khoảng 10% và có xu hướng tiếp tục gia tăng.

Dự kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án luật này. Tuy nhiên những ngày qua người dân còn một số băn khoăn và Bộ Tài nguyên - môi trường nói gì về việc này?

TP.HCM đã nghĩ đến nhưng ngại... cái cân!?

Nhìn từ TP.HCM, đô thị lớn nhất cả nước thì việc thực hiện thu gom rác theo khối lượng không phải mới. Trước đây lãnh đạo TP cùng các sở ngành cũng đã họp bàn nhiều lần về vấn đề này.

Theo đó, việc thực hiện thu gom theo khối lượng sẽ tạo ra việc không "cào bằng" giữa hộ dân có rác thải ít và hộ dân có rác thải nhiều. Tuy nhiên việc thực hiện sẽ gặp khó khăn vì người thu gom rác không thể... mang theo một cái cân khi đi thu gom để xác định khối lượng rác thải ra của các hộ gia đình.

Do đó TP.HCM đã nghiên cứu để tính một mức giá sàn chung cho việc thu gom rác dựa trên trung bình lượng rác thải người dân bỏ ra mỗi ngày và hướng dẫn các quận huyện thực hiện.

Hiện tại các quận huyện đều có mức thu gom dựa theo hướng dẫn quyết định 38 của UBND TP.HCM về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và giá tối đa dịch vụ xử lý rác sử dụng ngân sách nhà nước có hiệu lực từ ngày 1-11-2018.

Mức giá sàn mà TP.HCM đề ra là 48.000 đồng hộ/tháng. Tùy vào đặc thù địa phương sẽ có mức điều chỉnh cho hợp lý.

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường, nhận định việc thu gom rác theo khối lượng tại các hộ dân rất khó thực hiện.

Hiện nay hình thành cho người dân thói quen phân loại rác đã là thành công, sau đó lâu dài mới có thể thay đổi thêm các thói quen khác để bảo vệ môi trường sạch hơn chứ áp việc tính tiền theo khối lượng còn khó.

Việc này nếu áp dụng cho các tổ chức sản xuất, khu chế xuất, khu công nghiệp sẽ khả quan hơn áp dụng với hộ dân. Lượng rác người dân thải ra vẫn vậy, không thay đổi quá nhiều, có chăng là ý thức phân loại rác của người dân được thực hiện tốt sẽ giúp lượng rác thải ít hơn.

Chung quan điểm, đại diện Hợp tác xã (HTX) rác Thống Nhất (quận Bình Thạnh) cho rằng việc thu gom rác theo khối lượng khó thực hiện. Người thu gom rác không thể cân rác của từng hộ dân.

Do đó việc thu tiền rác các hộ dân cứ áp dụng theo phương thức hiện hành, hộ nào phát thải nhiều thì các công nhân thu gom sẽ thỏa thuận thêm một khoản. Đối với các nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp thì HTX sẽ có thỏa thuận giá thu gom theo quy định của TP.

Người gom rác không thể mang cân khi đi hốt rác, Bộ nói sao? - Ảnh 2.

Rác cồng kềnh tràn ngập nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Thế giới đã làm từ lâu

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc trả tiền rác theo khối lượng, ông Cao Văn Tuấn - Trưởng phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM - cho biết việc thu tiền rác theo khối lượng thế giới đã làm từ lâu. 

Người nào phát sinh chất thải phát sinh ô nhiễm thì phải chịu chi phí thu gom xử lý. Việc một người phát sinh 1kg rác bị thu tiền bằng người phát sinh 10kg rác là không công bằng. Khi không tác động đến kinh tế, túi tiền thì người dân sẽ xả rác vô tội vạ.

"Tác động đến kinh tế sẽ làm người dân hạn chế xả rác, hạn chế sử dụng túi nilông để giảm lượng chất thải phát sinh mỗi ngày. Do đó nếu áp dụng việc thu tiền rác theo khối lượng hoàn toàn phù hợp.

Ngoài ra, việc thu tiền rác theo khối lượng sẽ giúp việc phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả vì để giảm chi phí, người dân sẽ phân loại rác để hạn chế xả thải, tái chế các loại rác thải có thể sử dụng được.

Khó khăn duy nhất là lực lượng thu gom sẽ tổ chức thực hiện như thế nào, phải có hướng dẫn cho đơn vị thu gom" - ông Tuấn chia sẻ.

Ở góc độ người dân, bà Cúc (quận Bình Thạnh) cho biết nếu thu theo khối lượng thì bản thân người dân như bà sẽ hạn chế thải rác ra để tiết kiệm chi phí.

Bà Cúc ví dụ nếu trước đây đi chợ mua đồ xài túi nilông vô tội vạ, chai lọ bỏ chung vào rác thông thường để công nhân thu gom mang đi thì nếu áp dụng tính tiền rác dựa trên khối lượng, người dân sẽ kỹ lại trong việc thải rác ra. Cái nào tái chế hay bán được sẽ bỏ riêng để giảm khối lượng rác.

Ông Nguyễn Ngọc Hà (quận Bình Thạnh) cho rằng việc thu tiền rác theo khối lượng chỉ phần nào thay đổi thói quen xả rác của người dân chứ không ảnh hưởng nhiều.

Lâu dài muốn hiệu quả cần phải tuyên truyền cho người dân hiểu, vận động người dân phân loại rác. Việc áp thu phí cao hoặc chế tài người dân chỉ rất dễ làm nảy sinh các mâu thuẫn, bức xúc.

"Hiện nay người dân chủ yếu làm việc với lực lượng thu gom rác dân lập, dù cơ quan chức năng có quy định giá thu gom rác nhưng tùy vào đặc điểm khu dân cư mà lực lượng rác dân lập sẽ có thỏa thuận với người dân về số tiền thu hằng tháng.

Khu tôi ở trước đây giá thu gom mỗi tháng 30.000 đồng nhưng mới đây đã được thông báo thu lên 40.000 đồng" - ông Hà chia sẻ.

Hiện nay tính khối lượng rác thế nào?

Cách tính khối lượng mà Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM lấy cơ sở để đưa ra giá sàn thu gom rác được dựa vào mức phát thải bình quân theo đầu người (quy chuẩn Việt Nam năm 2010 của Bộ Xây dựng ban hành) là 0,8kg/người/ngày, tương đương mỗi hộ (5 người) là 120kg/tháng.

Từ trước đến nay, người dân ở TP.HCM chỉ phải trả phí thu gom rác, còn chi phí vận chuyển, xử lý được ngân sách TP chi trả nên dự kiến trong tương lai người dân còn phải chịu thêm phí vận chuyển và xử lý rác.

Chi phí này TP.HCM giao về các quận huyện tính toán dựa vào khoảng cách từ địa phương đến các điểm xử lý rác thải của TP.

Với giá thu gom rác theo hộ hiện nay, nếu tính đúng, tính đủ các chi phí từ thu gom, vận chuyển đến xử lý thì mỗi hộ dân phải chi trả từ 110.000 đến 150.000 đồng/hộ/tháng. Tuy nhiên để tránh giá thu gom tăng đột ngột cũng như chờ thời gian sắp xếp lại phương tiện, hoạt động thu gom, TP đã giãn tiến độ áp dụng mức phí này đến năm 2022.

Trước mắt, giai đoạn 2019 đến 2022, ngoài chi trả phí thu gom, người dân sẽ chịu một phần phí vận chuyển, còn lại do ngân sách TP bù vào.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Anh Khang - phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp - cho biết giá thu gom này đang được quận xây dựng đơn giá mới, thay quyết định 38 để quản lý tốt lực lượng thu gom và công tác phân loại rác tại nguồn.

Trong tương lai người dân có thể phải chịu phí vận chuyển và xử lý rác nhưng hiện tại vẫn chưa có quy định gì rõ ràng.

Không còn cào bằng, ai xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền Không còn cào bằng, ai xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền

TTO - Dự thảo Luật bảo vệ môi trường đặt vấn đề tính toán chi phí thu gom, xử lý với rác thải sinh hoạt dựa trên khối lượng sử dụng, thay vì cách tính bình quân, đổ đồng như hiện nay.

LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên