18/08/2023 15:02 GMT+7

Người không bật còi cảnh báo cháy rừng Hawaii từ chức

Ông Herman Andaya, người đứng đầu cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp của đảo Maui, đã từ chức. Trước đó, ông Andaya nói không hối tiếc về quyết định không bật còi cảnh báo khi cháy rừng xảy ra.

Ông Herman Andaya, người đứng đầu cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp của Maui, trong cuộc họp báo ngày 16-8 sau vụ cháy rừng - Ảnh: AP

Ông Herman Andaya, người đứng đầu cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp của Maui, trong cuộc họp báo ngày 16-8 sau vụ cháy rừng - Ảnh: AP

Theo Hãng tin AFP, ông Herman Andaya từ chức ngày 17-8, trong bối cảnh bị chỉ trích mạnh mẽ vì không bật còi cảnh báo khi xảy ra cháy rừng ở thị trấn Lahaina trên đảo Maui, bang Hawaii.

Quyết định hứng nhiều chỉ trích

"Thị trưởng Richard Bissen đã chấp nhận đơn từ chức của người đứng đầu Cơ quan Quản lý khẩn cấp Maui (MEMA) Herman Andaya", thông báo của chính quyền Maui nêu. "Vì lý do sức khỏe, đơn từ chức của ông Andaya được chấp thuận ngay lập tức".

Những người sống sót sau trận cháy kinh hoàng nói rằng họ không hề được cảnh báo về vụ việc. Điều này dẫn tới việc nhiều người thiệt mạng trong vụ cháy trong lúc mắc kẹt trong nhà hoặc ô tô.

"Còi báo động chủ yếu sử dụng khi có sóng thần. Người dân được hướng dẫn để di chuyển tới vùng đất cao hơn trong trường hợp còi báo động vang lên", ông Andaya nói trong cuộc họp báo ngày 16-8. "Nếu chúng tôi bật còi báo động vào đêm hôm đó, chúng tôi sợ rằng mọi người sẽ chạy lên đồi, thẳng vào hướng có ngọn lửa".

Ông Andaya cũng tự hỏi trong trường hợp đó liệu có ai nghe được tiếng còi báo động hay không. "Rất nhiều người ở trong nhà, họ sẽ không nghe thấy tiếng còi báo động", ông Andaya nói.

Theo Viện Thính học Mỹ (AAA), âm thanh của còi báo động ở mức 121 decibel, tức tương đương với tiếng máy bay phản lực cất cánh.

Khi được hỏi liệu có hối hận về quyết định không bật còi báo động hay không, ông Andaya trả lời: "Tôi không".

Không chỉ còi báo động mà mạng điện thoại và nguồn điện cũng bị cắt. Những người sống sót nói với Hãng tin AFP rằng họ chỉ biết là có cháy khi nhìn thấy ngọn lửa thiêu rụi các con phố.

Công tác sau cháy rừng

Người dân cũng phàn nàn rằng chính quyền đã chậm trễ trong việc hỗ trợ người dân. Nhiều người nói rằng họ nhận được sự trợ giúp từ các nhóm dân sự nhiều hơn từ chính quyền.

Ngày 17-8, tổng chưởng lý của Hawaii, bà Anne Lopez, cho biết sẽ chỉ định một cơ quan độc lập để thực hiện cuộc điều tra.

"Việc nhờ bên thứ ba tiến hành đánh giá sẽ đảm bảo trách nhiệm giải trình và tính minh bạch, đồng thời trấn an người dân Hawaii rằng tất cả sự thật sẽ được làm sáng tỏ", bà Lopez nói.

Cùng ngày, nhóm cứu hộ và chó nghiệp vụ phụ trách tìm kiếm thi thể vẫn tiếp tục rà soát khu vực thảm họa. Cho đến nay, chỉ một số ít thi thể từ Lahaina xác định được danh tính.

Một số chuyên gia pháp y từng công tác sau vụ tấn công ngày 11-9-2001 ở Mỹ đang có mặt ở Hawaii để giúp xác định danh tính những hài cốt bị bỏng nặng.

Tính tới sáng 18-8 (giờ Việt Nam), cơ quan chức năng đã xác nhận ít nhất 111 người đã chết. Con số thực tế có thể cao hơn đáng kể.

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ đến thăm Hawaii vào ngày 21-8 (giờ Mỹ), cùng với phu nhân Jill Biden.

Chó nghiệp vụ tìm các thi thể cháy thành than ở HawaiiChó nghiệp vụ tìm các thi thể cháy thành than ở Hawaii

Những chú chó chuyên tìm kiếm xác người được đưa đến tìm thi thể nạn nhân cháy rừng Hawaii, Mỹ, khi số thiệt mạng lên đến 96 người và có thể tiếp tục tăng. Các tranh cãi và kiện tụng bắt đầu nóng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên