14/11/2017 13:47 GMT+7

Người lao động cần làm mới kỹ năng trong kỷ nguyên số

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - "Việc làm chắc chắn sẽ bị tác động bởi ảnh hưởng cách mạng công nghệ 4.0, nhưng không hề u tối như dự đoán rằng tự động hóa sẽ thay thế con người. Vì thế người lao động cần tìm cách thích nghi bằng cách luôn nâng cao, làm mới kỹ năng của mình".


Người lao động cần làm mới kỹ năng trong kỷ nguyên số - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp phát biểu khai mạc hội thảo nguồn nhân lực và công nghệ cho kỷ nguyên số tại Việt Nam (Đ.BÌNH)

Ông Simon Matthews - tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, tập đoàn chuyên cung cấp các giải pháp nhân lực - phát biểu như vậy tại hội thảo "Nguồn nhân lực và công nghệ cho kỷ nguyên số tại Việt Nam" do Bộ LĐTB&XH, ManpowerGroup và Tập đoàn Viễn thông quân đội tổ chức ngày 14-11.

Theo ông S.Matthews, năm 2016-2017, ManpowerGroup đã tiến hành một khảo sát quy mô toàn cầu, với 42.000 doanh nghiệp và thấy rằng cách mạng công nghệ 4.0 có thể "phá vỡ" thị trường lao động, tự động hóa sẽ thay thế lao động chân tay, và nguy cơ hàng triệu lao động có thể mất việc. "Cách mạng công nghệ 4.0 mang đến cơ hội và cũng đầy thách thức".

Kết quả khảo sát của ManpowerGroup cho thấy tại khu vực Đông Nam Á, 46% doanh nghiệp cho biết họ đang gặp khó trong việc tuyển dụng. 

Và tại Việt Nam, nhân sự quản lý cấp cao đang thiếu hụt trầm trọng, một phần do tình trạng "chảy máu chất xám" với con số người Việt làm việc tại nước ngoài năm 2015 tăng 8% so với 2014.

Vì khó khăn trong tuyển dụng, nên 53% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ chọn cách đào tạo và phát triển nhân lực tại chỗ, còn lại là tuyển dụng ngoài chuyên môn. 

Cũng vì cách mạng công nghệ 4.0 mà các chủ sử dụng lao động đã đẩy mạnh đào tạo tại chỗ từ 20% vào năm 2015 lên hơn 50% vào thời điểm hiện tại.

Đối với Việt Nam, tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật mới chỉ có chưa tới 20% trong tổng số lao động. Vì thế Việt Nam sẽ thiếu nguồn lao động có tay nghề…

Tuy nhiên, ông S.Matthews vẫn cho rằng ảnh hưởng của cách mạng công nghệ 4.0 không hề u tối như dự đoán.

Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho kỷ nguyên 4.0, ông Matthews cũng như đại diện Cục Việc làm -Bộ LĐTB&XH cùng các đại biểu dự hội thảo đã cho rằng các doanh nghiệp tại Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và kịp thời về công nghệ và kỹ năng cho người lao động. 

Cần có các chương trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người lao động, chú trọng phát triển kỹ năng ngoại ngữ và xây dựng các dự án đào tạo kỹ năng cho lao động nhằm đảm bảo khả năng tìm việc và phát triển bền vững của người lao động. 

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần thay đổi cách tuyển dụng nhân tài, mạnh dạn sử dụng các ứng dụng công nghệ số. 

Mặt khác, người lao động phải luôn tìm cách thích nghi với sự thay đổi thông qua việc nâng cao, làm mới các kỹ năng của mình…

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên