17/10/2014 08:45 GMT+7

​Người Mỹ lo dịch Ebola bùng phát

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Vụ nữ y tá thứ hai ở Texas nhiễm virút Ebola và những sai sót của hệ thống y tế Mỹ đã khiến thị trường chứng khoán Phố Wall chao đảo.

Nhân viên y tế (phải) phát tờ rơi giải thích triệu chứng bệnh Ebola ở biên giới Mỹ - Mexico ngày 15-10 - Ảnh: Reuters
Nhân viên y tế (phải) phát tờ rơi giải thích triệu chứng bệnh Ebola ở biên giới Mỹ - Mexico ngày 15-10 - Ảnh: Reuters

Theo AFP, trong phiên giao dịch ngày 16-10, thị trường chứng khoán Mỹ xáo động vì dịch Ebola và thông tin kinh tế toàn cầu bất lợi.

Tại Phố Wall, chỉ số Dow sụt giảm 1,06%, S&P 500 sụt 0,81%. Một ngày trước đó, Dow mất đến 8% sau khi có tin nữ y tá Amber Vinson thuộc Bệnh viện Texas Health Presbyterian tại Dallas (Texas) nhiễm virút Ebola.

Cổ phiếu các hãng hàng không Mỹ như American Airlines hay Delta Air đều bị ảnh hưởng nặng nề. “Mối lo ngại lớn nhất là mọi người sẽ sợ không dám đi máy bay” - nhà phân tích Jason Weisberg của Hãng Seaport Securities nhận định. Sóng chấn động lan tới châu Âu và châu Á. Hôm qua giá cổ phiếu ở Tokyo (Nhật) giảm 2,22%. Các thị trường Anh, Pháp và Đức đều chật vật.

Hàng loạt sai sót

Ông Obama hủy công du

Theo Washington Post, hôm qua (giờ Việt Nam) Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hủy công du tới Rhode Island và New York để ở lại Nhà Trắng giám sát các nỗ lực của chính phủ nhằm đối phó với bệnh Ebola. Ông cam kết Mỹ sẽ “phản ứng mạnh mẽ” để dập dịch ở Tây Phi và ngăn chặn lây nhiễm trong nước.

Ông kêu gọi lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Đức, Ý phối hợp chặt chẽ với Mỹ và đưa quân tới Tây Phi nhằm hỗ trợ chống dịch. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ nhân đạo cho Tây Phi.

Khi virút Ebola xuất hiện ở Dallas, Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) đã mắc nhiều sai sót nghiêm trọng và bộc lộ sự thiếu những chuẩn bị cần thiết để đối phó với dịch.

Theo báo New York Times, nữ y tá Vinson, 29 tuổi, đã lên chuyến bay 1143 của Hãng Frontier Airlines từ Cleveland (Ohio) tới Dallas hôm 13-10, một ngày trước khi cô đổ bệnh. Giám đốc CDC Thomas Frieden xác nhận trước khi lên máy bay cô Vinson đã bị sốt nhẹ 37,50C và gọi điện tới CDC báo cáo tình hình.

Tuy nhiên một quan chức CDC vẫn cho phép cô lên máy bay. Ông Frieden thừa nhận lẽ ra cô Vinson không được phép đặt chân lên máy bay.

Giám đốc CDC cho rằng nguy cơ lây nhiễm trên chuyến bay cực thấp vì cô Vinson không nôn mửa hay chảy máu. Tuy nhiên Hãng tin CNBC sau đó tiết lộ CDC đã cảnh báo với Hãng hàng không Frontier Airlines rằng có khả năng y tá Vinson “đã xuất hiện các triệu chứng bệnh” khi lên máy bay.

Điều đó có nghĩa cô có khả năng lây nhiễm cho người khác. Hãng Frontier đã cho bốn tiếp viên và hai phi công chuyến bay nghỉ có lương để tự theo dõi tình trạng sức khỏe. Chiếc máy bay chở y tá Vinson đã được tẩy trùng.

Tuy nhiên nó đã bay năm chuyến trong ngày 14-10. CDC đang liên hệ với 123 hành khách có mặt trên chuyến bay của y tá Vinson để phỏng vấn và theo dõi tình trạng sức khỏe. Cô Vinson hiện đã được chuyển đến Bệnh viện ĐH Emory ở Atlanta để điều trị và đang sốt cao.

Cô Vinson cùng y tá gốc Việt Nina Phạm thuộc nhóm 76 nhân viên y tế đã điều trị cho bệnh nhân Ebola Thomas Eric Duncan, người điều trị ở Bệnh viện Texas Health Presbyterian từ ngày 28-9 và qua đời ngày 8-10.

Theo báo Dallas Morning News, từ ngày 28 đến 30-9 các nhân viên y tế điều trị cho ông Duncan chỉ mặc đồng phục và đeo khẩu trang bình thường. Khi đó ông Duncan liên tục nôn mửa và tiêu chảy nghiêm trọng.

Cả Vinson và Nina Phạm đều chăm sóc ông Duncan trong ba ngày này và đó có thể là nguyên nhân họ nhiễm bệnh. Đến chiều 30-9, CDC mới đưa các loại quần áo và mũ bảo hộ chuyên dụng đến Bệnh viện Texas Health Presbyterian.

Trước đó Tổ chức Y tá đoàn kết quốc gia (NNU) cũng chỉ trích CDC hoàn toàn không hướng dẫn các quy định an toàn khi xử lý những ca nhiễm Ebola.

Dân Mỹ lo sợ

Theo khảo sát báo Washington Post và Hãng tin ABC News vừa công bố, 65% người Mỹ lo ngại nguy cơ dịch Ebola sẽ bùng phát tại đây. Cứ 10 người thì có bốn người sợ rằng mình hoặc người thân bị nhiễm virút Ebola.

“Vấn đề là Ebola có thể đi tới bất kỳ đâu. Nó đã đến Mỹ từ Liberia. Nó có thể xuất hiện trên các máy bay” - Washington Post dẫn lời nhân viên dọn vệ sinh cabin máy bay ở sân bay JFK tại New York lo lắng. Mới đây, 200 nhân viên dọn vệ sinh cabin đã đồng loạt đình công tại sân bay LaGuardia ở New York vì sợ nhiễm Ebola.

Trả lời Tuổi Trẻ qua thư điện tử, cô Lyndsey Wajert, thuộc Trung tâm Báo chí quốc tế (ICJ) ở Washington, cho biết điều làm cô bức xúc và lo lắng nhất là việc hai ca nhiễm Ebola liên tiếp xuất hiện ở Texas và nhà chức trách đã không nỗ lực tối đa để ngăn chặn.

“Đất nước chúng tôi luôn tự hào có hệ thống y tế xuất sắc nhất thế giới nhưng lại phản ứng quá tồi với dịch Ebola. Hãy nhìn châu Âu mà xem, rất nhiều bệnh nhân Ebola đang được điều trị tại đó nhưng mới chỉ có một trường hợp lây nhiễm ở Tây Ban Nha” - cô Wajert nhấn mạnh.

Nói với Tuổi Trẻ, phóng viên Bret Hayworth ở Soux City (Iowa), người thường xuyên công tác bằng máy bay, cho biết anh và rất nhiều người quen không thể hiểu nổi tại sao nữ y tá nhiễm Ebola lại được phép đặt chân lên một chiếc máy bay thương mại đầy người. Anh cho rằng Chính phủ Mỹ cần xem xét việc cấm đi lại tới các nước Tây Phi để ngăn virút Ebola tiếp tục “nhập cảnh” vào Mỹ.

Khảo sát của Washington Post/ABC News cũng cho thấy phần đông người Mỹ ủng hộ cấm đi lại đến Tây Phi. Mới đây chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner và một số nghị sĩ cũng kêu gọi chính quyền Tổng thống Barack Obama áp dụng biện pháp này, bởi chỉ quét thân nhiệt hành khách ở các sân bay là không đủ.

Khi đến Mỹ, nạn nhân Duncan cũng từng được quét thân nhiệt. Nhà Trắng trước đó cho rằng biện pháp này sẽ cản trở các nỗ lực cứu trợ tới Tây Phi, nguồn gốc của dịch bệnh.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên