11/08/2023 09:56 GMT+7

Nguyên nhân nào gây bong tróc đường băng sân bay Vinh?

Cục Hàng không Việt Nam thống nhất với nội dung xác định được nguyên nhân ban đầu gây bong tróc đường băng sân bay Vinh, như báo cáo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Lớp bê tông nhựa đầu 17 đường băng sân bay Vinh  bị bong bật với diện tích khoảng 41,6m2 - Ảnh: CTV

Lớp bê tông nhựa đầu 17 đường băng sân bay Vinh bị bong bật với diện tích khoảng 41,6m2 - Ảnh: CTV

Báo cáo sự cố và công tác khắc phục hư hỏng đường băng sân bay Vinh gửi Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không cho biết: lúc 9h33 ngày 3-7, chuyến bay VN1261 ra tới vị trí cất cánh tại đầu 17 đường băng sân bay Vinh thì cơ trưởng phát hiện các mảng bê tông nhựa bị bong bật ở đầu 17 đường băng.

Cảng hàng không Vinh xác định đầu 17 đường băng bị bong bật bê tông nhựa với diện tích khoảng 41,6m2 (rộng 5,2m, dài 8m).

Sự cố được ACV đánh giá là sự cố mức C (uy hiếp an toàn dẫn đến việc tạm thời đóng cửa sân bay) làm 21 chuyến bay bị hủy. Sân bay Vinh đóng cửa đường băng trong 24 tiếng để sửa chữa. Đến 7h ngày 4-7 sân bay Vinh khai thác trở lại sau khi sửa chữa xong đường băng.

ACV đã phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC rà soát lại toàn bộ hồ sơ, kiểm tra, đánh giá và báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không nguyên nhân sơ bộ ban đầu.

Theo ACV, sau khoảng 5 năm khai thác từ thời điểm duy tu (giai đoạn 1), lớp bê tông nhựa của đường băng sân bay Vinh đã có dấu hiệu xuống cấp. Lớp bê tông nhựa trên cùng có bề dày 7cm có dấu hiệu không liên kết đính bám với lớp bê tông nhựa bên dưới.

Kết hợp yếu tố bất lợi của thời tiết (nhiệt độ cao kỷ lục tại TP Vinh thời gian qua, nhiệt độ môi trường thường xuyên trên 40 độ C, nhiệt độ mặt đường băng cao nhất trong ngày có thể trên 50 độ C) làm giảm sức chịu tải của lớp mặt bê tông nhựa.

Các yếu tố trên kết hợp với việc vị trí hư hỏng nằm tại vị trí máy bay quay đầu và cất cánh (vị trí xung yếu, chịu lực kéo ngang và tải trọng lớn khi máy bay cất cánh) càng dễ gây hư hỏng, biến dạng và bong bật lớp bê tông nhựa bên trên.

Mặt khác, đồ án cải tạo kéo dài đường băng sân bay Vinh thực hiện năm 2023 tính toán kết cấu thay thế đảm bảo khai thác các loại máy bay với tần suất 9 lần cất, hạ cánh/ngày vào năm khai thác thứ 10. Nhưng thực tế sân bay Vinh đã khai thác trung bình 25-30 lần cất, hạ cánh/ngày khiến các hư hỏng trên đường băng phát triển nhanh hơn, giảm tuổi thọ công trình.

Trên cơ sở báo cáo của ACV, Cục Hàng không đã rà soát quá trình xây dựng và bảo trì đường băng sân bay Vinh. Theo đó, cục thống nhất với nội dung: hiện tại chỉ xác định được nguyên nhân ban đầu gây hư hỏng đường băng như ACV báo cáo.

Để làm rõ được các nguyên nhân hư hỏng đường băng sân bay Vinh, cần có đánh giá cụ thể, toàn diện bởi đơn vị có đủ kinh nghiệm, năng lực.

Qua rà soát của ACV, Cục Hàng không xét thấy hệ thống đường băng, đường lăn tại các sân bay (trừ sân bay Vân Đồn, Nội Bài và Tân Sơn Nhất mới đưa vào khai thác hoặc mới được làm lại) đều được xây dựng và đưa vào khai thác từ rất lâu, đã hết tuổi thọ thiết kế và đã xuất hiện tình trạng hư hỏng. 

Vì vậy cần phải được rà soát, đánh giá toàn diện để xây dựng kế hoạch, phương án sửa chữa lớn, nâng cấp nếu cần thiết.

Theo ACV, sân bay Vinh có một đường băng dài 2.400m, rộng 45m bằng bê tông nhựa được xây dựng từ những năm 1993-1994 và được tăng cường từ năm 2003. Đến nay mặt đường băng đã hư hỏng và lão hóa cần sửa chữa, cải tạo.

Tháng 3-2023, ACV đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải ưu tiên đầu tư nâng cấp đường băng sân bay Vinh với kinh phí hơn 598 tỉ đồng.

Sân bay Vinh hoạt động trở lại từ 7h sáng naySân bay Vinh hoạt động trở lại từ 7h sáng nay

Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc ban hành quyết định mở cửa khai thác trở lại sân bay Vinh từ 7h ngày 4-7 sau khi hoàn tất sửa chữa bong tróc bê tông nhựa mặt đường băng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên