26/12/2004 17:40 GMT+7

Nhà văn Khuất Quang Thụy và giải thưởng văn học của Bộ Quốc phòng

Theo Thể thao và Văn hóa
Theo Thể thao và Văn hóa

Lễ trao Giải thưởng văn học, nghệ thuật và báo chí đề tài Chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang lần thứ ba (1999-2004) vừa diễn ra sáng 25-12 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. Về văn học, tại giải lần này nhà văn Khuất Quang Thụy được trao giải nhất (thể loại văn xuôi) với tiểu thuyết Những bức tường lửa.

w6tDManm.jpgPhóng to
Tác phẩm đoạt giải A văn xuôi

Anh trò chuyện nhân sự kiện này.

* Từ Trong cơn gió lốc đến Những bức tường lửa, xem ra anh vẫn còn nhiều "duyên nợ" với đề tài chiến tranh?

- Gọi đó là "duyên nợ" cũng được mà gọi là máu thịt cũng đúng. Tôi trưởng thành trong quân đội, viết văn từ ngày ở chiến trường, và tự thấy những điều mình viết còn chưa nói được nhiều lắm về những ngày tôi và đồng đội đã sống, về những con người tôi đã gặp; những sự kiện tôi đã chứng kiến.

Giải văn học năm năm (1999 - 2004) của Bộ Quốc phòng

A. Văn xuôi:

1. Giải A: Khuất Quang Thụy, tiểu thuyết Những bức tường lửa.

2. Giải B:

- Nam Hà, tiểu thuyết Ngày rất dài.- Trần Văn Tuấn, tiểu thuyết Rừng thiêng nước trong.- Nguyễn Bảo, tập truyện Ảo ảnh.- Dương Duy Ngữ, tập truyện Mặc phúc xuyên.- Tô Đức Chiêu, tập truyện Lá bàng xanh.- Chu Lai, tiểu thuyết Khúc bi tráng cuối cùng.

3. Giải C:

- Bùi Thanh Minh, tiểu thuyết Bên sông Trà Lý.- Sương Nguyệt Minh, tập ký Trong cơn đại hồng thủy.- Xuân Càng, tiểu thuyết Gió thiêng.

B. Thơ:

1. Giải A: Nguyễn Đức Mậu (tập thơ Bầy chim lá mầu vàng).

2. Giải B:

- Trần Mạnh Hảo (trường ca Điện Biên Phủ).- Nguyễn Hữu Quý (trường ca Sinh ở cuối dòng sông).- Phạm Sĩ Sáu (trường ca Chia tay cửa rừng).

3. Giải C:

- Nguyễn Văn Hiếu (tập thơ Cánh buồm heo may).- Vương Trọng (trường ca Hơi thở rừng hồi).- Lê Văn Vọng (tập thơ Mía ngọt cho ai).- Mai Nam Thắng (trường ca Cổ tích làng cát).

C. Lý luận - Phê bình:

Không có giải A và giải C; giải B thuộc về Ngô Vĩnh Bình (tập tiểu luận Thơ và đời).

Ngoài ra còn có 4 tặng thưởng.

Tôi ấp ủ các ý tưởng trong Những bức tường lửa cũng đã lâu rồi, vì muốn đây sẽ là cuốn sách tâm huyết của tôi viết về thế hệ mình, cụ thể hơn là viết về lứa thanh niên đã "xếp bút nghiên lên đường ra trận", chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968.

Trong suy nghĩ của tôi, đây là lứa chiến sĩ khá đặc biệt. Tuy còn thiếu thốn về cuộc sống vật chất, nhưng ở miền Bắc, chúng tôi được học hành và trau dồi tri thức tử tế. Đến khi vào chiến trường, mỗi người đều phải vượt qua những "bức tường lửa" của chiến tranh, để từ đó trưởng thành. Rồi người hy sinh, người sống sót, và những người đủ bản lĩnh vượt qua được "những bức tường lửa" thì sau này hầu như đều "nên người".

Về thời gian, cuốn sách dừng lại ở năm 1968, và qua đó tôi muốn lý giải cái "cách" mà mỗi người lính đã phải nỗ lực vượt qua thử thách khốc liệt của chiến tranh như thế nào.

* Về mặt thể loại, Những bức tường lửa được xây dựng theo lối "cổ điển" hay đã chứa đựng những sáng tạo mới mà anh muốn thể nghiệm?

- Sáng tạo hay không, trước hết tùy thuộc vào sự thẩm định của người đọc. Về phần mình, tôi cố gắng "tự làm mới" ngòi bút của mình trên một vài phương diện tôi cảm thấy có thể làm được.

Với thủ pháp "thời gian đồng hiện", yếu tố thời gian trong Những bức tường lửa không vận hành theo lối tuyến tính, mà là sự đan cắt đa chiều. Nghệ thuật tiểu thuyết hiện đại cho phép làm điều đó nhưng để thực hiện thành công thì thật sự không dễ dàng, ít nhất cũng là ở hai yêu cầu: hiểu kỹ lưỡng về nhân vật trong sự vận động của nó và một bút pháp linh hoạt.

Tôi không biết mình đã thành công đến đâu nhưng một vài nhà văn có kinh nghiệm đọc xong đã nhận xét cuốn tiểu thuyết khá nhuyễn, những "lát cắt" thời gian và những "trục quay" đã vận hành khá trơn tru.

Cuốn sách được xuất bản xong, tĩnh trí đọc lại, tôi vẫn thấy chưa hài lòng ở một vài khía cạnh, nhận ra mình còn chưa thành công ở một vài đoạn vì có thể làm người đọc thấy nặng nề.

* Sau Những bức tường lửa, anh có dự kiến văn chương gì tiếp theo?

- Tôi coi Những bức tường lửa là sự khởi động lại cho chính tôi, đồng thời cố gắng đẩy mạch tư duy sáng tác vế chiến tranh của tôi sang một giai đoạn mới. Tôi nghĩ, có lẽ không bao giờ mình có thể thoát ra khỏi "từ trường" của chiến tranh. Đó là tuổi trẻ của tôi và đồng đội, là máu xương của hàng triệu người. Dự định văn chương thì nhiều, nhưng sức mình cũng chỉ có hạn. Viết và được mọi người chia sẻ, thế là mừng lắm rồi.

* Xin cảm on và chúc mừng anh!

Theo Thể thao và Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên