24/12/2023 08:24 GMT+7

Nhật Bản nới lỏng xuất khẩu vũ khí tân tiến có đáng lo?

Việc Nhật Bản cho phép bán các hệ thống phòng không tân tiến cho Mỹ là một sự thay đổi đáng kể trong chính sách thời hậu chiến. Đây cũng là động thái có thể giúp Washington hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Hệ thống đánh chặn tên lửa Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3) được triển khai tại Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: AFP

Hệ thống đánh chặn tên lửa Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3) được triển khai tại Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: AFP

Ngày 22-12, nội các Nhật Bản đã thông qua khoản chi tiêu quốc phòng tăng 16% cho năm sau, đồng thời nới lỏng các quy định nghiêm ngặt về chuyển giao trang thiết bị quốc phòng.

Tuy nhiên động thái này cũng gây bất ngờ với giới quan sát ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi Mỹ luôn coi Trung Quốc là một mối đe dọa.

Lần đầu xuất khẩu vũ khí sát thương

Đây là lần đầu tiên Nhật Bản nới lỏng quy định xuất khẩu vũ khí kể từ năm 2014, và là bước đi mới nhất trong chiến lược an ninh mới áp dụng cách đây một năm.

Thời gian qua, Tokyo đã tăng tốc triển khai tên lửa hành trình tầm xa có thể tấn công các mục tiêu ở Trung Quốc hoặc Triều Tiên. Quân đội Nhật Bản cũng đẩy mạnh hợp tác với các đồng minh và dần từ bỏ tính phòng thủ xưa nay.

Nhật Bản cho phép xuất khẩu vũ khí sản xuất trong nước đến những quốc gia cấp phép những vũ khí này nhằm tăng cường hợp tác và thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước.

"Khi thực hiện hành động này, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần bảo vệ một trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên luật pháp và đạt được hòa bình, ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Không có thay đổi nào đối với nguyên tắc của chúng tôi với tư cách là một quốc gia hòa bình", Thủ tướng Kishida Fumio giải thích.

Việc sửa đổi ba nguyên tắc xuất khẩu quốc phòng, được ban hành từ năm 2014, cũng sẽ cho phép Tokyo bán các bộ phận của vũ khí không gây sát thương như động cơ máy bay chiến đấu và cung cấp thiết bị quốc phòng cho các nước có xung đột.

Sau khi sửa đổi ba nguyên tắc, Nhật Bản đã nhanh chóng thông qua việc cung cấp cho Mỹ hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot 3 được sản xuất trong nước theo giấy phép của các công ty Mỹ Raytheon và Lockheed Martin.

Truyền thông Nhật đưa tin việc bán tên lửa Patriot 3 cho Mỹ sẽ là hoạt động xuất khẩu vũ khí sát thương đầu tiên của Nhật Bản kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai. Trước đó, một quan chức cấp cao của Đảng Dân chủ tự do (LDP) nói kế hoạch xuất khẩu là theo yêu cầu của Washington và điều này tiếp tục được nhắc tới trong các cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Kishida từ tháng 8-2023. Trong nhiều tháng, nó đã trở thành vấn đề tranh cãi giữa LDP và các đảng liên minh.

Các quan chức Mỹ cho biết bước tiến này sẽ giúp Nhật Bản tăng cường thế phòng thủ và nâng cao vị thế của họ với tư cách là nhà cung cấp an ninh khu vực. Việc nới lỏng các quy định xuất khẩu "là biểu tượng cho mong muốn của Nhật Bản trở thành đối tác quốc phòng toàn diện hơn với Mỹ" - ông Christopher Johnstone, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, nhận định.

Hầu hết các đánh giá đều cho thấy Nhật Bản không có đủ lực lượng phòng không để bảo vệ các căn cứ không quân của mình trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. Việc giảm bớt lượng dự trữ (vũ khí - PV) của họ sẽ gây ra rủi ro đáng kể.

Bà Jennifer Kavanagh (Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie) nhận xét về quyết định nới lỏng xuất khẩu quốc phòng của Nhật, gọi đây là một “quyết định thiển cận” của cả Nhật và Mỹ.

Tên lửa cho Ukraine, lo lắng cho châu Á

Patriot 3, trị giá hơn 4 triệu USD mỗi hệ thống, là một trong những loại vũ khí tối tân nhất được phương Tây cung cấp cho Ukraine. Động thái của Nhật Bản sẽ giúp Mỹ bổ sung vào kho vũ khí đã bị hao hụt sau một thời gian dài hỗ trợ Kiev. Ukraine đang sử dụng hệ thống này để đánh chặn các tên lửa đạn đạo của Nga nhưng vẫn không đủ để chống chọi với các đợt tấn công từ Matxcơva.

Tuy nhiên nhu cầu về hệ thống Patriot đã tăng cao trên khắp Đông Âu, trong khi cuộc xung đột Israel - Hamas càng làm nguồn cung thêm căng thẳng. Ngoài ra, làn sóng tấn công nhằm vào quân đội Mỹ ở Trung Đông đã khiến Lầu Năm Góc phải tăng cường phòng không ở khu vực, bao gồm cả lực lượng vận hành Patriot.

Việc Nhật Bản nới lỏng xuất khẩu giúp Mỹ linh hoạt hơn trong việc chuyển các vũ khí vốn dành cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đến Ukraine. Tuy nhiên động thái này gây kinh ngạc với nhiều chuyên gia chuyên theo dõi tình hình khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Một số bày tỏ lo ngại về việc đưa vũ khí ra khỏi khu vực này khi mà Tổng thống Mỹ Biden vẫn luôn nhấn mạnh Trung Quốc là nguy cơ ngày càng tăng tại đây. Theo giới phân tích, nó có thể được hiểu là chính quyền ông Biden không quá lo ngại về căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Loan.

Ông Elbridge Colby, cựu phó trợ lý bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, cho rằng chính quyền ông Kishida "đã phạm sai lầm cơ bản khi đi theo ưu tiên của chính quyền ông Biden đối với châu Âu".

"Chúng ta (Mỹ) đã gửi những loại vũ khí mà chúng ta không thể thay thế kịp", ông Colby nói trên tờ Nikkei và cho rằng Tokyo nên ưu tiên khu vực châu Á.

Tờ Financial Times đưa tin Nhật Bản cũng đang xem xét xuất khẩu đạn pháo 155mm được sản xuất theo giấy phép của Công ty BAE Systems sang Anh, một kế hoạch cũng nhằm hỗ trợ Kiev.

Lo ngại Trung Quốc, Nhật Bản đề xuất ngân sách quốc phòng cao nhất lịch sửLo ngại Trung Quốc, Nhật Bản đề xuất ngân sách quốc phòng cao nhất lịch sử

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề xuất 7.740 tỉ yen (53 tỉ USD) cho ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2024 - 2025.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên