26/02/2022 16:21 GMT+7

Nhiều người rút BHXH một lần mà không chờ đến tuổi hưu, vì sao?

NGUYỄN ĐƯỚC
NGUYỄN ĐƯỚC

TTO - Câu chuyện làm ăn đầu năm xung quanh chúng tôi thật không vui khi nhiều người cho biết đang chuẩn bị xin nghỉ việc sớm, rời hệ thống bảo hiểm xã hội, từ chối quyền lợi an sinh xã hội sau tuổi hưu.

Nhiều người rút BHXH một lần mà không chờ đến tuổi hưu, vì sao? - Ảnh 1.

Công nhân một công ty ở Bình Dương trong công đoạn may túi xách xuất qua thị trường Mỹ trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh: T.T.D.

Thực tế là số người nghỉ việc có nguyện vọng rút tiền một lần vẫn đang tăng, không chỉ vì dịch giã.

Một người bạn của tôi cho biết năm nay anh sẽ nghỉ việc ở doanh nghiệp và về quê sau gần 20 năm làm việc tại TP.HCM. Với số tiền nhận được sau gần 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), anh sẽ buôn bán nhỏ để sinh sống. 

Một anh bạn đồng nghiệp của tôi hiện đang làm phòng tổ chức lao động tiền lương cũng đang có dự tính sẽ nghỉ việc, nhận tiền BHXH anh sẽ mở một cửa hàng kinh doanh thức uống dinh dưỡng. Nghĩ đến lúc 62 tuổi, được nghỉ hưu, anh phải chờ đến năm 2045! Sau này việc kinh doanh thuận lợi, có thể anh sẽ tham gia BHXH tự nguyện cũng không muộn, anh cho biết.

Theo thống kê của cơ quan BHXH trong năm 2021, số lượng người lao động nghỉ việc sau đó làm thủ tục nhận trợ cấp BHXH một lần lên đến con số hơn 700.000 người, cao hơn năm trước (năm 2020) hơn 5%. Do mất việc và khó khăn vì đại dịch đã đành, do có hướng làm ăn khác tốt hơn cũng là một lựa chọn. 

Nhưng cũng có thể thấy rằng có một bộ phận không nhỏ người lao động có tâm lý "cứ cầm tiền của mình trước đã" hoặc chỉ thấy cái lợi, cái cần trước mắt mà quên đi cái ích lợi lâu dài hơn.

Cũng có nhiều người lao động am hiểu về những quy định của pháp luật, về các chế độ chính sách, chế độ hưu trí... nhưng họ chấp nhận rời bỏ quyền lợi từ hệ thống an sinh xã hội, quyết không chờ đến tuổi. 

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do cuộc sống quá khó khăn, cần đồng tiền chi tiêu trước mắt hoặc khó có thể tiếp tục tham gia BHXH trong hàng chục năm nữa để hưởng chế độ hưu trí. Nhận trợ cấp BHXH chịu rất nhiều thiệt thòi, nhất là khi về già, hết tuổi lao động, không còn sức khỏe, không lương hưu, không được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí...

Cần thiết xem xét, sửa đổi, bổ sung những chính sách, quy định của pháp luật kịp thời để có thể khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian tham gia BHXH sau khi nghỉ việc hoặc tham gia BHXH tự nguyện nếu có khả năng tài chính, đặc biệt là đối với đối tượng là người lao động đã có thời gian tham gia BHXH trên chục năm.

Việc xem xét, kéo giảm thời gian tham gia BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm là đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu trí khi đã đủ tuổi theo quy định như dự thảo mới đây cũng có thể nói là điều mong mỏi của hàng triệu người lao động, để "níu kéo", "giữ chân" người lao động "trụ lại" hệ thống an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, nên chăng cần xem xét, tổng kết và đánh giá lại việc tăng tuổi nghỉ hưu theo luật hiện nay có thật sự phù hợp với nguyện vọng của người lao động hay chưa, đặc biệt là đối với người lao động làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm. 

Rất cần xem xét, sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật lao động, trong đó việc áp dụng tuổi nghỉ hưu ở trong mỗi cơ quan, ban ngành, chức danh nghề là nên khác nhau bởi tính đặc thù.

Cũng cần nói thêm rằng, đối với người lao động đã có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm, 15 năm hoặc dưới 20 sau khi nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động, để "giữ chân" họ "trụ lại" hệ thống an sinh xã hội, để người lao động bảo lưu thời gian tham gia BHXH thì cũng rất cần có những chính sách nhân văn, chính sách hỗ trợ phù hợp. 

Chẳng hạn như hỗ trợ vay vốn từ các cơ quan ban ngành khác nhau như Ngân hàng Chính sách xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan BHXH... (nếu bản thân họ có nguyện vọng, khó khăn).

Ông Mai Đức Chính (nguyên phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam):

"Siết" quy định, thêm chính sách trợ giúp khó khăn

Hiện nay người lao động nghỉ việc sau một năm vẫn chưa có việc làm mới sẽ được rút BHXH một lần. Cần tăng thời gian này lên thành 2 - 3 năm. Với những người lao động thu nhập thấp, khi gặp khó khăn nếu không rút BHXH một lần thì họ phải vay tín dụng "đen".

Do đó, cần có những tổ chức tài chính hỗ trợ người lao động mất việc có thể vay vốn không lãi hoặc lãi suất thấp. Chúng ta có thể lấy mô hình của Quỹ CEP, nay là Tổ chức tài chính vi mô CEP, cho người nghèo vay vốn nhỏ với lãi suất thấp tại TP.HCM làm mô hình mẫu. Nhà nước có thể hỗ trợ nguồn vốn, phân chia cho các liên đoàn các tỉnh thành để nhân rộng mô hình của CEP để cho người lao động vay không lãi.

Người lao động khó khăn khi mất việc hoặc về quê có thể vay để buôn bán nhỏ hoặc giải quyết các khó khăn cần kíp trước mắt như đóng học phí cho con... thay vì rút BHXH một lần. Thực tế họ có thể chỉ cần vốn 20 - 30 triệu đồng nhưng vay CEP sẽ khác, vay tín dụng "đen" sẽ khác.

VŨ THỦY ghi

Nghiêm, chặt nhưng chưa đủ

Việc xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục nhận trợ cấp BHXH một lần đối với người lao động theo hướng "nghiêm ngặt", chặt chẽ hơn là việc cần nhưng chưa đủ để có thể hạn chế đến mức thấp nhất người lao động làm thủ tục nhận trợ cấp BHXH một lần.

Cần nghiên cứu thấu đáo hơn để không làm ảnh hưởng đến quyền đóng và quyền thụ hưởng của người lao động. Đó là chưa kể những quy định hạn chế so với trước đôi khi gây ra những bất an cho những người đang đóng BHXH.

Cứ nghỉ việc là rút BHXH một lần, rồi sau đó? Cứ nghỉ việc là rút BHXH một lần, rồi sau đó?

TTO - Không phải lý do dịch bệnh, lâu nay nhiều người xem khoản tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là khoản tiền để dành để rút ra mỗi khi nghỉ việc.

NGUYỄN ĐƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên