18/09/2023 18:35 GMT+7

Nhiều quy định mới liên quan đến lao động nước ngoài

Lao động nước ngoài không bắt buộc phải có bằng cấp đúng chuyên ngành trước thời gian làm việc tại Việt Nam, có thể làm việc nhiều địa điểm...

Chuyên gia người nước ngoài trao đổi về yêu cầu với lao động kỹ thuật tại một doanh nghiệp Trung Quốc ở tỉnh Bắc Ninh - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Chuyên gia người nước ngoài trao đổi về yêu cầu với lao động kỹ thuật tại một doanh nghiệp Trung Quốc ở tỉnh Bắc Ninh - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Ngày 18-9, Chính phủ ban hành nghị định 70/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 152/2020 về tuyển dụng, quản lý lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam.

Nhiều thuận lợi cho lao động nước ngoài

Theo đó, chuyên gia nước ngoài được xác định là người tốt nghiệp đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất ba năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí dự kiến ở Việt Nam. So với trước, không còn quy định bằng đại học đúng chuyên ngành dự kiến làm việc.

Trong khi đó, lao động kỹ thuật người nước ngoài chỉ cần được đào tạo một năm trở lên và có ít nhất ba năm kinh nghiệm phù hợp với vị trí dự kiến làm tại Việt Nam thay vì phải đúng chuyên ngành như nghị định 152/2020.

Bên cạnh đó, từ ngày 1-1-2024, việc thông báo tuyển lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người nước ngoài phải trong ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến báo cáo giải trình với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc sở lao động - thương binh và xã hội.

Việc khai báo thực hiện trên cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm) hoặc cổng thông tin điện tử của trung tâm dịch vụ việc làm do chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định.

Nội dung tuyển dụng gồm vị trí, chức danh, mô tả công việc, số lượng, yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm, mức lương, thời gian và địa điểm làm việc.

"Sau khi không tuyển được người lao động Việt Nam vào các vị trí tuyển dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài theo quy định", nghị định nêu rõ.

Trường hợp lao động nước ngoài làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều địa điểm thì trong văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động phải liệt kê đầy đủ các địa điểm làm việc.

Thống nhất cấp phép lao động nước ngoài

Theo nghị định 70/2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về tuyển dụng, quản lý lao động nước ngoài trên cả nước cũng như quản lý người Việt làm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Đồng thời, nghị định này bãi bỏ nội dung "cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép lao động và xác nhận lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế" tại nghị định 35/2022 ngày 28-5-2022. 

Như vậy, sở lao động - thương binh và xã hội sẽ thống nhất quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vào tháng 8-2023. 

Về lâu dài, quy định này sẽ thu gọn đầu mối cấp phép, đẩy mạnh phân cấp phân quyền và thống nhất quản lý nhà nước.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 18-9-2023.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hết năm 2022, có gần 120.000 lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam và đến từ trên 110 quốc gia. So với năm 2021, số này tăng gần 20%. Trong đó, lao động quốc tịch Trung Quốc chiếm 30,9%, Hàn Quốc 18,3%, Đài Loan (Trung Quốc) 12,9%, Nhật Bản 9,5%. Còn lại là lao động từ các quốc gia khác.
Đề xuất Chính phủ hai phương án cấp phép lao động cho người nước ngoàiĐề xuất Chính phủ hai phương án cấp phép lao động cho người nước ngoài

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án cấp phép lao động cho người nước ngoài.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên