09/10/2023 19:31 GMT+7

Nhiều vụ giả danh quân nhân, đơn vị quân đội để lừa đảo ở Đồng Nai

Từ tháng 7 đến nay, Đồng Nai ghi nhận 12 vụ mạo danh, giả danh cán bộ quân đội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai trao đổi thông tin nâng cao cảnh giác trước việc mạo danh, giả danh cán bộ quân đội để lừa đảo - Ảnh: AN BÌNH

Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai trao đổi thông tin nâng cao cảnh giác trước việc mạo danh, giả danh cán bộ quân đội để lừa đảo - Ảnh: AN BÌNH

Chiều 9-10, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị trao đổi thông tin về tình trạng mạo danh, giả danh quân nhân, cơ quan, đơn vị trong quân đội để lừa đảo.

Theo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai, thời gian qua trên địa bàn xuất hiện việc một số kẻ gian liên hệ các cơ sở kinh doanh, tự xưng cán bộ đang công tác tại cơ quan quân đội để đặt tiệc, mua cây giống, phân bón…

Song song đó, kẻ gian còn kết hợp mua thêm quà tặng, hàng hóa có giá trị nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Điều này không chỉ gây phức tạp tình hình an ninh trật tự mà còn ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang.

Cũng theo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai, qua ghi nhận từ tháng 7 đến nay, trên địa bàn phát hiện 12 vụ mạo danh, giả danh cán bộ quân đội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Bước đầu cơ quan chức năng xác định hai thủ đoạn lừa đảo phổ biến.

Đầu tiên là sử dụng điện thoại di động hoặc tài khoản mạng xã hội tự giới thiệu là cán bộ quân đội, đang là chỉ huy, quản lý quân nhân. Sau đó, chúng liên hệ với gia đình quân nhân đưa thông tin con, em của họ gây thiệt hại tài sản đơn vị, đang trong quá trình xem xét kỷ luật.

Nếu gia đình chuyển tiền đền bù thiệt hại thì đơn vị sẽ bỏ qua lỗi vi phạm, ngược lại con em của họ sẽ bị khởi tố, xử lý theo pháp luật. Từ đó tạo tâm lý hoang mang, lo sợ, nhằm dẫn dụ gia đình quân nhân chuyển tiền vào số tài khoản của kẻ gian để chiếm đoạt.

Thứ hai là sử dụng số điện thoại, tài khoản Zalo gọi điện, nhắn tin đến các nhà hàng, dịch vụ nấu ăn, cơ sở bán phân bón, cây giống… Để tạo niềm tin, tài khoản có đăng hình quân nhân mặc quân phục, đồng thời gửi địa chỉ chính xác của cơ quan công an.

Tiếp đó, chúng đặt mua thêm quà tặng, hàng hóa có giá trị làm quà biếu; các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà các mặt hàng này không phổ biến. Khi "con mồi" không tìm được nguồn hàng theo yêu cầu, kẻ lừa đảo sẽ hướng dẫn liên hệ với nguồn cung, song thực chất đây người trong nhóm lừa đảo.

Sau khi chuyển tiền cọc qua số tài khoản của những kẻ này thì chúng chặn liên lạc và chiếm đoạt số tiền hàng chục đến hàng trăm triệu đồng của người dân.

Để ngăn chặn tình trạng trên, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai cảnh báo người dân, cơ quan, đơn vị khi nhận được cuộc gọi từ người tự xưng quân nhân để trao đổi thông tin, đặt tiệc, mua hàng hóa… cần xác minh kỹ trước khi giao dịch. Trường hợp thấy nghi vấn cần báo ngay cho cơ quan quân sự, công an gần nhất để được hướng dẫn giải quyết kịp thời.

Đối với trường hợp tự xưng "chỉ huy, quản lý" của con, em gia đình đang công tác trong quân đội thông báo tình hình có liên quan đến vi phạm pháp luật, kỷ luật, đề nghị chuyển tiền đền bù thiệt hại…, người dân cần cảnh giác, liên hệ đơn vị nơi con em đang công tác để xác minh.

Ngoài ra, đối với những người mặc quân phục, gợi ý có khả năng xin việc, lo cho đi học, biên chế quân đội… người dân cần cẩn trọng, kịp thời trao đổi với cơ quan quân đội hoặc công an gần nhất để thông báo và giải quyết.

Vụ mạo danh Bệnh viện Chợ Rẫy dụ các cặp hiếm muộn, Bệnh viện An Sinh nói gì?Vụ mạo danh Bệnh viện Chợ Rẫy dụ các cặp hiếm muộn, Bệnh viện An Sinh nói gì?

Bệnh viện An Sinh khẳng định không có chủ trương mạo danh bất cứ một bệnh viện nào vì bệnh nhân đến khám hiếm muộn tại bệnh viện rất đông, có khi còn quá tải.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên