15/12/2013 15:22 GMT+7

"Nhịp điệu lô xô" đã biến mất khỏi Hà Nội

THU HUỆ
THU HUỆ

TTO - Không chỉ là một dịp ra mắt sách với độc giả TP.HCM, cuộc gặp gỡ giao lưu với tác giả Nguyễn Trương Quý sáng nay (15-12) tại Trường ĐH Hoa Sen đã trở thành một buổi trò chuyện lan man về Hà Nội, về Sài Gòn, về những người trẻ…

Nhà văn Nguyễn Trương Quý:

Là một tác giả có nhiều cuốn tản văn viết về Hà Nội như Tự nhiên như người Hà Nội (2004), Ăn phở rất khó thấy ngon (2008), Hà Nội là Hà Nội (2010), Xe máy tiếu ngạo (2012), Nguyễn Trương Quý đã chia sẻ những suy nghĩ của anh về Hà Nội: Hà Nội của một sự vận động và thay đổi.

Ở Hà Nội không phải người Hà Nội mà chỉ có người sống ở Hà Nội. Với cái nhìn cư trú như vậy nên dường như không phát huy được đặc tính để làm nên một Hà Nội đặc biệt. Các đô thị lớn đều có những vấn đề của nó nhưng dường như mọi người kỳ vọng Hà Nội ở một giá trị đặc biệt của đất nước. Và hành trình tìm kiếm một Hà Nội đã mất, một Hà Nội đang tồn tại là một hành trình không bao giờ chấm dứt đối với anh.

Đây là lần đầu tiên tác giả người Hà Nội chuyên viết về Hà Nội Nguyễn Trương Quý có buổi ra mắt sách và gặp gỡ độc giả của mình tại TP.HCM.

Ngoài một số tản văn đã xuất bản trước đó, dịp này anh giới thiệu 2 tác phẩm mới gồm Còn ai hát về Hà Nội - cuốn sách mang tính khảo cứu về những bài hát viết về Hà Nội, lịch sử âm nhạc gắn với Hà Nội và tập truyện đầu tiên Dưới cột đèn rót một ấm trà, gồm 14 truyện ngắn và 1 truyện vừa với những câu chuyện về những người trẻ.

Nguyễn Trương Quý còn trăn trở về câu chuyện một Hà Nội với “nhịp điệu lô xô” của những mái ngói nâu trong tranh của Bùi Xuân Phái hay trong thơ của Phan Vũ đã biến mất, khi giờ đây nếu đứng trên một tòa nhà cao tầng nào đó nhìn xuống Hà Nội chỉ thấy mái tôn và thùng inox.

Tác giả của những cuốn tản văn viết về Hà Nội còn trăn trở câu chuyện trong lòng Hà Nội về “các giá trị cũ đã phôi pha mà các giá trị mới chưa kịp thay thế và định hình”, trăn trở về một lớp trẻ “thừa tinh tế nhưng thiếu can đảm, không quyết liệt…”.

Trong buổi giao lưu, nhiều độc giả cũng chia sẻ những cái nhìn về Hà Nội nói chung và Hà Nội trong văn của Trương Quý nói riêng.

Đạo diễn Việt Linh nói rằng rất thích Hà Nội trong cái nhìn “giống như một mối tình đã chia ly nhưng vẫn còn nhiều lưu luyến” mà chị đã bắt gặp ở cách viết về Hà Nội trong văn của Đỗ Phấn và Trương Quý: “Thích những tản văn của Quý vì trước hết Quý viết ra với mục đích đầu tiên là viết cho mình, thỏa mãn cho chính mình”.

Nhà văn Nguyễn Trí thì cho rằng Hà Nội trong văn của Nguyễn Trương Quý rất chân thành, chân tình. Văn của Quý dễ đọc, “dễ nuốt”…

Trong khi đó nhà báo Lê Hồng Lâm chia sẻ: “Quý là một tâm hồn đẹp của Hà Nội. Cái nhìn của Quý trong các tản văn vừa tự trào vừa hóm hỉnh. Đọc văn của Quý rất hoạt, rất vui và hấp dẫn về câu chữ…”.

TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu - người dẫn chuyện trong buổi giao lưu của Nguyễn Trương Quý - khẳng định những câu chuyện, những tản văn của Nguyễn Trương Quý không chỉ là văn học mà còn là một vấn đề hết sức quan tâm đó chính là vấn đề đô thị và thị dân. Gần đây dòng văn học viết về đô thị và thị dân không nhiều và Nguyễn Trương Quý còn tâm huyết về vấn đề này là điều thật đáng quý.

uYwijSWD.jpgPhóng to
Tác giả Nguyễn Trương Quý lần đầu tiên có buổi giao lưu với độc giả TP.HCM - Ảnh: Thu Huệ
bilNwiQv.jpgPhóng to
Nguyễn Trương Quý ký tặng sách cho bạn đọc tại buổi giao lưu sáng nay (15-12) - Ảnh: Thu Huệ
THU HUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên