28/05/2015 11:17 GMT+7

Thu hồi đồ điện tử, xe máy thải bỏ có khả thi?

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TT -Thu hồi sản phẩm thải có khả thi, khi những sản phẩm thải bỏ ở VN được bán cho người mua phế liệu ?

Trao đổi mua bán điện thoại cũ tại chợ Nhật Tảo, Q.10, TP.HCM chiều 27-5 - Ảnh: Quang Định
Trao đổi mua bán điện thoại cũ tại chợ Nhật Tảo, Q.10, TP.HCM chiều 27-5 - Ảnh: Quang Định

Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh quyết định về việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 (Tuổi Trẻ 27-5 ), ông Hoàng Dương Tùng - phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) - khẳng định quyết định này hướng tới mục đích mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất đối với những sản phẩm của mình sản xuất ra. 

Theo ông Tùng, đây không phải là quy định của riêng Việt Nam, mà trên thế giới nhiều nước cũng có quy định nhà sản xuất phải tổ chức thu hồi, xử lý các sản phẩm thải bỏ. “Người ta muốn anh sản xuất ra một sản phẩm nào đó thì anh phải có trách nhiệm đến cùng, chứ không phải cứ sản xuất ra rồi đến khi người khác dùng và thải bỏ thì anh không có trách nhiệm gì. Đây là quy định áp dụng song song với các quy định về xử lý các chất thải nguy hại” - ông Tùng nói.

Trả lời về tính khả thi của quy định, ông Tùng cho biết ngay khi xây dựng quyết định, Bộ TN-MT đã tổ chức lấy ý kiến các bên, đối tượng chịu tác động và có tính đến yếu tố khả thi trong thực tế. “Dự thảo cũng đã lấy ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất đồ điện tử, hiệp hội các nhà sản xuất xe máy, ôtô... và đều được ủng hộ. Thậm chí khi mình đề cập nội dung này, họ cũng thấy quen thuộc chứ không phải là quy định gì mới bởi nhiều nước khác đã làm rồi” - ông Tùng cho biết.

Tuy nhiên, có những sản phẩm thải bỏ ở VN được bán cho người mua phế liệu. Do đó, ban đầu trong triển khai mới yêu cầu các nhà sản xuất thu hồi, xử lý các sản phẩm thải bỏ ở tỉ lệ nhất định. Ví như nhà sản xuất bán ra 100 sản phẩm, những năm đầu tiên phải xác định tỉ lệ thu hồi 10 sản phẩm, những năm sau có thể cao hơn.

Trả lời câu hỏi khi ôtô hết hạn sử dụng, người dân vẫn có thể dùng, làm sao để nhà sản xuất thu hồi, ông Tùng cho rằng phải hiểu rõ khái niệm thế nào là sản phẩm thải bỏ, đó là sản phẩm mà người sử dụng đã bỏ đi.

“Ở mình có nhiều sản phẩm còn tận dụng để dùng, nhưng đến khi người sử dụng có ý định thải bỏ đi, nhà sản xuất phải có hệ thống tiếp nhận. Ở các nước, nhà sản xuất phải có trách nhiệm thu hồi, xử lý sản phẩm mà người tiêu dùng thải bỏ” - ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, quyết định mới ban hành đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, đã sửa những điểm không khả thi, có lộ trình cho các nhà sản xuất, và khi các nhà sản xuất thực hiện thu hồi sản phẩm thải bỏ cũng được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ.

“Các nhà sản xuất cũng không có ý kiến về lộ trình thực hiện của quyết định này. Tôi nghĩ các nhà sản xuất có đủ thời gian để xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện việc tổ chức thu hồi, xử lý các sản phẩm thải bỏ nếu họ nghiêm túc thực hiện” - ông Tùng nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về chính sách mới yêu cầu nhà sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối phải có biện pháp thu hồi sản phẩm thải bỏ với ôtô, xe máy, săm lốp, dầu nhớt, ông Nguyễn Văn Dũng, giám đốc chi nhánh Công ty CP Liên Á quốc tế - đơn vị phân phối xe Audi, cho biết hiện doanh nghiệp đang phải thực hiện ký hợp đồng để thu hồi đối với các sản phẩm thải như dầu nhớt, nhưng yêu cầu phải thu hồi cả ôtô thải bỏ là chính sách mới. Theo ông Dũng, các nước thường có tổ chức riêng để làm.

Ở VN, việc yêu cầu phải thu hồi xe và các sản phẩm thải bỏ sẽ khó có thể thực hiện. Bởi xe đã bán đi là thuộc quyền sở hữu và quyết định của chủ xe. Họ có đem đến cơ sở thu hồi không là quyền của chủ xe. Do những sản phẩm, ngay cả xe hết hạn sử dụng vẫn có thể bán được, nên ông Dũng cho rằng “chính sách yêu cầu thu hồi với sản phẩm ôtô chắc không thực hiện được trên thực tế”.

C.V.KÌNH

Quan trọng là cách thực hiện

Ông Đặng Thanh Phong, phụ trách truyền thông Công ty CP Thế Giới Di Động, cho biết hệ thống phân phối thegioididong.com và Điện Máy Xanh trực thuộc công ty sẽ thực hiện đầy đủ các quy định về việc thu hồi sản phẩm thải loại đối với các sản phẩm mà doanh nghiệp này đang phân phối hiện nay. 

“Chúng tôi sẽ phối hợp tối đa với các nhà sản xuất để thực hiện quyết định này theo hướng thuận tiện, an toàn và có lợi nhất cho người tiêu dùng, dù thực tế các sản phẩm điện tử gia dụng nói chung hầu hết đều không ghi hạn sử dụng” - ông Phong khẳng định.

Tuy nhiên theo ông Phong, việc quy định từng chủng loại, model sản phẩm trong diện buộc thu hồi, xử lý thải bỏ cần được cơ quan hữu trách nhanh chóng ban hành. Nếu không, công tác tuyên truyền để người tiêu dùng tự nguyện thực hiện việc chuyển giao các sản phẩm thải bỏ sẽ khó thực hiện.

Trong khi đó, ông Hồ Quỳnh Hưng - tổng giám đốc Công ty CP bóng đèn Điện Quang - cho biết doanh nghiệp này đã chủ động lập kế hoạch triển khai thu hồi các loại bóng đèn huỳnh quang, đèn compact thải bỏ theo quy định cũng như khắc phục tình trạng thu gom, tái chế manh mún, có thể gây tác động xấu đến môi trường. 

“Chúng tôi đã thành lập nhóm phụ trách chuyên môn về công tác thu gom, xử lý sản phẩm thải bỏ trên thị trường. Nhóm này đã tìm hiểu về thực trạng thu gom, xử lý sản phẩm thải bỏ hiện nay ở trong nước, thói quen và hành vi của người tiêu dùng khi thải bỏ sản phẩm đèn huỳnh quang sau sử dụng” - ông Hưng nói.

Thực tế cho thấy sau một thời gian sử dụng, đèn huỳnh quang thường được người dân thải bỏ chung với các loại rác thải sinh hoạt thông thường. Còn hầu hết cơ sở phân phối bóng đèn hiện nay là các cửa hàng, đại lý nhỏ, với nhiều sản phẩm đa dạng như bóng đèn, pin, ăcquy, thiết bị điện... của nhiều nhà sản xuất khác nhau nên rất khó yêu cầu họ tiếp nhận, thu hồi, phân loại, bảo quản các sản phẩm thải bỏ của từng nhà cung ứng đáp ứng đầy đủ các điều kiện kỹ thuật về điểm thu hồi.

Trong khi chờ thông tư hướng dẫn, doanh nghiệp này đã tiến hành thu thập danh sách các cơ sở có chức năng xử lý tái chế đèn huỳnh quang thải bỏ trên địa bàn các tỉnh, thành phố và dự kiến thiết lập các điểm thu gom sản phẩm thải bỏ tập trung. “Sắp tới, công ty sẽ công bố thông tin cho khách hàng về các điểm thu gom sản phẩm thải bỏ tập trung trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết. Đồng thời lập báo cáo gửi về Tổng cục Môi trường đăng ký việc thu gom, xử lý tái chế sản phẩm thải bỏ theo quy định” - ông Hưng cam kết.

Ông Nguyễn Văn Đạo, phó tổng giám đốc Công ty điện tử Samsung Vina, cũng cho rằng với quyết định vừa ban hành, “tất cả sản phẩm của Samsung lưu hành tại VN nếu thuộc diện cần thu hồi thải bỏ, chắc chắn sẽ được tập đoàn thực thi nghiêm túc theo đúng quy định của nước sở tại”. Hiện Samsung Vina cũng đang chờ các văn bản hướng dẫn chi tiết cho quy trình thực hiện việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ và cam kết “sẽ triển khai ngay, trên tinh thần thuận tiện và hiệu quả nhất đối với người tiêu dùng”.

TRẦN VŨ NGHI

Từ ngày 1-7-2016 sẽ thu hồi và xử lý một số sản phẩm thiết bị điện, điện tử thải bỏ như bóng đèn compact, bóng đèn huỳnh quang, máy vi tính (để bàn, xách tay), màn hình máy vi tính, CPU máy tính, máy chụp ảnh, máy quay phim, điện thoại di động, máy tính bảng... 

Với phương tiện giao thông là môtô, xe máy các loại, ôtô các loại thải bỏ sẽ bị thu hồi và xử lý từ ngày 1-1-2018.

TTO

 

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên