19/05/2014 15:31 GMT+7

Nhớ mãi thời sinh viên xem World Cup

THANH BÌNH
THANH BÌNH

TTO - Lại sắp bắt đầu một vòng chung kết bóng đá thế giới. Đây cũng là kỳ World Cup thứ 7 tôi được xem truyền hình trực tiếp (THTT). Với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và bùng nổ kỹ thuật truyền hình, người ta vẫn có thể theo dõi trận đấu ngay cả khi đang ngồi trên ôtô.

Thế nhưng, tôi luôn nhớ những đêm trắng ở ký túc xá (KTX) sinh viên, mỗi lần trái bóng World Cup hay Euro bắt đầu lăn.

Để đón World Cup 1990 diễn ra ở Ý, lứa sinh viên trường Đại học Tổng hợp (nay là KHXH & NV) TP.HCM chúng tôi, hầu hết đều đăng ký thi học kỳ 2 ngay trong đợt 1 (ngày ấy trường đã áp dụng cách thi nhiều đợt).

Thay vì về quê nghỉ hè thì chúng tôi nán lại KTX xem bóng đá. Bởi lẽ ở quê nhà điều kiện chưa bằng nơi đây. Vậy nên, ban ngày mạnh ai nấy đi tìm việc làm để có tiền cầm cự thêm một tháng chữa căn bệnh...ghiền. "Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch", nhưng tối đến không bỏ sót trận đấu nào. 

KTX Thủ Đức hồi ấy là nơi trú ngụ của sinh viên ba trường đại học: Tổng hợp, Nông lâm và Sư phạm kỹ thuật. Hai chiếc tivi 21 inch trở nên quá khiêm tốn so với gần 1.500 "tín đồ" túc cầu giáo. Thế mới có chuyện các trận đấu diễn ra vào 0g hoặc 3g, nhưng trước đó hai tiếng đã có nhiều fan tranh thủ đến "xếp hàng" kẻo hết chỗ. Đêm nào đá hai trận thì xem xong trận đầu ngả lưng tại chỗ, lấy sức "chiến đấu" tiếp. Các quán cà phê gần đấy cũng đều có tivi, nhưng chẳng mấy ai vào xem vì tốn tiền và không thể sánh bằng ở KTX về sự cuồng nhiệt.

Có nhiều đôi trai gái, lúc đầu "nàng" chẳng mấy quan tâm đến bóng đá. Nhưng thấy "chàng" mê World Cup hơn mê mình nên chị em cũng dần "lây" theo, vì lo bị...mất người yêu. Do vậy, càng vào giai đoạn cuối của giải, lại càng xuất hiện nhiều khán giả nữ. Đáng khâm phục ở chỗ tuy là "người đến sau", nhưng sự phấn khích có khi còn vượt trội phái mày râu. Có fan nữ thuộc hết tên cầu thủ Ý vì cầu thủ Ý quá...đẹp trai. Chỉ đến trận chung kết, khi đội bóng của thần tượng Diego Maradona gục ngã trước cỗ xe tăng Đức, những giọt nước mắt của phái đẹp mới lăn. 

Xem bóng đá lúc bấy giờ, không thể nào quên những đêm háo hức chờ đợi, song lại lủi thủi ra về vì đài truyền hình TP.HCM không nhận được tín hiệu trận đấu. Số là thời đó chúng ta chưa mua được bản quyền THTT, mà phải xin sóng từ Liên Xô (cũ), "chuyển tiếp" qua đài Hoa Sen. Nhưng khổ nỗi, các CĐV VN chỉ được xem trơn tru ở vòng đấu bảng. Vì chẳng may năm ấy "người anh" (Liên Xô) sớm rơi đài, không được vào vòng nốc ao nên "buồn tình" mà giảm bớt nguồn cung cấp. Có nhiều đêm chúng tôi đang xem World Cup hào hứng, bỗng truyền hình bị ngắt một cái "rụp" cho đến sáng, khiến bao dân ghiền...tức anh ách.

Khó khăn là vậy, nhưng đam mê không hề giảm sút. Nhiều anh đến trễ, không có chỗ ngồi phải tìm nhà dân đứng ngoài xem "ké". Chủ nhà biết là sinh viên nên mở cửa mời vô, lúc về còn dặn hôm sau cứ đến xem tự nhiên. Nhờ vậy, tình cảm "dân - sinh" thêm thắt chặt. Đến năm thứ hai, chúng tôi phải "dời đô" về Q.1 học, lúc chia tay cứ lưu luyến như thể đi xa lắm.

Giờ đây, ngồi trước màn hình tivi Led 42 inch với nhiều tính năng hiện đại, tôi vẫn thèm được thưởng thức không khí xem bóng đá sôi động ở KTX. Nhớ giọng bình luận tuyệt hay của anh Trần Hòa Bình. Những chiếc Smartphone, Ipad sành điệu, vẫn không bằng cảnh hàng trăm con người vừa xem vừa quạt phành phạch. Bởi nó gắn liền với một thời sinh viên khó khăn nhưng thật khó quên... 

THANH BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên