18/06/2021 10:21 GMT+7

Những bóng hồng thích cảm giác mạnh - Kỳ cuối: Nữ trọng tài trên sàn đấu nảy lửa

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TTO - Có một bông hoa hiếm hoi trong những trận so găng boxing nảy lửa trên võ đài. Cô cũng là một trong số ít nữ trọng tài Việt Nam hiếm hoi đạt 1 sao của Liên đoàn Quyền anh thế giới - AIBA.

Những bóng hồng thích cảm giác mạnh - Kỳ cuối: Nữ trọng tài trên sàn đấu nảy lửa - Ảnh 1.

Nhật Lệ giải quyết một tình huống tranh chấp trong trận đấu quyền anh giao hữu tại TP.HCM năm 2020 - Ảnh: LÊ VÂN

 Đó là Bùi Thị Nhật Lệ - nữ trọng tài boxing 27 tuổi của Liên đoàn Quyền anh Việt Nam.

"Sàn đấu là nơi cuối cùng quyết định số phận võ sĩ dành cả đời cho nghiệp võ. Nơi đó không chỉ có những trái tim nóng mà còn có cả những cái đầu hừng hực thắng, thua. Chuyện nảy lửa là bình thường. Với tôi, khi làm trọng tài, chỉ biết có võ sĩ góc đài xanh hay đỏ.

Bùi Thị Nhật Lệ

Bỏ nghề dược đi làm trọng tài

Từng là vận động viên boxing thuộc đội tuyển Quảng Ngãi, khi giã từ sự nghiệp so găng, Nhật Lệ đi học dược và trở thành dược sĩ. 

Nhưng khi đang yên ổn với nghề dược ở một bệnh viện tại TP.HCM, cô lại bỏ ngang để đi học trọng tài quyền anh, dù biết trước đây là công việc không có lương cố định, lại phải chịu những áp lực như "làm dâu trăm họ". 

Máu võ thuật luôn chảy tràn trong cô gái trẻ đẹp thích sự mạnh mẽ này. Dù không còn trực tiếp so găng, cô vẫn gắn bó với sàn đấu trên cương vị trọng tài.

Trận so găng gần nhất mà chúng tôi chứng kiến Nhật Lệ ở vị trí trọng tài là hồi cuối tháng 12-2020. Gần 1.000 khán giả xem thi đấu các môn boxing, kick boxing, muay Thái và giao lưu thể thức MMA lần đầu tại Việt Nam đã không ít ngỡ ngàng khi trên đài xuất hiện duy nhất một bóng hồng là trọng tài nữ.

Những tiếng reo hò, cổ vũ cho các võ sĩ như muốn làm nổ tung. Trên võ đài, mồ hôi và máu của các võ sĩ tươm trên mặt, họ di chuyển thoăn thoắt cùng những đòn đấm, đá, quật ngã đối phương. Bóng hồng trọng tài Nhật Lệ cũng phải lướt theo những bước di chuyển chớp nhoáng của các võ sĩ để điều khiển trận đấu.

Nhật Lệ nhớ lại: "Đó là một giải đấu giao hữu nhưng toàn võ sĩ ngôi sao trong giới võ Việt. Mỗi trọng tài bắt các trận như vậy đều rất áp lực. Thậm chí, cả hiệp đấu vừa phải di chuyển thần tốc theo võ sĩ, vừa phải căng mắt tới mức hầu như không được chớp mắt để tránh sai sót. Thêm phần hiệu ứng sân khấu khiến trọng tài rất dễ bị khớp".

Trước khi đến với nghiệp trọng tài, Nhật Lệ đã trải qua nhiều công việc khác nhau. Cô gái mê võ này từng tập luyện boxing, kick boxing rồi muay Thái. Nhưng Nhật Lệ thi hoài chỉ được huy chương bạc, thêm phần vóc dáng mình quá nhỏ so với các hạng cân thường thi đấu nên cô nản dần và học dược để tìm một công việc ổn định.

Nhưng khi tình cờ gặp được người thầy rủ rê đi học trọng tài, Nhật Lệ đã bỏ công việc ổn định của mình để dấn thân vào con đường gập ghềnh khác của sân chơi đối kháng khắc nghiệt. Từ năm 2015 đến 2018, Nhật Lệ đã tham gia học tập và làm việc tại các giải trong hệ thống VBF (Vietnam boxing federation, thuộc Liên đoàn Quyền anh Việt Nam). 

Liên đoàn Quyền anh mở lớp tập huấn trọng tài mới và cũ gần 100 người để chọn ra 40 trọng tài đủ tiêu chuẩn làm trọng tài quyền anh quốc gia. Qua nhiều vòng sàng lọc, Nhật Lệ đạt tiếp chứng chỉ trọng tài 1 sao của AIBA vào cuối năm 2018.

Trước khi được bắt chính trên võ đài, Nhật Lệ từng làm phát thanh viên, trọng tài thời gian cho các trận thi đấu boxing, kick boxing, muay Thái suốt 3 năm. Mãi tới khi có nhân sự thay thế, cô mới được qua ban giám định, trọng tài đài.  Nhật Lệ nói: "Khoảng thời gian đó thực ra lại là may mắn vì mình được ngồi ngay sát đài, quan sát nhiều trận đấu để có kinh nghiệm về sau".

Những bóng hồng thích cảm giác mạnh - Kỳ cuối: Nữ trọng tài trên sàn đấu nảy lửa - Ảnh 3.

Nữ trọng tài Nhật Lệ ở Giải quyền anh quốc tế mở rộng năm 2019 Victory 8 - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Bị nói xấu, chê bai như cơm bữa

Ông Vương Trọng Nghĩa, một nam đồng nghiệp của Nhật Lệ cũng là trọng tài đạt 3 sao của AIBA, chia sẻ: "Phụ nữ theo nghiệp đấm đá đã hiếm hoi và cực nhọc, theo trọng tài lại còn hiếm hơn nếu không có đam mê và kiên trì. Công việc của trọng tài rất dễ bị thị phi, như tôi cũng có lúc rất căng thẳng".

Có những trận đấu mà tỉ lệ thắng thua là 50 - 50 giữa các võ sĩ. Khi ấy, trọng tài đài và giám sát phải cân não để chọn ra người chiến thắng, dựa vào lỗi của võ sĩ và thái độ thi đấu có "fairplay" hay không. Lúc này hầu như các trọng tài đều gặp phản ứng từ phía đội bị xử thua, vì bị cho là những đánh giá mang tính cảm xúc nhiều.

Ngay cả với những trận mà tỉ lệ thắng thua nhìn bằng mắt là 40 - 60 nhưng trọng tài vẫn bị áp lực là "thiên vị" hay thậm chí bị nghi ngờ đã "ăn tiền" để xử thắng. Nhật Lệ kể về một giải đấu căng thẳng gần nhất mà cô bắt: "Ngay khi tiếng còi kết thúc hiệp đấu vừa dứt, bên thua đã nhào về ban trọng tài lật đổ bàn trọng tài, la hét đòi "xử" trọng tài vì cho rằng bị xử ép thua".

Gặp tình huống đó, các trọng tài sẽ phải họp lại để đánh giá trận đấu thông qua băng ghi hình trận đấu. Nhưng dù đã có ban điều tra, giám sát lại và đưa ra quyết định cuối cùng thì vẫn mang tiếng như thường. 

Nữ trọng tài bộc bạch: "Vì vậy ngay từ việc theo học trọng tài mình phải bản lĩnh, tự tin và quyết đoán. Với mình, lên đài chỉ biết xanh là xanh, đỏ là đỏ. Nhưng đâu tránh khỏi chuyện bị chê bai, nói xấu cá nhân. Riết dần cũng quen luôn như cơm bữa".

Khó nhất với nghiệp cầm tài là bắt trúng "lỗi kín" của võ sĩ cố tình đánh phạm luật một cách tinh vi trên đài. Trọng tài đài dễ "thủng lưới" với những tình huống này. 

Nhật Lệ lý giải: "Một cú đánh phạm luật vào yếu điểm hạ bộ có thể làm thay đổi cục diện trận đấu ngay lập tức. Để thực hiện đòn này, võ sĩ phải tận dụng "điểm mù" của trọng tài, lợi dụng việc thời gian gián đoạn hiệp đấu cho phép chỉ khoảng 3 giây nên trọng tài dễ đưa ra quyết định sai".

Ông Nguyễn Văn Hiến, phó tổng trọng tài boxing Việt Nam, cho biết: "Trọng tài boxing ở Việt Nam hiện tại khá thiếu hụt về nhân sự. Theo luật của AIBA, trọng tài chỉ bắt một trận, nghỉ hai trận mới bắt tiếp. Còn ở nhiều giải đấu boxing hiện tại, trọng tài phải bắt liên tục". 

Một trong những nguyên nhân khiến lực lượng trọng tài thiếu hụt như vậy là do bộ môn còn chưa thể "nuôi" quân theo các chế độ như những môn thể thao khác. Chưa kể, dù là trọng tài AIBA nhưng nếu 4 năm không hoạt động, trọng tài sẽ bị loại bỏ bằng, phải học lại từ đầu. Trong khi đó, bộ môn boxing còn ít giải để nhân sự tham gia đều đặn.

Để theo đuổi nghiệp cầm tài, Nhật Lệ còn làm thêm nhiều nghề khác kiếm sống như bán sỉ, lẻ gạo với một người bạn. Ngoài giờ làm ở Liên đoàn Quyền anh Việt Nam, cô cũng đi dạy thêm ở các lớp boxing phong trào tại TP.HCM. Máu võ thuật luôn rừng rực trong cô gái trẻ đẹp.

Ông Nguyễn Văn Hiến, phó tổng trọng tài boxing Việt Nam:

"Nhiều trận bắt đài của Nhật Lệ rất ấn tượng với tôi. Như giải Victory 8 tại nhà thi đấu Nguyễn Du năm 2019. Nhật Lệ bình tĩnh, tự tin giữa đấu trường lớn có âm thanh, ánh sáng rất dễ gây choáng ngợp và "khớp".

Thêm vào đó, Nhật Lệ rất nhiệt huyết, chuyên môn cao, tuy là nữ nhưng quyết đoán. Như trong giải trẻ môn boxing toàn TP năm 2020, khi HLV và võ sĩ có lời lẽ xúc phạm trọng tài, Nhật Lệ quyết đoán truất quyền võ sĩ đang thi đấu. Và cái này đúng luật".

Những bóng hồng thích cảm giác mạnh - Kỳ 7: Người đàn bà cưỡi trên sóng biển Những bóng hồng thích cảm giác mạnh - Kỳ 7: Người đàn bà cưỡi trên sóng biển

TTO - Vượt qua biết bao định kiến như "kiêng đàn bà xuống tàu" cùng những bất tiện giới tính, một phụ nữ đã được gọi là "bông hồng thép" khi chỉ huy cả đội ngang dọc trên vùng biển phía Nam.

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên