12/01/2018 10:47 GMT+7

Những chấn thương trong thể thao

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương  (Bộ Y tế)
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế)

Trong thể thao, đặc biệt là những môn thi đấu đối kháng như bóng đá, võ thuật, tennis, bóng chuyền… rất dễ gặp những chấn thương.

Những chấn thương trong thể thao - Ảnh 1.

Chườm lạnh lên vùng tổn thương. Ảnh minh họa. Nguồn: dovemed.com

Chấn thương là điều không thể tránh khỏi trong tập luyện và thi đấu thể thao. Vấn đề là bạn cần có hiểu biết để xử trí đúng ngay từ lúc đầu nhằm giúp chấn thương hồi phục tốt, tránh xử trí theo chủ quan hoặc theo chủ nghĩa kinh nghiệm có thể làm chấn thương trở nên trầm trọng hơn hoặc sẽ trở thành mãn tính khó điều trị, khó phục hồi. Luyện tập thể dục thể thao không chỉ mang tới sức khỏe, mà còn giúp mọi người có được một trạng thái tâm lý sảng khoái, giảm mệt mỏi sau những giờ làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, trong thể thao, đặc biệt là những môn thi đấu đối kháng như bóng đá, võ thuật, tennis, bóng chuyền… nhiều người rất dễ gặp phải những chấn thương đơn giản như chuột rút, căng cơ... tới những chấn thương nặng, phải điều trị dai dẳng như gẫy xương. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc thông tin cơ bản nhất về những chấn thương rất dễ gặp phải khi luyện tập và thi đấu trong các môn thể thao, giúp mọi người có những kiến thức chung nhất về sơ cứu ban đầu, giúp hạn chế những chấn thương của mình và người thân.

Các dạng chấn thương và nguyên nhân

Theo các chuyên gia y học thể thao, những chấn thương trong khi luyện tập và thi đấu thể thao có thể xảy ra ở nhiều bộ phận, nhưng gặp nhiều nhất là ở tay (bàn tay, cánh tay, cổ tay) và chân (khớp gối, cẳng chân, bàn chân, khớp háng, đùi). Chấn thương đứt dây chằng khớp gối, rách cơ, viêm cơ, trật mắt cá thường gặp trong bóng đá; trật khớp vai hay gặp ở môn võ judo, bóng rổ, bóng chuyền; viêm gân thường gặp khi chơi cầu lông... Tuy nhiên, có thể tóm lược thành 3 loại chấn thương cơ bản mà những người chơi và luyện tập thể thao thường gặp:

1. Chấn thương mô mềm: Gân - cơ - dây chằng với nhiều mức độ khác nhau có thể do va chạm trực tiếp hay bị kéo căng quá mức - vặn xoắn, co rút đột ngột với nhiều mức độ khác nhau như giãn - rách - đứt - đụng dập…

2. Chấn thương khớp: Là tình trạng mất tương quan bình thường của mặt khớp, hai mặt khớp bị xê dịch ra khỏi vị trí bình thường. Nguyên nhân do lực tác động lớn làm đứt, rách bao khớp và dây chằng quanh khớp. Biểu hiện: Đau dữ dội sau chấn thương - có thể nghe tiếng "bực" hay "rắc"; khớp mất khả năng vận động; biến dạng: nhát rìu; dấu hiệu lò xo... Ngoài ra, có thể sưng bầm quanh khớp với nhiều mức độ khác nhau cần kiểm tra bằng X.quang để xác định.

3. Chấn thương xương: Là sự mất liên tục cấu trúc xương do lực tác động mạnh. Lực có thể mạnh đột ngột khiến bị gãy xương cấp tính hoặc lực có thể vừa phải nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần khiến xương bị gãy mệt (gãy xương diễn ra từ từ và lâu ngày).

Biểu hiện gãy xương cấp tính: Đau - sưng bầm - giảm cơ năng vùng bị chấn thương (dấu hiệu không chắc chắn); biến dạng, đau chói và lạo xạo khi sờ, cử động bất thường chi bị chấn thương (chỉ cần xuất hiện 1 trong 3 dấu hiệu trên thì chắc chắn đã gãy xương) (dấu hiệu chắc chắn).

Gãy xương mệt: thường ít gây chú ý do biểu hiện từ từ. Biểu hiện: đau và sưng vùng xương chịu lực (bàn chân, xương gót, cổ xương đùi, cột sống…) đặc biệt sau khi luyện tập nặng, nếu nghiêm trọng có thể dẫn tới mất khả năng vận động chi đó và chỉ thường được xác định qua chụp X.quang.

Cũng theo các chuyên gia, tình huống xảy ra chấn thương chủ yếu khi người chơi thể thao xoạc chân và nghe tiếng cúp gây rách cơ, đau cơ, không vận động được, sưng nề, bầm tím ở vùng cơ bị rách. Nhiều trường hợp do va chạm, bị té, bị kê chân có thể nghe tiếng kêu rắc trong khớp. Ngay thời điểm đó thấy đau, sưng và việc đi lại khó khăn. Nhiều người bị trật khớp vai sẽ dễ dẫn đến trật nhiều lần, gây đau nhức.

Nguyên nhân của những chấn thương trên thường tập trung ở những điểm cơ bản gồm: Khởi động sai (thời gian - khối lượng - vị trí); Sức khỏe suy yếu, thể lực không tốt - có bệnh trong người; Chấn thương nhiều lần; Kỹ thuật chưa tốt; Tâm lý - kinh nghiệm thi đấu còn ít; Tập luyện quá tải; Thiếu dụng cụ bảo vệ - dụng cụ thi đấu không phù hợp - sân bãi xấu; Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.

Xử trí cấp cứu ban đầu

Với mỗi chấn thương việc xử trí ban đầu là quan trọng và rất cần thiết để giảm triệu chứng, giúp tổn thương ổn định, góp phần làm tổn thương lành tốt. Bạn có thể làm trước khi cần có sự can thiệp chuyên sâu của các bác sĩ y học thể thao trong trường hợp nặng.

Với chấn thương phần mềm:

- Dừng chơi ngay lập tức sau khi chấn thương, có thể bất động tạm thời chi bị chấn thương từ 24 - 72 giờ với nẹp.

- Chườm lạnh (đá nhuyễn hoặc nước đá trong túi nylon, bọc khăn vải ướt bên ngoài, chườm lên vùng tổn thương) được thực hiện trong 24-72 giờ đầu sau chấn thương, giúp giảm chảy máu, giảm sưng, giảm đau, giảm viêm, thời gian chườm là 10-15 phút, phụ thuộc vào vị trí tổn thương và cơ thể mỗi người (béo, gầy) rồi nghỉ 30-45 phút, có thể lặp lại nhiều lần trong ngày nhưng không nên chườm quá lâu có thể gây phỏng lạnh, có thể phối hợp với băng ép với mục đích làm giảm sưng (có thể thực hiện cùng lúc với chườm lạnh hoặc khi không có chườm lạnh. Cách làm: sử dụng băng thun quấn từ dưới vùng bị tổn thương khoảng 5 - 10cm quấn lên trên vùng tổn thương và qua khỏi vùng tổn thương. Chú ý: Những vòng đầu quấn hơi chặt sau đó lỏng dần. Sau quấn phải kiểm tra xem có có chèn ép mạch máu thần kinh (quấn quá chặt).

Đối với những chấn thương nhỏ thì đau, sưng sẽ giảm rất nhanh. Đối với chấn thương trung bình đau, sưng sẽ giảm sau 24 giờ. Đối với chấn thương nặng thường đau và sưng sẽ giảm sau 72 giờ (cần phải có điều trị chuyên sâu sau đó).

Bên cạnh đó, cần kê cao chi chấn thương giúp máu trở về tim tốt hơn, làm giảm sưng và viêm, đặc biệt đối với chi dưới, có thể nằm kê cao chân 10 - 15cm trong 24 - 72 giờ đầu. Lưu ý trong 48 giờ đầu không được chườm nóng, xoa bóp các loại dầu nóng, kéo nắn chi hay vùng bị tổn thương vì dễ làm tổn thương dập - rách - đứt – tăng lên, chảy máu và sưng nề nhiều hơn, hiện tượng viêm tăng lên và kéo dài làm mô bị tổn thương lâu lành hoặc lành với sẹo xấu. Đặc biệt đối với dây chằng, việc xoa bóp với các loại dầu có thể kích thích hình thành các mô sợi (fibro) thế cho các sợi collagen dẫn đến giảm tính đàn hồi, chắc của dây chằng, sau khi lành dây chằng trở nên yếu và dễ bị tổn thương lại. Có thể dùng thuốc giảm đau thông thường để trợ giúp.

Nếu sau 24 - 72 giờ tổn thương không giảm nhiều, hoặc tổn thương ban đầu trầm trọng cần thiết phải gặp bác sĩ.

Với chấn thương khớp:

- Băng bất động khớp ở nguyên tư thế bị trật (với nẹp và băng thun)

- Chườm lạnh để giảm đau (cách làm như xử trí với chấn thương phần mềm)

- Chuyển người bị chấn thương tới cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất. Chú ý tránh tự ý kéo nắn hoặc xoa bóp dầu có thể làm tụ máu nhiều trong bao khớp gây cứng khớp hoặc lỏng khớp - hoặc có thể làm gãy đầu xương khi kéo nắn.

Với chấn thương xương:

- Khi bị thương cần để nguyên người bị thương tại chỗ, tránh vận chuyển ngay sẽ gây sốc chấn thương.

- Cắt bỏ trang phục quanh vùng bị thương.

- Làm nẹp cố định xương gãy. Chú ý: qua 3 mặt phẳng và qua 2 khớp (trên và dưới) vùng bị thương.

- Vận chuyển người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất.

- Có thể chườm lạnh quanh vùng xương gãy để giảm đau, sưng.

- Không được bó đắp thuốc rất nguy hiểm vì dễ làm khớp giả (không lành xương), nhiễm trùng da, viêm xương…

Phòng tránh những chấn thương khi chơi và luyện tập thể thao

- Sử dụng trang thiết bị phù hợp với môn thể thao, thể hình và trình độ của bạn. Quần áo tập luyện phù hợp góp phần làm cho buổi tập an toàn và mang lại sự thoải mái. Trong lúc tập luyện, quần áo nên sử dụng các loại được làm từ chất liệu bông, cotton để cơ thể không bị tích nhiệt. Khi tập luyện thể thao ở các sân bóng cần đi giày phù hợp, tránh đi giày không đúng loại, không đúng kích cỡ hoặc kém chất lượng có thể gây nên cảm giác khó chịu và có thể sẽ gây nên chấn thương ở vùng bàn chân và khớp gối.

- Khởi động kỹ trong khoảng 15 phút: Chạy tại chỗ, nhảy, cử động các bộ phận trên cơ thể và duỗi người, đặc biệt chú ý đến những cơ bắp sẽ phải làm việc nặng.

- Thường xuyên uống đủ nước: Nếu bị mất nước thì hiệu suất vận động và sự chú ý của bạn sẽ giảm sút, trong khi các cơ bắp sẽ không thể loại bỏ chất thải một cách hiệu quả.

- Nên duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, thích hợp với lối sống và mức độ hoạt động của bản thân. Hãy bổ sung đủ lượng natri cần thiết vì thiếu hụt chất này có thể làm bạn dễ mắc chứng chuột rút.

- Tập luyện vừa sức: Lắng nghe sức khỏe của cơ thể hoặc tuân thủ theo đúng sự hướng dẫn tập luyện của các chuyên gia thể thao.

- Gia tăng cường độ tập luyện một cách từ từ. Các chấn thương thể thao thường rất dễ xảy ra trong thời tiết lạnh giá. Bạn cần phải gia tăng cường độ tập luyện của mình một cách chậm rãi.

- Duỗi người: Việc duỗi người dần dần sẽ chuẩn bị cho cơ thể để sẵn sàng đối phó với những va chạm xảy đến với hệ thống gân và cơ.

- Tự massage (hoặc đi massage) : Hoạt động này giúp loại bỏ chất thải chứa trong cơ bắp, nguyên nhân gây ra vọp bẻ và đau nhức.

- Khi không cần thiết, đặc biệt với những bài tập luyện ngoài trời ở những thời điểm điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thường có những ảnh hưởng nhất định đối với hiệu quả tập luyện thể thao, để tránh những ảnh hưởng xấu (gây cảm giác khó chịu, nguy cơ gây chấn thương...) cần tránh tập luyện quá lâu dưới ánh nắng mặt trời gay gắt hoặc chơi quá lâu ngoài trời trong thời tiết quá lạnh.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên