10/06/2021 15:44 GMT+7

Những 'chiến dịch COVID-19' không thể quên của 'bộ phận thường trực'

L.ANH
L.ANH

TTO - Những ngày vừa rồi là những ngày vất vả của Bộ phận thường trực chống dịch của Bộ Y tế ở Bắc Giang và Bắc Ninh.

Những chiến dịch COVID-19 không thể quên của bộ phận thường trực - Ảnh 1.

Trao chứng nhận khỏi bệnh cho 1 trong số những bệnh nhân từng chuyển nặng tại Bắc Giang (ở giữa ảnh), chiều nay 10-6 - Ảnh: BYT

Từ đầu năm đến nay, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, chỉ ở nhà chưa đến 2 tháng, còn lại ông đi Hải Dương, Lào, Bắc Ninh, cách ly ở bệnh viện và ở Hà Tĩnh. "Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng như vậy", ông Cấp nói.

Bác sĩ Cấp về Bắc Ninh hôm 27-5, ngay sau khi hết cách ly sau chuyến đi công tác ở Lào. Lúc này Bắc Ninh đang "nóng", hàng trăm nhà máy đang phải đóng cửa, 2 huyện và thành phố Bắc Ninh đang giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.

Ở Bắc Giang, Bộ phận thường trực chống dịch do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chủ trì đã về Bắc Giang từ ngày 18-5. Lúc ấy, Thứ trưởng Sơn cũng mới qua thời gian cách ly sau khi đi công tác ở Lào. Trước đó nữa, ông Sơn làm "thường trực chống dịch" tại TP.HCM rồi Đà Nẵng...

"Mình nhớ nét mặt phờ phạc, mệt mỏi, quên cạo râu mấy ngày của anh Linh 91 khi về ăn trưa nhưng vẫn nở nụ cười hiền từ. Mình nhớ nụ cười nhút nhát của anh Hùng, trưởng đoàn y tế Đà Nẵng chi viện Bắc Giang, nhớ nụ cười của chị Thư, khi chị nói 'hôm nay âm tính nhiều lắm, anh em đang rất tự tin', mình nhớ nhiều lắm những nụ cười", trong nhật ký chống dịch ghi mỗi ngày, một thành viên Bộ phận thường trực chia sẻ.

Những "chiến dịch COVID-19"

"Năm nay tôi mới ở nhà không được 2 tháng, năm trước thì không nhớ nữa", bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cười ngượng nghịu khi chia sẻ.

Đúng là khó có thể nhớ, bởi tết năm ngoái Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cấm trại từ trước tết, sau đó thì bệnh nhân COVID-19 liên tục nhập viện. Bệnh nhân ra viện, bác sĩ Cấp và đồng nghiệp lại đi tập huấn chuẩn bị nếu dịch quay lại.

Từ tháng 7-2020, nhóm của bác sĩ Cấp được cử đi chi viện cho Huế, trong đợt dịch tại miền Trung, và ở đó hơn một tháng. Từ trước Tết Canh Tý 2021 với đợt bùng phát bắt đầu từ Hải Dương, bác sĩ Cấp và các đồng nghiệp đã ở Hải Dương hơn 2 tháng, qua cả tết. Tháng 5 ông lại đi Lào, rồi hết cách ly lại đi Bắc Ninh...

"Bệnh viện chúng tôi có nhiều người như vậy, vừa rồi có bác sĩ G., 2 vợ chồng cùng đang làm việc tại bệnh viện và cùng ở trong khu cách ly y tế, mẹ vợ mất, nhà ở ngay Hà Nội mà cả 2 vợ chồng không về được. Các khoa cấp cứu, hồi sức tích cực có nhiều bệnh nhân nặng, phải can thiệp kỹ thuật, nguy cơ lây nhiễm nhiều hơn, có 6-7 y bác sĩ của 2 khoa này nhiễm bệnh", bác sĩ Cấp chia sẻ.

Trước đợt dịch thứ 4 này, Việt Nam đã trải qua 3 đợt dịch cũng rất căng thẳng, chúng ta đều đã có thể sớm quay lại cuộc sống bình thường. Nhưng ở đợt dịch thứ 4 này, hơn 10 bệnh viện, trong đó có bệnh viện tuyến trung ương vào loại lớn nhất nước đã phải cách ly y tế, số bệnh nhân trong chưa đầy một tháng rưỡi đã tăng cao hơn gấp đôi so với gần một năm rưỡi trước đó.

"Phải nghĩ rằng trong dịch bệnh, bệnh viện cũng như một đồn biên phòng lúc nào cũng có nguy cơ bị tấn công, nhưng nhiệm vụ của chúng ta là phải giữ được thành trì ấy", bác sĩ Cấp nói. Ở Bắc Giang, sau hơn một tháng nóng bỏng, số mắc mới đã có dấu hiệu giảm dần.

Ở Bắc Ninh, hơn 50 công ty đã quay lại làm việc từ ngày 2-6 và đến nay con số này đã tăng hơn. Đã có khu vực vốn là vùng dịch được dỡ phong tỏa, quay lại cuộc sống bình thường. Với các bác sĩ ở điểm nóng Bắc Ninh và Bắc Giang, họ chuẩn bị được về nhà, thêm một "chiến dịch COVID-19" hoàn thành.

Những con số

Hôm nay là gần 45 ngày tính từ khi bắt đầu đợt dịch thứ 4, tính từ khi có bệnh nhân lây nhiễm trong khu cách ly tại khách sạn Như Nguyệt 2, tỉnh Yên Bái. Những con số của đợt dịch này cho thấy đây là đợt dịch khốc liệt nhất tính từ đầu dịch tại Việt Nam:

- Số mắc mới cao hơn gấp đôi so với tổng số mắc của 3 đợt dịch trước.

- Thêm 20 bệnh nhân tử vong, trong đó có cả những người trẻ tuổi, không có bệnh nền.

- Số địa phương ghi nhận ca mắc mới rộng nhất, với 38 tỉnh thành.

- Tốc độ lây lan nhanh, tại TP.HCM đã ghi nhận ca bệnh dương tính là F5.

- Việt Nam từ vị trí 174 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ về ca mắc COVID-19 được ghi nhận vào thời điểm cuối tháng 4-2021, đến ngày 10-6 đã lên vị trí 158.

Những thay đổi

Vắc xin ngừa COVID-19 đang được đề cập như một vũ khí quan trọng nhất trên hành trình dập dịch. Có chuyên gia chia sẻ nếu không có vắc xin, mỗi một đợt dịch nổ ra chi phí xét nghiệm lên tới cả ngàn tỉ đồng cùng lượng nhân lực, vật lực rất lớn (mỗi ca trực y bác sĩ mặc bộ trang phục bảo hộ có thể sút 3-4kg vì mất nước, sau đó phải uống bù nước), vất vả, nhưng việc chống dịch vẫn ở thế bị động, khó khăn.

"Israel đã đặt mua vắc xin từ sớm và đã tiêm ngừa rất nhanh, giúp các hoạt động kinh tế - xã hội sớm quay lại bình thường. Trong khi một số các quốc gia, vùng lãnh thổ cũng chống dịch tốt như Việt Nam ở các đợt dịch đầu hiện cũng gặp tình trạng thiếu vắc xin như Việt Nam (ví dụ như Đài Loan), số mắc tăng trở lại tương tự Việt Nam", chuyên gia này cho biết.

Chuyên gia này cũng chia sẻ nếu chỉ trông chờ vào vắc xin nhập khẩu sẽ rất bị động, không rõ ràng về khả năng cung cấp, mặc dù Việt Nam đã tiếp cận được 120 triệu liều vắc xin. "Hy vọng cuối năm nay khi Việt Nam có vắc xin và chủ động được vắc xin chống dịch, thì cơ hội tiêm ngừa sẽ mở rộng", vị này cho biết.

Sau COVID-19, có thể có thêm 9 triệu lao động là trẻ em Sau COVID-19, có thể có thêm 9 triệu lao động là trẻ em

TTO - Ngày 10-6, ILO và UNICEF cảnh báo có thêm 9 triệu trẻ đứng trước nguy cơ trở thành lao động trẻ em, nhất là do tác động của đại dịch COVID-19.

L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên