22/11/2017 15:08 GMT+7

Những điều cần biết về đột quỵ não

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương

Đột quỵ não xảy ra khi đường dẫn máu đến nuôi não bị tắc nghẽn.

Những điều cần biết về đột quỵ não - Ảnh 1.

Những biểu hiện của đột quỵ não đều cần được quan tâm cấp cứu kịp thời, nếu không khi tế bào não bị thiếu máu quá lâu sẽ bị tổn thương dẫn đến tổn thương não, tàn tật hoặc tử vong. Hãy liên lạc ngay với bác sĩ nếu bạn thấy ai đó có những biểu hiện của đột quỵ não.

Triệu chứng của đột quỵ não

Hãy gọi ngay cấp cứu nếu bạn thấy ai đó có một trong những biểu hiện sau:

- Nói năng khó khăn.

- Bối rối, mất khả năng thực hiện những việc đơn giản nhất.

- Các cơ bị yếu, nhất là bị yếu chỉ một nửa người.

- Bị mất cảm giác, nhất là bị mất cảm giác chỉ một nửa người.

- Nhức đầu kinh khủng.

- Thị giác bị thay đổi ở một hoặc cả hai mắt.

- Khó nuốt.

- Cơ mặt một bên bị xụi xuống.

Kiểm chứng đột quỵ não: cười, vẫy, nói

Sau đây là bài kiểm chứng nhanh để xác định một người có bị đột quỵ não hay không:

C = Cười: Nếu một bên mặt bị xụi xuống, không cười được thì đó là một dấu hiệu của đột quỵ não.

V = Vẫy: Nếu một người không thể giơ hai tay lên vẫy thì đó là một dấu hiệu khác của đột quỵ não.

N = Nói: Khi ai đó bị líu lưỡi và không thể hiểu được những câu đơn giản thì đó là một dấu hiệu nữa của đột quỵ não.

Hãy gọi cấp cứu ngay lập tức khi bạn thấy ai đó có những dấu hiệu kể trên!

Thời gian = Tổn thương

Thời gian máu lên não bị tắc nghẽn càng lâu thì não càng bị tổn thương nặng hơn. Đối với một số bệnh nhân, việc dùng thuốc để đánh tan máu đông có thể được sử dụng để máu có thể lưu thông bình thường trở lại. Đối với đa số bệnh nhân, khoảng thời gian để chẩn đoán và chữa trị máu đông như vậy mất khoảng 3 tiếng đồng hồ hoặc hơn. Nhưng thông thường thì đa số bệnh nhân không phù hợp với phương pháp chữa trị này.

Ngoài ra cũng có những mối nguy hại khác khi dùng cách chữa trị này, ví dụ như việc bị mất máu quá nhiều mà không cầm máu được vì máu sẽ không đông dưới tác dụng của thuốc. Vì có nhiều bệnh nhân không phù hợp cho cách chữa trị này trong khi tế bào não lại rất dễ bị tổn thương nên đột quỵ não là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bại liệt lâu dài.

Chẩn đoán đột quỵ não

Có 2 loại đột quỵ não chính:

- Đột quỵ nhồi máu não (ischemic stroke - do tắc mạch)

- Đột quỵ chảy máu não (hemorrhagic stroke - do vỡ mạch).

Hai loại này phải được chữa trị khác nhau và thường được chẩn đoán bằng cách chụp cắt lớp vi tính (CT.scan) sọ não và đôi khi là chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não.

Đột quỵ nhồi máu não: Đột quỵ nhồi máu não chiếm 80-90% các ca đột quỵ não. Đột quỵ nhồi máu não xảy ra do cục máu đông làm giảm hoặc chặn dòng máu tới não. Cục máu đông có thể được tạo ra ở đâu đó trong cơ thể và bị kẹt lại khi đến mạch máu não, hoặc cũng có thể được hình thành ngay trong mạch máu não.

Đột quỵ chảy máu não: Một mạch máu não bị vỡ ra và máu trào ra ngoài dưới áp suất cao, chèn ép lên các mạch máu não khác và các tế bào não dẫn đến tổn thương và tử vong. Việc chảy máu trong não này rất khó ngăn chặn và vì thế cũng dẫn đến tỉ lệ tử vong cao hơn.

Đột quỵ não nhỏ (Mini-Stroke) hay đột quỵ não thoáng qua (TIA): "Đột quỵ não nhỏ" (còn được gọi là đột quỵ não thoáng qua) xảy ra khi máu đến não bị tắc nghẽn tạm thời. Đột quỵ não thoáng qua có thể biểu hiện các triệu chứng đột quỵ nhẹ và nhanh chóng tự hồi phục. Đột quỵ não thoáng qua thường xảy ra trước khi đột quỵ não xảy ra, và là một dấu hiệu cảnh báo rằng người có những dấu hiệu đó cần phải được điều trị dự phòng đột quỵ não ngay lập tức.

Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ não

Đột quỵ não xảy ra khi mạch máu cả ở trong lẫn ở ngoài não bị tắc. Xơ vữa động mạch (Atherosclerosis – động mạch bị xơ cứng) xảy ra khi các thành phần như cholesterol, canxi, chất béo và các chất khác lắng đọng tạo ra mảng bám và làm cho mạch máu bị hẹp lại, tạo thuận lợi cho việc hình thành huyết khối làm cản trở lưu thông máu. Khi cục huyết khối vỡ ra thì sẽ làm tắc nghẽn những mạch máu não nhỏ hơn. Và thỉnh thoảng, mạch máu yếu có thể bị vỡ gây chảy máu não.

Những nguy cơ dẫn đến đột quỵ não

Các điều kiện mãn tính: Những điều kiện mãn tính làm tăng khả năng đột quỵ não gồm có: cao huyết áp, lượng cholesterol cao, tiểu đường và béo phì. Để giảm khả năng dẫn đến nguy cơ đột quỵ não cần thường xuyên đi khám và điều trị dưới sự hướng dẫn của bác sĩ khi rơi vào các trường hợp kể trên.

Lối sống: Chúng ta cũng có thể giảm nguy cơ đột quỵ não bằng lối sống lành mạnh như không hút thuốc lá, tập thể dục thường xuyên và giảm thiểu bia rượu.

Chế độ dinh dưỡng: Một chế độ dinh dưỡng với hàm lượng cholesterol và chất béo thấp sẽ giảm nguy cơ đột quỵ não rất cao vì nó giảm thiểu khả năng mạch máu bị tắc nghẽn do sự tồn đọng của cholesterol và chất béo. Tránh ăn mặn vì muối làm tăng huyết áp. Lượng calories tiêu thụ mỗi ngày nên hợp lý với trọng lượng cơ thể để tránh béo phì. Và một chế độ ăn uống với nhiều rau củ quả, hạt nguyên, nhiều cá, ít thịt (nhất là thịt đỏ) sẽ giúp giảm nguy cơ đột quỵ não rất nhiều.

Những nguy cơ đột quỵ não ngoài tầm kiểm soát: Những nguy cơ này bao gồm: di truyền trong gia đình, giới tính (nam giới có nguy cơ bị đột quỵ não cao hơn nữ giới), chủng tộc (ví dụ như người Mỹ gốc Châu Phi, gốc da Đỏ, và gốc Alaska có nguy cơ bị đột quỵ não cao hơn so với những chủng tộc người Mỹ khác). Thêm vào đó, khi phụ nữ bị đột quỵ não thì thường dễ bị tử vong hơn đàn ông.

Cấp cứu đột quỵ não

Điều trị cấp cứu đột quỵ não tùy thuộc vào loại đột quỵ não. Đột quỵ nhồi máu não được chữa trị bằng cách loại bỏ cục đông trong mạch máu, còn chảy máu não được chữa trị bằng cách cầm máu não, giảm huyết áp, và giảm phù não. Chảy máu não khó điều trị hơn nhiều so với nhồi máu não.

Tổn thương lâu dài: Đột quỵ não sẽ dẫn đến tổn thương lâu dài nếu không được chữa trị kịp thời. Tổn thương thế nào thì còn tùy thuộc vào vị trí xảy ra tắc nghẽn máu. Mặc dù tổn thương có thể là mãi mãi, nhưng nhiều trường hợp sau khi qua chữa trị phục hồi chức năng đã có thể hồi phục lại phần nào.

Ngôn ngữ trị liệu: Đột quỵ não khiến cho bệnh nhân không thể nói hoặc nuốt, phục hồi chức năng này sẽ được điều trị bởi một chuyên viên trị liệu về ngôn ngữ để dần dần lấy lại một phần hay toàn phần những khả năng này. Trong trường hợp xấu nhất, chuyên viên trị liệu cũng sẽ giúp bệnh nhân sống quen dần với cuộc sống hàng ngày mà không bị ảnh hưởng quá nhiều khi mất những chức năng trên.

Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu giúp bệnh nhân đột quỵ não đi lại được như lên xuống cầu thang, hay đứng lên đi ra khỏi ghế. Những việc khó hơn như cài nút áo, dùng thìa, đũa, bát, hay viết thư cũng có thể được phục hồi nhờ các chuyên viên trị liệu.

Tâm lý trị liệu: Có nhiều người sẽ khó chấp nhận sự khuyết tật của mình sau khi bị đột quỵ não. Họ cần được nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên viên tâm lý để có thể quen dần trở lại với cuộc sống bình thường mà không bị trầm cảm, sợ hãi, lo lắng, buồn phiền, tức giận.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên