Những kẻ soi kệ sách, bình nhân cách

HIẾU THẢO 22/06/2020 16:06 GMT+7

- TTCT Những “tỉ phú thời gian” trên mạng xã hội vừa tìm ra một lĩnh vực mới để xét nét sau hàng loạt vụ giám sát phát ngôn, những câu nói đùa hay kiểu tóc của người nổi tiếng. Hiện tượng mới nổi gần đây là “cảnh sát kệ sách” - những người đi soi tủ sách để bình phẩm nhân cách của chủ nhân.

Một “thanh tra viên” hay “cảnh sát kệ sách” điển hình sẽ săm soi từng gáy sách trong những bộ sưu tập sách cá nhân được đăng tải lên mạng để đánh giá chuẩn mực đạo đức văn hóa của một người. Sau đó họ sẽ đưa ra những bình luận gay gắt nếu một giá sách nào đó có các tựa đề mà họ cho là “không thể chấp nhận được”.

Vạch sách tìm tội

Michael Andrew Gove, một chính trị gia của Đảng Bảo thủ Anh, mới đây đã bị các thanh tra giá sách trực tuyến giơ gậy, tuýt còi khi người ta phát hiện những tựa sách “phân biệt chủng tộc” và “bài Do Thái” trên kệ sách nhà ông. “Người ta” ở đây cụ thể là những người dùng mạng xã hội Twitter, nơi bà Sarah Vine, vợ của ông Gove, đăng một bức ảnh để lộ một góc giá sách của họ.

Bức ảnh kệ sách bị săm soi của Michael Gove. Ảnh: Sarah Vine/Twitter
Bức ảnh kệ sách bị săm soi của Michael Gove. Ảnh: Sarah Vine/Twitter

Có vẻ như khi hội vạch lá tìm sâu này đã bắt đầu công cuộc thanh tra giá sách trên mạng thì thứ gì cũng có thể được dùng để làm bằng chứng “buộc tội”. Theo tờ The Spectator, “tội ác” mà cặp vợ chồng chính trị gia - nhà báo đã phạm phải là chọn đọc một cuốn sách của David Irving, nhà sử học chối bỏ vụ diệt chủng Holocaust.

Ngoài ra, trên kệ còn một cuốn The Bell Curve của Charles Murray và Richard J. Herrnstein, vốn gây tranh cãi ngay từ khi xuất bản hồi năm 1994 vì lập luận rằng trí thông minh của con người được hình thành bởi các yếu tố môi trường và di truyền.

Chẳng những vậy, cặp đôi còn đọc Atlas nhún vai (Atlas Shrugged) của Ayn Rand, cũng là một quyển gây tranh cãi vì “ca ngợi chủ nghĩa cá nhân và bảo vệ chủ nghĩa tư bản”.

Vụ khủng hoảng lên đến cao trào khi nhiều tên tuổi lớn cũng tham gia xét nét các đầu sách trong ảnh. Owen Peter Jones - một nhà báo, nhà bình luận chính trị và nhà hoạt động Đảng Lao động Anh - cho rằng thật sai trái khi một thành viên nội các lại sở hữu một cuốn sách được xuất bản bởi “một trong những kẻ chối bỏ Holocaust khét tiếng nhất trên trái đất”.

Hicham Yezza - cây bút của tờ The Guardian - còn đẩy sự tình đi xa hơn khi bình luận nếu giá sách này xuất hiện trong chương trình truyền hình thực tế Through the Keyhole (chuyên đi soi nhà người nổi tiếng), có lẽ anh đã đoán giá sách nằm trong nhà của Andrew Berwick, một tên khủng bố cực hữu người Na Uy.

Có vẻ như trong tình huống này, nhân cách của Michael Gove đang bị đánh đồng với những người phủ nhận nạn diệt chủng người Do Thái chỉ bởi vì… ông lỡ có một cuốn sách về đề tài này trên giá sách trong nhà mình.

Cộng đồng người dùng Twitter có vẻ như đã tự trao cho mình quyền thanh tra, bình phẩm nhân cách của người khác bằng một phương pháp cổ xưa y hệt những năm 1500 khi Vatican liệt kê chỉ mục các sách cấm vì “trái đạo đức”.

Đây không phải là lần đầu tiên tủ sách của Michael Gove gây tranh cãi. Một bài đăng trên Twitter trước đó của bà Vine đã hé lộ góc kệ chất đầy những cuốn sách về Hitler và Đức Quốc xã. Sau đó, bà đã tiết lộ thật ra hình ảnh về kệ sách chỉ là một trò đùa khiêu khích các “cảnh sát kệ sách”, và bà biết rõ mình sẽ nhận được phản ứng như thế nào từ cộng đồng mạng.

 "Michael Gove có cả một giáo trình đầy đủ về tuyên truyền siêu quyền lực trắng trên kệ sách của mình. Chẳng ai lại tình cờ có cả đống sách như vậy"

(Một “cảnh sát kệ sách” viết trên Twitter)


Có rất nhiều điều vô lý, thậm chí đáng lo ngại về xu hướng soi mói giá sách cá nhân này. Đầu tiên là liệu người ta có phải chỉ nên đọc những cuốn sách mà chuẩn mực đạo đức xã hội cho phép hay không?
Đừng nhìn sách mà phán bừa

Sarah Vine cho rằng việc đọc những cuốn sách có quan điểm trái chiều với bản thân, thậm chí hoàn toàn khác với tư tưởng cá nhân mình là một đặc điểm thiết yếu của đời sống tri thức, cũng như Hồng y John Henry Newman từng nói: “Năng lượng của trí tuệ con người được tạo nên từ sự đối lập”.

Việc không thèm ngó ngàng tới những cuốn sách hay ý tưởng mà bản thân không đồng tình là lý do khiến những “cảnh sát tủ sách” này trở nên giáo điều và khắc nghiệt, không dung thứ với những tư tưởng khác. “Từ chối tiếp xúc với bình luận và ý thức hệ mà bạn không thích là dấu hiệu của tâm trí trẻ sơ sinh. Quá trình bị thách thức, bị sốc và kinh hoàng thực ra mới chính là chìa khóa để giữ cho bộ não của một người khỏe mạnh và dần trở nên chín chắn hơn” - tác giả Brendan O’Neill viết trên The Spectator.

 "Có lẽ một trong những lập luận ngớ ngẩn nhất của cộng đồng “thanh tra sách” là gia đình chính trị gia Gove sở hữu những đầu sách “nguy hiểm” này đang cố gắng nói điều gì đó rất đáng ngờ. Nhưng cụ thể là cái gì? “Một lời kêu gọi được mã hóa nhắn gửi đến những kẻ chối bỏ nạn diệt chủng Holocaust từ một vị bộ trưởng không có khả năng phê bình gì các vấn đề liên quan đến Israel chăng?” 

(Brendan O’Neill mỉa mai)


Gove đã có một bài phát biểu cảm động cho Quỹ Giáo dục Holocaust vào năm 2014 với tiêu đề “Sự cần thiết của tưởng nhớ”. “Nếu bất cứ ai vẫn còn cho rằng tất cả các động thái này chỉ nhằm phô trương bề ngoài trong khi ông ngầm thỏa hiệp với luận điệu phân biệt chủng tộc của Irving thì quả là lý trí phán đoán của họ đã hoàn toàn bị tha hóa bởi sự hoài nghi” - Brendan O’Neill viết.
Việc đánh giá một người thông qua những tựa sách họ đọc có thể tạo ra định kiến nghiêm trọng và hoàn toàn sai về hành động của họ trong thực tế. Chỉ với những tựa sách trong một bức ảnh, người ta có thể suy diễn Gove là một người ngầm chối bỏ Holocaust, bài Do Thái, trong khi sự thật thì hoàn toàn ngược lại. Thực tế là, theo Brendan O’Neill, Gove đã nỗ lực rất nhiều để thúc đẩy việc giảng dạy về Holocaust trong các trường học của Anh. Với vai trò thư ký mảng giáo dục và thành viên của Ủy ban Holocaust, ông đã có những đóng góp lớn cho việc cải thiện nguồn tài nguyên giáo dục và nghiên cứu về Holocaust.

Ảnh: Medium
Ảnh: Medium

Tự do đọc sách

Cuộc tranh luận về nội dung của kệ sách gia đình Gove khơi lại những trải nghiệm của nhà báo Anne McElvoy về tự do ngôn luận và tự do đọc.

Trải nghiệm đầu tiên của nữ nhà báo này là vào thời gian học tại Đông Đức cũ, nơi mà việc mượn sách của George Orwell hoặc Friedrich Nietzsche ra khỏi thư viện trường đại học đã trở thành một nghi thức vô cùng phức tạp, McElvoy viết trên tờ Evening Standard. Bà phải nộp đơn xin phép mượn sách vì các tác giả này bị coi là quá nguy hiểm cho người đọc phổ thông. Thường các đơn từ được cung cấp một cách miễn cưỡng, việc cấp phép được lưu lại cẩn thận để đảm bảo chính quyền có thể cân nhắc đánh giá về thói quen đọc “khác thường” này.

Anne McElvoy cho rằng chỉ một góc ảnh nhỏ vô tình có sách của David Irving bỗng chốc trở thành bằng chứng buộc tội một ai đó có vẻ như chỉ là một hành vi xuất phát từ sự nhàn rỗi và ác cảm hằn học phi lý. Bà phản đối cách lập luận theo kiểu chỉ cần nhìn kệ sách của một người có thể dễ dàng biết được họ là ai.

Richard Evans, cựu giáo sư lịch sử và nhân chứng chính trong vụ án Irving, là người thường xuyên tranh luận gay gắt với Gove về lịch sử trong chương trình giảng dạy của trường học. Họ cũng bất đồng trong rất nhiều vấn đề chính trị khác, song Evans là người ủng hộ quan điểm rằng việc sở hữu một cuốn sách không có nghĩa là đồng tình với nội dung trong sách. “Tôi từng được yêu cầu tham gia một chiến dịch loại bỏ các tác phẩm của Irving khỏi các thư viện trường đại học - Evans chia sẻ với Evening Standard - Nhưng tôi từ chối. Mọi người, bao gồm cả sinh viên, nên được tự do quyết định đọc gì”.

Vào mùa giãn cách xã hội phải làm việc qua mạng, những cuốn sách trên kệ của chúng ta có vẻ dễ thu hút sự tò mò của các đồng nghiệp trong khi họp qua Zoom hơn. Những tựa sách ấy có thể là một cách khoe khéo sự uyên bác. Nhưng bất kể là gì, sách trên kệ không thể đại diện được cho tính cách của chủ nhân. Điều đơn giản tưởng như là chân lý ấy, ai mà ngờ, vẫn bị bỏ qua dễ dàng dưới những con mắt soi mói và những suy luận hẹp hòi định kiến.■

Trớ trêu thay, trong vụ ầm ĩ về kệ sách của Gove, phần đông các “thanh tra viên” là những người ủng hộ nhiệt tình cho Jeremy Corbyn - một chính trị gia của Đảng Lao động vốn có rất nhiều mối liên quan nghiêm trọng đến chủ nghĩa bài Do Thái, bao gồm cả chối bỏ Holocaust. 

Daily Mail năm 2018 từng đưa tin Corbyn vẫn tiếp tục gặp gỡ một nhóm có tên “Tưởng nhớ Deir Yassin”, có thủ lĩnh là người chối bỏ Holocaust và chống Do Thái.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận