12/01/2014 03:35 GMT+7

Những người nghĩa hiệp

QUANG KHẢI - YẾN TRINH
QUANG KHẢI - YẾN TRINH

TT - Ngày đầu năm, trên xe buýt số 94 chạy tuyến Củ Chi - Chợ Lớn (TP.HCM), tiếp viên Đoàn Văn Tấn Đạt (32 tuổi) dù bàn tay trái bị tật, chỉ cử động thuần thục được hai ngón nhưng đã bắt một kẻ móc túi, lấy lại điện thoại cho hành khách.

HUQdxVqN.jpgPhóng to
Tiếp viên Đoàn Văn Tấn Đạt luôn tận tụy phục vụ hành khách trên xe buýt - Ảnh: Thuận Thắng

Một ngày sau, chúng tôi lại biết thêm chuyện tài xế Nguyễn Thanh Lâm (38 tuổi) bắt một thanh niên vừa móc bóp tiền của khách trên xe buýt số 24.

Ngăn cái xấu

Bạn đọc Ngọc Điệp viết thư gửi về báo Tuổi Trẻ kể về câu chuyện anh Đoàn Văn Tấn Đạt bắt kẻ móc túi và tâm sự: “Nếu tất cả mọi người chúng ta ai cũng được như anh nhân viên Đạt dám đứng ra đấu tranh chống lại cái xấu thì không thể nào cái xấu lộng hành được. Hành động tưởng chừng nhỏ của anh Đạt nhưng có ý nghĩa rất lớn đối với tôi, làm cho tôi có niềm tin rằng vẫn còn nhiều người tốt, không vô cảm trước cái xấu”.

Chúng tôi gặp anh Đạt tại Hợp tác xã 19 tháng 5 (H.Hóc Môn), nơi anh làm tiếp viên xe buýt bốn năm qua. Anh Đạt còn nhớ rõ giây phút bắt kẻ gian của mình ngày 1-1. Đoạn đường xe số 94 đi từ Hóc Môn qua Khu công nghiệp Tân Bình đang giờ cao điểm, hành khách đứng chen chật xe. Mải lo bán vé, anh không chú ý kịp những người lên xuống. “Nhưng khi một vài hành khách bắt đầu xuống xe, tôi để ý có một thanh niên cứ liếc ngang liếc dọc” - anh Đạt kể. Rồi người này nhích dần lên phía cửa trước sát một hành khách nữ đang đứng. Trong tích tắc, người phụ nữ hô hoán “Móc túi! Móc túi!”. Ngay lập tức, anh Đạt lao tới chụp tay, bắt người này trả lại điện thoại cho người phụ nữ. Sau đó, anh nói tài xế dừng xe yêu cầu người này xuống. Anh cho biết: “Lẽ ra nếu bình tĩnh hơn, tôi phải bàn giao cho công an xử lý để chặn bớt tình trạng móc túi nhưng lại để cho đi”.

Một hành khách có mặt trên chuyến xe cảm kích nghĩa cử của anh Đạt nên đã viết thư gửi cho Tuổi Trẻ kể lại câu chuyện này. Sau sự việc, anh Đạt được hợp tác xã tặng giấy khen, nêu gương điển hình tại đơn vị và thưởng 1 triệu đồng. Trò chuyện với chúng tôi, anh cứ mắc cỡ vì cho rằng chuyện chẳng có gì lớn. Chúng tôi hỏi anh có sợ bị trả thù không, anh lắc đầu: “Mình làm việc đúng mà, phía sau mình còn có tài xế, còn nhiều hành khách lương thiện. Tôi tin trong số đó sẽ có người đứng về phía mình”.

Dứt câu chuyện, anh lại tiếp tục đón khách lên xe, bàn tay trái của anh bị tật chỉ cử động thuần thục được hai ngón, anh dùng ngón út và ngón cái bàn tay trái cầm cùi vé, tay phải xé vé trao cho khách. Dáng vẻ anh nhẫn nại, nhẹ nhàng, đọng một hình ảnh đẹp về việc phục vụ. Anh nói rằng sau này sẽ tiếp tục can thiệp những chuyện móc túi tương tự để hành khách lên xe được yên lòng, dù bản thân có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa.

jIeMXyqE.jpgPhóng to
Tài xế Nguyễn Văn Lâm kể lại “chiến tích” bắt kẻ móc túi với phóng viên Tuổi Trẻ - Ảnh Q.K.

“Không can thiệp không được”

Đó là câu trả lời của anh Nguyễn Thanh Lâm, tài xế xe buýt số 24, 150 khi chúng tôi hỏi lý do anh làm “Lục Vân Tiên” giữa đường. Anh vốn là dân võ thuật, từng học ngành an ninh nhưng lại rẽ qua nghề tài xế. Làm tài xế xe buýt cỡ chục năm nay, cũng chừng đó thời gian anh đã bắt nhiều vụ móc túi nhưng không nhớ hết. Mỗi khi nghe hành khách la lên “Móc túi!” là anh lập tức dừng xe, tìm cho bằng được kẻ móc túi.

“Mấy lần đầu tui dừng xe lại, trên xe nháo nhào vì ai cũng sợ tụi nó (kẻ móc túi) làm bậy. Nhưng nếu không dừng lại bắt và thu hồi tài sản cho khách thì còn mặt mũi nào lái xe nữa. Đó cũng là trách nhiệm của mình thôi” - anh Lâm nói. Lần ra tay gần đây nhất của anh là trưa 2-1, khi xe buýt số 24 đang chạy từ Hóc Môn đến bến xe An Sương. Một hành khách hớt hải la “Móc túi!”, anh Lâm lập tức dừng xe, chốt cửa bước nhanh ra phía sau. Khách trên xe nhốn nháo, người phụ nữ bị móc bóp chỉ vào một thanh niên đứng gần. Anh Lâm bước tới gặng hỏi thì người này chối phăng: “Tôi như thế này mà móc túi à. Nói cho ông biết trong túi tôi có cả chục triệu đồng”. Nhiều khách trên xe cũng không nghĩ một thanh niên dáng thư sinh, vai đeo balô là kẻ móc túi, cho đến khi anh Lâm lục tìm và phát hiện cái bóp màu hồng của cô gái được giấu kỹ bên trong áo khoác của thanh niên này. Sau khi thu hồi bóp trả lại cho người phụ nữ, anh Lâm áp giải kẻ móc túi đến bàn giao cho công an phường mới hay đây là đối tượng vi phạm hình sự trốn từ Hải Phòng vào TP.HCM.

Các tài xế khác hay gọi đùa anh là Lâm “khùng” vì cứ lo chuyện thiên hạ, anh thì nói: “Nếu không giúp thì trong lòng tui cứ thấy không yên. Cha tui cũng làm tài xế, cũng thẳng tính cho nên từ nhỏ tui đã có máu can thiệp mấy chuyện sai quấy này”.

Làm việc tốt nhưng nhiều lần anh cũng bị giang hồ chặn đường đe dọa, có khi còn lên xe giơ hung khí kêu anh đừng có xía vô “chuyện làm ăn” của họ. Đáp lại, anh nói việc bảo đảm an toàn cho hành khách là trách nhiệm của anh, một người lái xe buýt.

Ngoài việc can thiệp khi trên xe có móc túi, anh Lâm và anh Đạt đều là những nhân viên tận tụy của Hợp tác xã 19 tháng 5. Ông Lê Hải Phong, giám đốc Trung tâm Điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, nhận xét hành động của hai anh rất đáng quý, góp phần nâng cao hình ảnh thân thiện, trách nhiệm của đội ngũ tài xế, tiếp viên xe buýt trong mắt hành khách.

QUANG KHẢI - YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên