16/11/2017 14:59 GMT+7

Nơi tiết kiệm hàng trăm triệu mới gọi là sáng kiến

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Anh Lê Văn Bắc, cán bộ của Nhà máy A32 (Cục Kỹ thuật - Quân chủng phòng không - không quân), tự hào nói: "Sáng kiến ở nhà máy mình nhiều không kể hết".

Nơi tiết kiệm hàng trăm triệu mới gọi là sáng kiến - Ảnh 1.

Đại úy Nguyễn Ngọc Thanh với thiết bị kiểm tra khối lập trình và điều khiển của tổ hợp nhiễu tích cực L203 trên máy bay Su-27 và máy bay Su-30 - Ảnh: MY LĂNG

Sáng kiến ở đây không phải đắp chiếu mà đều được sử dụng trong thực tiễn.

Theo anh Bắc, mỗi năm, kĩ sư, công nhân nhà máy có hàng trăm ý tưởng cải tiếng máy móc, và "cái nào tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng mới tính là sáng kiến".

Sáng kiến "độc" cho máy bay tiêm kích

Đại úy, kĩ sư Nguyễn Ngọc Thanh, nhân viên phòng sửa chữa thiết bị tác chiến điện tử, là một trong những gương mặt tiêu biểu của Nhà máy A32. Anh rất ít nói - đặc điểm của dân kỹ thuật.

Hỏi Thanh đã có bao nhiêu sáng kiến, anh nói không nhớ nổi. Hỏi Thanh tâm đắc sáng kiến nào nhất, nghĩ mãi anh mới kể về hai sáng kiến cấp Bộ Quốc phòng năm 2015. 

Đó là thiết bị kiểm tra khối lập trình và điều khiển của tổ hợp nhiễu tích cực L203 trên máy bay tiêm kích Su-27 và Su-30. Sáng kiến thứ hai là thiết bị kiểm tra khối tạo mạch lệnh đơn thuộc tổ hợp rađa vô tuyến H001E của máy bay Su-27 và Su-30.

Đại úy Thanh mất gần ba năm mới làm xong hai thiết bị này. Trước đó, nhiều năm liền, nhà máy phải mua thiết bị này của Nga, giá 170.000 USD. Với sáng chế này, sản phẩm chế tạo trong nước giảm chi phí tới 17 lần.

"Vật tư máy bay Mig-21 hay Su-22 dễ mua hơn, thiết bị kiểm tra dễ hơn. Còn với máy bay Su-27, Su-30, máy kiểm tra rất ít, khó mua, khó nhập. Mình thường cải tiến máy kiểm tra từ Mig-21, Su-22 lên hoặc chế tạo máy mới. Máy kiểm tra Su-30 rất ít" - đại úy Thanh cho hay.

Kĩ sư Nguyễn Ngọc Thanh giới thiệu máy quấn biến thế xuyến, thiết kế rất đơn giản. Thanh cho hay: "Trên thị trường bán giá 120-150 triệu đồng. Mình tự làm máy này trong ba tháng, chi phí chỉ 5 triệu đồng. 

Các sáng kiến này mình đều làm tranh thủ ngoài giờ, chứ trong giờ phải làm những nhiệm vụ khác. Theo quy định của nhà máy, đúng 17g, tất cả phải ra ngoài. 

Đảm bảo an toàn bay là nguyên tắc tối thượng. Mình làm ở nhà vào thứ bảy, chủ nhật và buổi tối các ngày, rồi mang lên nhà máy lắp ráp".

Mình làm để phục vụ cho công việc tốt hơn, không bao giờ nghĩ đơn vị phải trả tiền cho mình

Kĩ sư Nguyễn Ngọc Thanh

Yêu nghề, đam mê công việc, đam thích mày mò, khám phá và chinh phục thử thách, không ít lần chàng kĩ sư ấy bỏ tiền túi mua vật liệu, thiết bị nghiên cứu làm. 

Trượt Đại học Bách khoa Hà Nội vì thiếu 0,5 điểm, Nguyễn Ngọc Thanh học Trường cao đẳng Không quân. Khi vào Nhà máy A32 làm việc, anh tranh thủ học tiếp lên Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Thanh từng là thành viên đội Robocon của trường này.

Phó quản đốc 8X

Ba năm trước, khi mới 29 tuổi, thượng úy - kĩ sư Hoàng Xuân Lãm đã đảm nhiệm vị trí phó quản đốc phân xưởng thiết bị hàng không. Lãm cũng là một trong những kỹ sư trẻ nổi bật của Nhà máy A32. 

Anh là chủ nhân ý tưởng công trình chế tạo thiết bị kiểm tra giá K74 của hệ thống tự động buồng lái sau người, trên máy bay tiêm kích Su-27 và Su-30. Đây là công trình đoạt giải 3 đề tài sáng tạo toàn quân của Bộ Quốc phòng.

"Trước đây, khi sửa chữa các thiết bị của máy bay Su-27, Su-30, mình chỉ kiểm tra được các chi tiết, linh kiện nhỏ lẻ bên trong mà không kiểm tra, kiểm soát hết tính năng của giá. Giờ có thiết bị kiểm tra này, mình mới kiểm tra được hết tính năng của giá, và sau đó tiến hành kiểm tra được đồng bộ. 

Ở Việt Nam không có thiết bị này, vì đó là đồ chuyên dùng trong quân sự, phải mua từ nước ngoài, giá 13.000 USD. Mình đề xuất ý tưởng rồi làm cùng một số anh em, bắt đầu từ năm 2013 đến đầu năm 2015 thì xong" - thượng úy Hoàng Xuân Lãm nói.

Ở nhà máy của mình, rất nhiều công nhân giỏi kỹ thuật. 50% công nhân biết tiếng Nga, vì toàn làm việc với khí tài của Nga.

Thượng úy Hoàng Xuân Lãm

Môi trường tạo ra người năng động, sáng tạo

Đại úy Nguyễn Ngọc Thanh nói: "Môi trường ở nhà máy rất tốt, khiến con người năng động, sáng tạo. Ai cũng được học, nghiên cứu và sáng tạo.

Mình học được rất nhiều từ các thế hệ đi trước. Người làm kỹ thuật yêu nghề thì say nghề lắm. Mình nghĩ ra cái này, cái kia, làm lợi cho nhà máy cũng vì mình thích, đam mê.

Mình nảy ra sáng kiến, muốn sử dụng chất xám của bản thân vào công việc hiệu quả hơn".

Tổ của đại úy Thanh có chị Nguyễn Thị Chính là công nhân thợ bậc 7/7, đến khi nghỉ hưu nhưng vẫn vào nhà máy làm thêm 1-2 ngày để hoàn thành công việc.

"Nhà máy A32 cho nghỉ trước 30-60 ngày để giải quyết việc riêng, nhưng cô không nghỉ ngày nào. Người lớn tuổi như vậy mà còn có động lực, tinh thần làm việc, cống hiến như thế, làm tụi mình càng thấy phải cố gắng, phấn đấu và cống hiến hơn nữa" - đại úy Thanh cho biết.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên