25/11/2021 15:00 GMT+7

Nông dân nghèo xúc động lần đầu tiên được hỗ trợ vốn

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

Nông dân Đinh Văn Lự, xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan (Ninh Bình) xúc động nhận 20 triệu đồng từ chương trình Tiếp sức nhà nông. Đây là lần đầu tiên anh Lự được hỗ trợ vốn.

Nông dân nghèo xúc động lần đầu tiên được hỗ trợ vốn - Ảnh 1.

Đại diện báo Tuổi Trẻ trao vốn cho nông dân huyện Nho Quan (Ninh Bình) - Ảnh: VŨ TUẤN

Nông dân nghèo xúc động nhận vốn

Tại lễ trao vốn "Tiếp sức nhà nông" do báo Tuổi Trẻ và Công ty GREENFEED tổ chức tại tỉnh Ninh Bình, anh Đinh Văn Lự, nông dân xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, xúc động chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên được nhận hỗ trợ vốn, tôi không biết nói gì hơn... Cảm ơn chương trình".

Anh Lự cho hay, gia đình anh chỉ có 2 sào ruộng và một mảnh vườn trồng mía. Mấy năm gần đây, giá mía thấp, cả vụ mía anh mới thu được hơn 4 triệu đồng. Trừ chi phí phân bón, công chăm sóc, anh chỉ còn hơn 1 triệu đồng. 

Mọi chi phí sinh hoạt, cho con ăn học, chữa bệnh cho vợ anh phải đi làm mướn với đồng thù lao ít ỏi. Mấy năm trước anh có chăn nuôi, nhưng con cái còn nhỏ, anh lại phải đi làm thuê, rồi đồng vốn để chăn nuôi mất dần, anh không còn tái đàn được nữa.

Anh Lự dự định sẽ dùng đồng vốn hỗ trợ sửa chuồng trại để nuôi heo. "Có được số vốn này là tôi thỏa được mong ước có một đàn giống. Ngoài ra tôi cũng muốn Hội Nông dân và Công ty GREENFEED hỗ trợ thêm về kỹ thuật để nuôi con lợn mau lớn, không bị bệnh.

Nông dân nghèo xúc động lần đầu tiên được hỗ trợ vốn - Ảnh 2.

Anh Đinh Văn Lự chia sẻ cảm xúc trong lần đầu tiên được nhận vốn hỗ trợ - Ảnh: VŨ TUẤN

Cùng dự định với anh Lự, chị Triệu Thị Khuya, nông dân xã Phú Lộc, huyện Nho Quan, cho hay chị sẽ đầu tư để nuôi một đàn heo. Hiện chị Khuya một mình nuôi 2 con nhỏ, kinh tế gia đình eo hẹp.

2 năm trước, chị được nhận một đôi bò của một chương trình từ thiện, khi con bê lớn, chuẩn bị được bán thì ôtô tông chết khiến chị bị mất vốn. "Có đàn lợn tôi cũng đỡ vất vả hơn để nuôi con ăn học. Con cái học càng cao thì càng tốn kém, mà cháu nó học giỏi, tôi phải cố gắng để cháu được đến trường, thỏa ước mơ của cháu" - chị Khuya cho hay.

Có mặt tại lễ trao vốn, ông Văn Ngọc Đông ở xã Phú Lộc, huyện Nho Quan (Ninh Bình) khập khiễng bước từng bước lên sân khấu. Ông Đông bị bệnh viêm đa khớp, ngày nào cũng phải uống thuốc. Mỗi bước đi là một cơn đau hành hạ.

Gia đình ông Đông có 5 miệng ăn, chỉ có 2 sào ruộng và một sạp bán bún riêu nhỏ ở chợ Rịa (xã Phú Lộc). Ngày nào ông Đông cũng phải dậy từ 4 giờ sáng phụ vợ nấu bún riêu rồi chở ra chợ bán cho những người đi chợ ăn sáng.

Mỗi tô bún riêu ở chợ quê chỉ có 10.000 đồng, từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều nơi, chợ vắng, mỗi ngày vợ chồng ông Đông bán được chẳng là bao. 

"Ngày nào tôi cũng phải uống thuốc, sáng trời rét, chân tay đau lắm! Nhưng biết làm thế nào? Khi khảo sát để chuẩn bị trao vốn, các anh ở Công ty GREENFEED tư vấn cho nhà tôi nuôi lợn vì phù hợp với điều kiện của gia đình" - ông Đông tâm sự.

Hướng dẫn nông dân tránh đối đầu trang trại lớn

Ông Nguyễn Văn Chi - giám đốc kinh doanh GREENFEED Hà Nam - cho hay, khi tập huấn kỹ thuật cho bà con, doanh nghiệp định hướng để bà con chăn nuôi theo hướng tránh đối đầu với những trang trại lớn, các công ty lớn.

Nông dân nghèo xúc động lần đầu tiên được hỗ trợ vốn - Ảnh 3.

Các hộ nông dân phấn khởi nhận vốn - Ảnh: VŨ TUẤN

Nông dân tham gia chương trình được tư vấn chăn nuôi con giống bản địa, giống đặc sản, vừa có giá trị cao, vừa phù hợp với điều kiện chăn nuôi của gia đình. 

"Nông dân ít vốn, thiếu kỹ thuật không thể cạnh tranh với các trang trại lớn được. Vì thế phải chuyển hướng chăn nuôi, đi sâu vào chất lượng và con giống đặc sản để tận dụng lợi thế của mình" - ông Chi nói.

Sau khi trao vốn, phía doanh nghiệp sẽ cử cán bộ kỹ thuật tiếp tục đồng hành với bà con. Định kỳ 3 tháng 1 lần, cán bộ phụ trách sẽ đến các hộ tham gia chương trình để tiếp tục hướng dẫn, và giải quyết ngay những vấn đề phát sinh như dịch bệnh, thức ăn để các hộ này sử dụng đồng vốn hiệu quả.

Trong chương trình "Tiếp sức nhà nông" tại tỉnh Ninh Bình, đại diện báo Tuổi Trẻ và GREENFEED đã trao 40 suất quà với tổng số tiền 920 triệu đồng. Trong đó có 20 triệu đồng tiền mặt và phiếu thức ăn trị giá 3 triệu đồng.

Bên cạnh đó, chương trình còn trao thưởng cho 40 em học sinh học giỏi là con em các hộ tham gia chương trình. Tổng trị giá các món quà 40 triệu đồng.

Nông dân nghèo xúc động lần đầu tiên được hỗ trợ vốn - Ảnh 4.

Đại diện GREENFEED Việt Nam trao thưởng cho các em học sinh vượt khó học giỏi - Ảnh: VŨ TUẤN

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hoàng Ngọc Chinh -  phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình - cho hay, trong những năm qua, Hội Nông dân Ninh Bình phối hợp với các tổ chức như Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ nông dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. 

Tuy nhiên, thực tế nhu cầu về vốn của bà con rất nhiều. Hơn nữa chương trình Tiếp sức nhà nông lại có một cách làm rất khác là lựa chọn những hộ nông dân khó khăn nhưng có quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế và con cái họ có ý chí phấn đấu vươn lên trong học tập.

Chương trình vừa hỗ trợ vốn, vừa hỗ trợ kỹ thuật lại động viên, khuyến khích bà con bằng các suất học bổng có giá trị cho con em họ. 

"Đây thực sự là một chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục được phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ, Công ty GREENFEED để tiếp tục tạo sinh kế cho nhiều bà con nông dân khó khăn trong tỉnh" - ông Chinh nói.

40 hộ nông dân Thanh Hóa được vay vốn không lãi suất 40 hộ nông dân Thanh Hóa được vay vốn không lãi suất

TTO - 40 hộ nông dân tại huyện Như Xuân (Thanh Hóa) được chương trình Tiếp sức nhà nông hỗ trợ vốn không lãi suất trong 2 năm với tổng kinh phí 920 triệu đồng.

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên