20/06/2012 06:14 GMT+7

Nữ quản giáo với bài học về tình yêu thương

KIM ANH
KIM ANH

TT - Không chỉ bằng nội quy mà bằng tình yêu thương, những nữ quản giáo ở trại giam An Phước (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) đã cảm hóa những tù nhân từng một thời giang hồ khét tiếng trở thành những con người hướng thiện...

Tshzn0HA.jpgPhóng to
Thượng úy Đặng Thị Thanh Hải và phạm nhân nữ tại một buổi học về pháp luật ở trại giam An Phước - Ảnh: K.ANH

Không ít tù nhân sau ngày ra trại vẫn giữ liên lạc với những nữ quản giáo. Họ đã xem nữ quản giáo như người bạn, người thân để sẻ chia những buồn vui trong cuộc sống.

Trao yêu thương, gợi điều tốt đẹp

Tưởng chừng những nữ quản giáo sẽ khô khan và có phần cứng rắn, nhưng khi chúng tôi tiếp xúc, họ vẫn dịu dàng như bao cô gái khác. “Ngày mới ra trường được phân công tại trại giam, tôi rất vui vì được làm nghề mình yêu thích, nhưng cạnh đó cũng không ít âu lo vì sẽ phải quản lý những nữ tù nhân từng là “đàn chị” khét tiếng” - thiếu úy Nguyễn Thị Thu Hiền bày tỏ. Vậy mà Hiền đã làm quản giáo được hơn năm năm.

Hiền bảo gắn bó với những nữ tù nhân mới thấy dù có phạm tội ghê rợn thế nào thì họ vẫn còn phần “người”... Để quản lý tốt một đội 35-40 tù nhân, Hiền đã phải dành nhiều thời gian gần gũi, trò chuyện với từng người để hiểu thêm hoàn cảnh, tâm lý mỗi người ngoài những thông tin có được từ hồ sơ tù nhân.

“Mỗi người đều có những nguyên nhân dẫn đến phạm tội, hoàn cảnh của mỗi người cũng khác. Người vào tù còn để con thơ, mẹ già phải chịu cảnh khó nghèo, người lại chẳng có người thân nào đến thăm nuôi. Làm quản giáo phải hiểu từng người mới có cách giúp họ cải tạo tốt được” - Hiền tâm sự.

Tiếp thêm niềm tin phía trước

Những nữ quản giáo luôn truyền niềm tin vào tương lai đến với tù nhân do mình quản lý: “Cha tôi làm ở trại giam này. Lúc nhỏ ông thường dắt tôi vào chỗ làm việc, do vậy có phạm nhân tôi biết từ khi còn nhỏ, mãi đến khi học xong ra trường tôi về quản lý đúng đội có phạm nhân ấy. Thông qua nhiều kênh, tôi nắm được hoàn cảnh của cô ấy. Thời gian ở trại gần 20 năm, cô ấy luôn lo lắng vì có mỗi mẹ già nghèo khổ không ai nương tựa. Có lần duyệt thư thấy cô ấy xin mẹ mua cho chiếc nón lá, tôi đã đi mua và nói là mẹ cô ấy gửi tặng con gái để tạo thêm động lực cho cô ấy cải tạo tốt, mau được về với mẹ già” - Hiền cho biết.

Hay như trường hợp một nữ phạm nhân khi phát hiện mình bị nhiễm HIV đã tìm cách tự hủy hoại bản thân, thượng úy Đặng Thị Thanh Hải đã giúp cô nhận ra cuộc đời còn đáng sống. Hải cho biết: “Biết cô ấy có con nhỏ nên tôi khuyên cô ấy phải lạc quan và giữ gìn sức khỏe. Sau này biết đâu có thuốc chữa, hoàn thành thời gian cải tạo còn về nuôi con. Cứ thế mỗi sáng tôi phải thăm dò, nếu thấy sắc mặt cô ấy khác thường là động viên, an ủi ngay. Nhờ thế cô ấy đã ổn hơn, lao động và rèn luyện tốt hơn”.

Hải tâm sự phạm nhân sẽ không yên tâm cải tạo nếu tinh thần của họ chán nản, không còn niềm tin vào tương lai. Nếu khơi dậy được ở những nữ phạm nhân hi vọng, sự khát khao trở lại cuộc đời, họ sẽ cải tạo tốt hơn.

Từ ngày cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác” được triển khai đến từng chiến sĩ trẻ ở trại giam An Phước, những bài học từ Bác trở thành động lực để mỗi người rèn luyện tốt hơn. Nhiều nữ quản giáo cho biết họ học được nhiều điều từ sáu lời Bác dạy người chiến sĩ công an nhân dân. Và với những nữ quản giáo thì bài học về tình yêu thương luôn là động lực để họ cảm hóa tù nhân.

KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên