23/04/2024 09:28 GMT+7

Nước thải đen ngòm 'bủa vây' những ruộng lúa còi cọc

Cứ có mưa to là nước thải ô nhiễm nặng, nồng mùi hóa chất tràn vào ruộng lúa, nước bẩn hôi thối, có màu đen.

Ông  Phạm Sỹ Tuệ ngao ngán vì nước ô nhiễm thường xuyên tràn vào ruộng lúa - Ảnh: DANH KHANG

Ông Phạm Sỹ Tuệ ngao ngán vì nước ô nhiễm thường xuyên tràn vào ruộng lúa - Ảnh: DANH KHANG

Ông Phạm Sỹ Tuệ (54 tuổi, phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên) cho biết như vậy khi phản ánh với Tuổi Trẻ Online về tình hình ô nhiễm ở khu cánh đồng gần nhà.

Ruộng lúa "bỏ thì thương, vương thì tội"

Ông Tuệ cho biết không chỉ mưa lớn mà ngay những ngày không mưa, nước thải vẫn tràn vào cánh đồng. Có những thửa ruộng bị nước thải thường xuyên bủa vây nên người dân đã bỏ hoang.

"Chúng tôi nghi là người ta xả trộm nhưng không bắt được quả tang. Vì có hôm trời không mưa mà nước thải vẫn cứ lênh láng cả cánh đồng, cây lúa cứ mòn mỏi không lên được", ông Tuệ nói.

Hơn 4 sào ruộng (360m2/sào) của gia đình ông Tuệ cũng đang có nguy cơ không cho thu hoạch vì cứ èo uột, bón đủ loại phân mà không lớn. "Đáng ra vào cuối tháng 4 thì lúa trổ đòng rồi nhưng đằng này cứ như mới cấy", ông Tuệ cho biết thêm.

Nước đen kịt, nổi váng giống như dầu nhớt trên kênh Trần Thành Ngọ (thị xã Mỹ Hào) - Ảnh: D.KHANG

Nước đen kịt, nổi váng giống như dầu nhớt trên kênh Trần Thành Ngọ (thị xã Mỹ Hào) - Ảnh: D.KHANG

Bà Mai (83 tuổi, phường Dị Sử) cho biết thời điểm khu công nghiệp chưa về, chưa có làng nghề nhiều như bây giờ, mỗi khi ra đồng bà vẫn ngửa nón múc nước uống.

"Ngày trước là vậy nhưng giờ khác rồi, lội xuống kênh thôi chân cũng ngứa lắm. Thửa ruộng nào ở trên cao cây lúa còn lên được, ở dưới thấp nước ô nhiễm tràn qua nay cứ chết theo từng chòm", bà Mai chia sẻ.

Cũng tại Hưng Yên, ghi nhận của phóng viên cho thấy cách đây vài tuần, trạm bơm thôn Đạo Khê, xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ cũng đã phải bơm một khối lượng lớn nước thải có màu đen, sủi bọt trắng vào cánh đồng.

Không bơm nước thải vào ruộng thì lúa cũng chết

Không chỉ Hưng Yên, tại huyện Tiên Du và TP Bắc Ninh (Bắc Ninh), một số cánh đồng cũng phải tưới bằng nước ô nhiễm từ sông Ngũ Huyện Khê.

Bà Mẫn Thị Hiền (42 tuổi, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du) cho biết do nước bẩn thường xuyên bủa vây nên kể từ sau Tết Nguyên đán 2024, gia đình bà đã phải cấy lại nhiều diện tích.

"Nước thải đủ các loại từ màu đỏ tươi, nâu, xám xịt… nặng mùi hóa chất chảy vào ruộng thì cây lúa lên làm sao được. Lúa chết vì thời tiết chỉ một phần nhỏ thôi, phần lớn là do nước bẩn. Năm nay lúa chết nhiều quá, tôi phải mua hết gần 10 triệu đồng tiền mạ khay để cấy lại", bà Hiền chia sẻ.

Do ngâm lâu trong nước thải, lúa có dấu hiệu chậm phát triển (ảnh chụp tại phường Phong Khê, TP Bắc Ninh) - Ảnh: D.KHANG

Do ngâm lâu trong nước thải, lúa có dấu hiệu chậm phát triển (ảnh chụp tại phường Phong Khê, TP Bắc Ninh) - Ảnh: D.KHANG

Cánh đồng ở phường Phong Khê (TP Bắc Ninh) nhiều ruộng lúa cũng đang có dấu hiệu phát triển rất chậm do ngâm trong nước thải.

"Dân ai cũng lo lắng, hoang mang, nhưng không bơm nước thải từ sông Ngũ Huyện Khê vào ruộng thì lúa cũng chết", bà Nguyễn Thị Ngân (63 tuổi, phường Phong Khê) cho hay.

Nước bẩn không nên dùng nhưng…

Sau khi nhận được phản ánh về tình trạng nước thải "tấn công" đồng ruộng, chiều 22-4, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Thế Thành - trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Mỹ Hào - cho biết sẽ phối hợp với Phòng Kinh tế thị xã Mỹ Hào để kiểm tra việc lấy nước của người dân phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Còn ông Trần Đăng Anh - phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên - cho hay thời gian tới đơn vị này sẽ phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên có những khuyến cáo cho người dân.

"Có thời điểm nước đen thật, có chỗ dân cũng không dám lấy. Ô nhiễm trên kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải ngoài nội tại thì cũng do từ Hà Nội chảy về. Còn về diện tích ruộng bỏ hoang do một phần bà con khó khăn trong tưới tiêu và phần cũng do lợi nhuận từ trồng lúa thấp", ông Anh nói.

Ô nhiễm trên sông Ngũ Huyện Khê ngày một trầm trọng - Ảnh: D.KHANG

Ô nhiễm trên sông Ngũ Huyện Khê ngày một trầm trọng - Ảnh: D.KHANG

Ông Đàm Phương Bắc - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bắc Ninh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh) - cho biết: "Nước bẩn thì không nên dùng, nhưng có những vùng cũng khó!".

Ông Bắc cho rằng: "Để giải quyết dứt điểm nước ô nhiễm, ngành tài nguyên và công an cần phải kiểm soát nguồn thải. Tưới nước bẩn ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có chất lượng gạo. Chúng tôi cũng chỉ là nạn nhân".

Tuy nhiên, theo ông Bắc, đến nay trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vẫn chưa có báo cáo mức độ ảnh hưởng của nước bẩn khi tưới vào ruộng lúa.

Nhiều công ty dệt may bị xử phạt vì xả thải trái phép

Từ ngày 10 đến 16-4, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành 3 quyết định xử phạt Công ty TNHH dệt may Đại Hoa (bị phạt 350 triệu đồng), Công ty TNHH sản xuất Sweet Land - Tex (bị phạt 300 triệu đồng) và Công ty TNHH may thêu Khải Hoàn (bị phạt 400 triệu đồng).

Trước đó, trong năm 2023, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xử phạt 7 cơ sở đã xả thải trái phép ra kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải với tổng số tiền 975 triệu đồng.

Công trình hơn nửa thế kỷ Bắc Hưng Hải ô nhiễm nặng: Không giải quyết sẽ thành phế tíchCông trình hơn nửa thế kỷ Bắc Hưng Hải ô nhiễm nặng: Không giải quyết sẽ thành phế tích

Bắc Hưng Hải - kênh thủy lợi ở miền Bắc được xây dựng từ năm 1958, có vai trò đặc biệt quan trọng với Đồng bằng Bắc Bộ đang bị "nhuộm" đen bởi đủ các loại nước thải độc hại. Có những đoạn kênh như bị bóp nghẹt bởi rác, nước thải.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên